ĐNCT: Nhằm thiết thực kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2025), chuẩn bị xuất bản kỷ yếu Báo Đà Nẵng - 65 năm trưởng thành (dự kiến phát hành vào đầu năm 2025), từ số báo này Đà Nẵng cuối tuần mở mục “Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”. Nội dung tập trung phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu và phát triển Báo Quảng Đà, Cờ Giải Phóng, Quảng Nam - Đà Nẵng và Báo Đà Nẵng qua các thời kỳ, khắc họa các bước phát triển và những đóng góp quan trọng của các thế hệ những người làm báo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là cơ quan của Đảng bộ, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Xin được giới thiệu đến bạn đọc và mong nhận được sự cộng tác của các đồng nghiệp, cộng tác viên xa gần. Trân trọng. |
Báo chí là bộ mặt tinh thần của xã hội. Báo chí chính thống phải giữ vai trò chủ đạo thông tin, định hướng dư luận xã. Báo Đà Nẵng trong quá trình hình thành và phát triển, may mắn được kế thừa truyền thống và nhiều tấm gương cống hiến hết mình của các bậc đàn anh, chính họ làm nên lịch sử của báo. Tôi và các anh chị cùng thời tự hào có chút công sức nhỏ bé vào nhiệm vụ vẻ vang “góp vào sự đồng thuận” của Đảng bộ và nhân dân thành phố anh hùng.
Phiên bản điện tử của Báo Đà Nẵng chính thức được lãnh đạo thành phố ấn nút “hòa mạng” vào ngày 24-4-2008. Ảnh: Tư liệu |
Tôi chính thức về cơ quan báo vào loại muộn mằn. Tháng 12-2007 sau nhiều đắn đo tôi về nhận công tác ở Báo Đà Nẵng. Đắn đo không phải vì vị trí, thu nhập này nọ mà chính là mình cảm thấy công việc mới này có nhiều thử thách, những chữ “cơ quan ngôn luận”, “tiếng nói của đảng bộ, chính quyền và của nhân dân thành phố” biết khá lâu nhưng khi chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới thấy nó nặng tựa núi. Trong khi công việc sở trường của mình vốn đi dạy là chính.
Sự thôi thúc với nghề
Dĩ nhiên báo chí với tôi không phải là lĩnh vực xa lạ, trước năm 1975, tôi học ban C Trường Phan Châu Trinh. Ban C thời đó là chuyên văn chương và ngoại ngữ, năm học 1974-1975, tôi được bầu làm trưởng ban báo chí của ngôi trường lừng lẫy ấy, nhiệm vụ chính của ban là phát hiện, tổ chức một sân chơi cho các bạn học sinh giỏi văn, thích viết lách. Hồi đó hầu như tất cả các lớp trung học từ cơ sở trở lên mỗi năm đều làm một tờ “bích báo”, bằng vải hoặc giấy khổ lớn, khá hơn thì in ronéo. Đơn giản vậy chứ những ngày chuẩn bị “ra báo” là một sự thôi thúc, say mê lạ lùng, bài được “đăng” cũng sướng như giấy chứng nhận bước chân vào thế giới văn chương! Ngày “phát hành” tờ bích báo được treo lên tường là một sự kiện, thầy cô và học sinh đều quan tâm. Từ các tờ báo ấy xuất hiện những bài báo hay, được chọn và in trong giai phẩm mùa Xuân. Tôi làm tờ Đất Hồng của trường, phát hành vào dịp năm mới, ngoài ra còn làm tờ Ý nghĩ mà những bạn viết ngày ấy sau này thành nhà báo chuyên nghiệp như Hồ Tân, Đặng Ngọc Khoa, Hoàng Chương, Nguyễn Khoa Chiến cùng những bạn Dương Đăng Cao, Nguyễn Đăng Châu, Hùng “trẩy lá” nữa, những người mà thầy Đông Trình ngày đó dạy Văn cũng là tác giả tập thơ “Rừng dậy men mùa” nổi tiếng gọi là “Hoa đã hướng dương”.
