Hai anh em Grimm không chỉ có truyện cổ tích

.

Việc tìm thấy 27 cuốn sách tưởng đã thất lạc tại một thư viện ở Ba Lan mới đây đã giúp công chúng hiểu thêm về các lĩnh vực đóng góp rộng lớn hơn của hai anh em nhà Grimm đối với nền văn hóa Đức cũng như văn hóa thế giới nói chung.

Một trong những tác phẩm bị thất lạc đã được tìm thấy ở Thư viện đại học Adam Mickiewicz của Ba Lan với những phần ghi chú thích của anh em nhà Grimm. Ảnh: Adam Mickiewicz University
Một trong những tác phẩm bị thất lạc đã được tìm thấy ở Thư viện đại học Adam Mickiewicz của Ba Lan với những phần ghi chú thích của anh em nhà Grimm. Ảnh: Adam Mickiewicz University

Giáo sư Eliza Pieciul-Karmińska và thủ thư Renata Wilgosiewicz-Skutecka tại Trường Đại học Adam Mickiewicz (gọi tắt là trường “AMU”) ở Poznań, Ba Lan là những người đã phát hiện ra 27 cuốn sách này. Chúng được ra đời trong khoảng thời gian từ những năm 1400 cho tới nửa đầu những năm 1800. “Với các nhà nghiên cứu về Grimm, điều đó giống như tìm thấy một kho báu vậy”, bài báo đăng trên trang web của trường AMU về việc tìm thấy 27 cuốn sách.

Từ văn hóa dân gian…

Theo trang Artnet, anh em nhà Grimm đã làm việc cùng nhau ở Kassel, Göttingen (Đức) và thậm chí cả Savigny (Pháp) trong một thời gian ngắn, nhưng họ trải qua thời kỳ dài nhất, lừng lẫy nhất trong sự nghiệp của mình với tư cách là các nhà nhân chủng học văn hóa ở Berlin. Khoảng thời gian này bắt đầu vào năm 1840 khi Frederick William IV, nhà vua nước Phổ, mời họ đến giảng bài với tư cách là các thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia.

Có một điều thú vị không phải ai cũng biết, trong suốt những năm tháng cùng nhau chia sẻ một sự nghiệp chung về văn hóa dân gian và ngôn ngữ học vào đầu những năm 1800, hai anh em nhà Grimm đã cùng nhau tích lũy được một thư viện sách cá nhân với khoảng 8.000 cuốn.

Sẽ được số hóa và công bố trên mạng

27 cuốn sách của anh em nhà Grimm sẽ vẫn được lưu tại thư viện AMU, trong thời gian thư viện tiến hành số hóa và sau đó công bố trên mạng. Bà Eliza Pieciul-Karmińska, một nhà ngôn ngữ học, bày tỏ hy vọng đây mới chỉ là sự khởi đầu trong việc có thêm những hiểu biết sâu sắc hơn về anh em nhà Grimm trong tư cách là những người kiến tạo nên bộ từ điển tiếng Đức. Giới chuyên môn cho rằng rất có thể còn nhiều thư viện khác cũng đang giữ các tác phẩm đã bị thất lạc trong bộ sưu tập cá nhân của anh em nhà Grimm.

Trong suốt cuộc đời mình, hai tác giả Jacob Ludwig Carl Grimm và Wilhelm Carl Grimm, vốn quen thuộc hơn với mọi người bằng tên gọi “anh em nhà Grimm”, đã kỳ công sưu tập những câu chuyện cổ tích được truyền miệng và biên soạn lại thành các tập truyện cổ tích làm mê đắm bao thế hệ trẻ em trên thế giới, trong đó có những truyện dường như đứa trẻ nào cũng biết là Lọ Lem, Cô bé quàng khăn đỏ, Công chúa tóc mây.

“Truyện cổ Grimm” (tên tiếng Đức là “Kinder-und Hausmärchen”) của hai anh em nhà Grimm là những câu chuyện mang thông điệp bài học đạo đức giản dị, phù hợp với số đông nên dễ tiếp cận với tất cả mọi người, không phân biệt quốc gia, tôn giáo hay sắc tộc.

“Thông điệp đạo đức trong truyện của anh em nhà Grimm ra đời một cách tự nhiên từ đời sống của nhân dân Đức thông qua truyền thống kể chuyện, và họ muốn lưu giữ chúng lại trước khi những câu chuyện đó có thể bị mai một theo thời gian”, chuyên gia Jack Zipes viết về công trình nổi tiếng của hai anh em Grimm.

… đến các công trình ngôn ngữ

Đóng góp của anh em nhà Grimm với kho tàng văn hóa dân gian thế giới rõ ràng là rất lớn. Nhưng hóa ra sự nghiệp của họ còn có các phương diện khác, cũng rất lớn, mà chỉ mãi tới hôm nay mọi người mới biết. Họ là các nhà ngôn ngữ học đã tham gia tích cực trong việc thúc đẩy nghiên cứu văn chương kinh điển của Đức cũng như ngôn ngữ Đức.

Họ là những người đầu tiên khởi thảo biên soạn cuốn Deutsche Wörterbuch (Từ điển tiếng Đức). Cuốn từ điển này đã được hoàn thiện trong hơn một thế kỷ sau đó nhờ vào những học giả quyết tâm làm tiếp công trình còn dang dở của hai anh em. Với hơn 32 tập, gồm 331.000 mục từ và khoảng 4.000 nguồn tư liệu trích dẫn, đây được coi là cuốn đại từ điển tiếng Đức phong phú nhất hiện nay.

Để hỗ trợ cho các nghiên cứu của họ về văn hóa dân gian cũng như về ngôn ngữ học, hai anh em nhà Grimm đã tra cứu thông tin tại thư viện cá nhân của họ với khoảng 8.000 cuốn sách đã nhắc tới ở trên. Ngày nay hầu hết những cuốn sách của thư viện đó đều được cất tại một thư viện ở Berlin sau khi ông Hermann, con trai của ông Wilhelm, chuyển chúng tới đó. Nhiều cuốn khác đã bị thất lạc.

Theo nhà giám tuyển Renata Wilgosiewicz-Skutecka của AMU, sở dĩ bà Eliza Pieciul-Karmińska và bà Renata Wilgosiewicz-Skutecka biết được những cuốn sách đó của anh em nhà Grimm là nhờ vào những ghi chú viết tay của họ trong sách. Những dòng chữ này cũng cung cấp cái nhìn sâu sắc về phương pháp làm việc của hai anh em, cũng như sự lựa chọn chủ đề và mô típ trong tác phẩm của họ.

Các chuyên gia cũng đã có thể truy ngược lại hành trình vì sao những cuốn sách này đã đến được Ba Lan, vốn được khởi đầu từ cuối Thế chiến thứ 2. Ở thời điểm đó, vì muốn bảo vệ những cuốn sách khỏi các cuộc tấn công của quân đồng minh, các thủ thư tại Đức đã quyết định dời những cuốn sách này đến Ba Lan.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.