Năm 1981 tốt nghiệp đại học tôi được chọn về làm công tác giảng dạy ở Học viện Chính trị khu vực 3 (Đà Nẵng) và cũng có một thời gian được giao làm tạp chí Sinh hoạt lý luận của học viện, tuy nhiên đó chỉ là tay trái. Còn khi tôi về nhận công tác mới, thời điểm đó thành phố vừa kỷ niệm 10 năm ngày trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng như một đại công trường, bao dự án, công trình mà tập trung nhất là chỉnh trang đô thị, kinh tế và xã hội chuyển biến, với các chủ trương độc đáo như thành phố “5 không 3 có”… phương châm phổ biến lúc đó là Nhà nước và nhân dân cùng làm, mục tiêu là tạo “sự đồng thuận của nhân dân”, theo đó Báo Đà Nẵng là cơ quan có nhiệm vụ chính góp phần tạo ra sự đồng thuận ấy.
Các ấn phẩm đặc biệt. Ảnh: Tư liệu |
Tám năm làm báo
Kế thừa truyền thống của báo, nhất là sự nhạy bén của người tiền nhiệm Ngô Quy Nhơn, một nhà báo vào làng đa đề có phong cách rất nghệ sĩ, được sự hỗ trợ, chia sẻ của anh em nhất là các anh chị trong Ban Biên tập, tôi tập trung vào một số công việc, trước hết là giữ cho được cái đà của những năm trước, sau đó xác định các nội dung ưu tiên.
Có những việc thường xuyên, hằng ngày như đôn đốc những tuyến bài điều tra về các vụ việc nổi cộm, tiêu biểu như bảo vệ môi trường, chống xây dựng trái phép, bảo vệ hài hòa lợi ích của dân và của thành phố trên Báo Đà Nẵng, cũng có những việc gắn với các sự kiện lớn của thành phố. Cho đến nay nhiều đại biểu vẫn nhớ các ấn phẩm Sức mạnh đồng thuận; Đà Nẵng - 35 năm thành tựu và phát triển… là quà tặng ý nghĩa tại các kỳ Đại hội đảng bộ thành phố. Sau này có nhiều đặc san khác như: Chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông trên báo Đảng; Đêm Bà Nà đầy sao; 100 doanh nghiệp - doanh nhân tiêu biểu thành phố Đà Nẵng, Mai đây còn nhớ; đặc biệt cuốn 55 năm - Báo Đà Nẵng nhân dịp đón nhận Huân chương Lao Động hạng Nhì được đánh giá cao.
Phiên bản điện tử của Báo Đà Nẵng chính thức được lãnh đạo thành phố ấn nút “hòa mạng” vào ngày 24-4-2008, đó là xu hướng chung của yêu cầu phát triển báo chí. Thời điểm đó nhiều báo đã có phiên bản điện tử, nhưng bản Da Nang Today (Báo Đà Nẵng điện tử tiếng Anh) thuộc hạng tiên phong của khu vực. Bộ phận làm báo tiếng Anh khá hùng hậu (5 người) có cả chuyên gia người Anh hiệu đính hằng ngày là một nỗ lực lớn. Phương châm hoạt động không chỉ là bản dịch đơn giản tin tức mà còn cố gắng viết tin với phong cách báo chí bằng tiếng Anh, được trình bày theo phong cách hiện đại. Người nước ngoài nhất là du khách và nhà đầu tư khi tìm hiểu về thành phố, về môi trường đầu tư, tiềm năng và các chủ trương mới của thành phố thường xem Da Nang Today là kênh thông tin cơ bản và hữu ích. Có thể nói Da Nang Today là kênh thông tin đối ngoại chính thức và quan trọng hàng đầu của chính quyền thành phố.
Kế thừa tờ Quảng Nam - Đà Nẵng cuối tuần trước đây. Tờ Đà Nẵng cuối tuần có một lịch sử đáng tự hào, có thời kỳ xem như hiện tượng báo chí khi phát hành lên tới 12 vạn bản. Vượt phạm vi địa phương, cả nước nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, thời điểm đó nhiều độc giả ngồi đợi sáng Chủ nhật để đọc Đà Nẵng cuối tuần. Ban đầu 12 trang, đến 2008 tăng lên 16 trang và ổn định cho đến nay. Đà Nẵng cuối tuần tập trung những bài viết có tính văn hóa, văn nghệ, xã hội của Đà Nẵng. Đối tượng nhắm đến là bạn đọc trong giới trí thức, văn nghệ sĩ, qua đó góp phần làm nên sự đa dạng, phong phú đời sống báo chí thành phố.
Các số báo đặc biệt
Trong giai đoạn tôi công tác đáng nhớ là việc phát hành ba số báo được nhiều người chú ý. Tháng 10-2013, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội - Nhân dân Việt Nam từ trần ở tuổi 103. Đây là sự kiện gây xúc động lớn không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Báo Đà Nẵng làm gì để cùng cả nước thể hiện sự biết ơn và tưởng nhớ người học trò xuất sắc của Bác Hồ? Và một số báo đặc biệt được chuẩn bị khẩn trương nhưng rất công phu được phát hành kịp thời. Nội dung phong phú, tăng lên 28 trang, bìa rất ấn tượng với chân dung Đại tướng. Trong nhang trầm nghi ngút tại tang lễ ở Đồng Hới, đoàn Báo Đà Nẵng kính viếng Đại tướng có số báo đặc biệt.
Kỷ niệm 40 năm ngày Hoàng Sa bị cưỡng chiếm trái phép, 1-2014, đây là sự kiện đặc biệt đối với lịch sử thành phố. Diện tích Đà Nẵng hơn 1.200 km2 thì Hoàng Sa rộng hơn 350 km2. Đây là số báo có sự đóng góp bài vở của những học giả hàng đầu như Dương Trung Quốc, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Nhã… số báo kịp phát hành và là tài liệu chính trong hội thảo về Hoàng Sa do Hội Khoa học Lịch sử thành phố tổ chức. Có nhiều cuốn sách và bài báo của các tác giả nổi tiếng được xuất bản, nhưng ra một số báo đặc biệt tập trung riêng cho chủ đề Hoàng Sa thì có lẽ đến nay Báo Đà Nẵng là cơ quan duy nhất thực hiện một số chuyên đề với số trang tăng gấp 3 lần.
Anh em cơ quan, những người làm báo cách đây mươi năm nhớ nhất là số báo đặc biệt tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Bá Thanh. Sau thời gian lâm bệnh nặng, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng từ trần. Những ngày giáp Tết, báo Xuân năm 2015 đã phát hành, nhưng trước sự xúc động mạnh của nhân dân thành phố, sau khi xin ý kiến lãnh đạo, Ban Biên tập giao phòng Đà Nẵng cuối tuần thực hiện số báo đặc biệt này. Trong cuộc sống ta nhiều lần gặp tình huống “khẩn trương”, với số báo này quả thật hai chữ khẩn trương càng thêm thấm thía.
Trong một thời gian kỷ lục, một ekip do một Phó Tổng Biên tập trực tiếp chỉ đạo, vừa huy động anh em phóng viên trong cơ quan viết bài, vừa đặt bài cộng tác viên, kể cả người nước ngoài. Sau hai ngày chuẩn bị số báo đặc biệt này kịp phát hành. Nhưng có một tình huống không lường trước, chỉ vài tiếng thì hết báo mà nhu cầu thì lớn, nhiều người phải mua bản photo. Ban Biên tập quyết định in thêm, nhưng lúc đó chiều 28 Tết Âm lịch nhà in đóng máy để nghỉ Tết. Với sự quyết tâm của cả cơ quan, vậy là chỉ một buổi tối tập trung, 3.000 bản in thêm kịp phát hành trong buổi đưa tang, thỏa mãn nhu cầu của người dân. Qua đây mới thấy năng lực của cán bộ phóng viên, nhất là đội ngũ các trưởng, phó phòng. Quả thật không có các bạn sẽ khó hoàn thành các số báo đặc biệt nói trên.
Tám năm chỉ là một khoảng rất ngắn, làm báo vốn vất vả và nhiều thử thách. Điều lắng đọng là khi nhìn lại, tôi và các anh chị cùng thời tự hào có chút công sức nhỏ bé vào nhiệm vụ vẻ vang “góp vào sự đồng thuận” của Đảng bộ và nhân dân thành phố anh hùng.
MAI ĐỨC LỘC