Kẽo kẹt tiếng cửa nhôm đưa

.

Trong mắt tôi, dì Sáu - mẹ con Hến mang dáng dấp của cả người cha lẫn người mẹ. Lần đầu tôi nhìn thấy dì Sáu, tôi cứ ấn tượng mãi về người phụ nữ tầm ba mươi tuổi, mặc bộ đồ thun cũ, đầu đội nón lá, tay xách nách mang nào đồ cào, nào thúng con đi dọc mé sông.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Buổi sáng hôm ấy, sau một đêm dài, Hến nhìn thấy dáng hình thân quen của mẹ nó ngồi ngay góc cửa, tay liến thoắng với rổ hến còn nghi ngút khói. Cánh cửa ấy không làm bằng sắt để có thể sừng sững qua tháng năm, cũng không là cửa gỗ với những vết hằn chằng chịt lên nhau, mà là cánh cửa nhôm in dấu lưng của mẹ nó tựa vào, cứ mỗi lần mở ra hay đóng lại đều vang tiếng kẽo kẹt.

Nhà nông quan tâm mùa lúa, mùa trăng, mùa con nước lên, nước xuống còn dì Sáu quên luôn mùa vụ. Công việc đi cào hến mé sông làm người phụ nữ ấy quần quật từ ngày này sang ngày khác. Đôi khi nhìn mẹ thật lâu, con Hến đứt ruột xót xa vì những nhăn nheo khiến mẹ nó già hơn cả tuổi. Dì đặt tên nó là Hến có thể vì gắn liền với cuộc đời của dì.

Gió sông thổi rì rào qua rặng dừa nước, len lỏi qua mấy hàng bạch đàn, dương liễu quyện cùng hương khói nghi ngút bên bếp lửa bập bùng. Nơi ấy có cánh cửa không bao giờ đóng vì tiếng chân dì vào ra không mỏi.

Nhà chúng tôi nằm hun hút giữa những cây bạch đàn cao vút. Lối vào nhà được phủ đầy những vỏ hến bao năm đổ dày đến độ chẳng còn ai nhìn thấy mớ cát sông bồi vào mỗi chập gió lùa.

Ngày ấy, con Hến nhận biết mẹ nó đi về bằng âm thanh của tấm cửa nhôm dựng lên giữa hai vách nhà. Từ tờ mờ sáng, khi mấy con gà trống sau vườn còn gật gù quên gáy, dì Sáu đã vác đồ cào đi dọc mé sông. Dẫu dì rón rén đến mấy thì cánh cửa ấy vẫn luôn là dấu hiệu để nó nhận biết thay cho tiếng mẹ gọi. Khi tiếng cửa vang lên lần hai, con Hến biết mẹ nó đã trở về.

Có lần năn nỉ mãi dì Sáu mới cho chúng tôi theo chân một ngày đi cào hến. Tay mẹ nó cào đến đâu, chân đá cái thúng con đến đó. Hến cào về dì đổ ra rổ, chao qua chao lại dưới sông, thêm mấy lần nước sạch cho vỏ hến hết rong rêu, đất cát. Nhen lửa lên bằng mớ cây tràm nhặt về hôm trước rồi chờ tới khi nước sôi bùng, dì cho hến vào luộc và liên tục khuấy đều để hến rơi ruột ra. Con bé Hến nhận biết hôm ấy mẹ nó thu nhiều hay ít dựa vào mâm cơm sớm mai mẹ dọn trước cửa nhà. Nếu hôm nào dì cào được nhiều thì bữa cơm có món thịt kho mặn mặn ăn được vài hôm. Còn bữa nào thấy toàn hến từ xào cho đến nấu canh, cả hến trộn rồi thêm ít hành cho ngọt vị thì nó biết buổi sáng đó mẹ cào về chỉ đâu chừng nửa thúng.

Cũng bên cánh cửa ấy, hai đứa nhỏ chúng tôi từng nghe mẹ tôi nói chuyện với dì Sáu về một người đàn ông, người mà cả tôi và con Hến chưa từng được gặp.

- Ổng có về thăm con Hến lần mô không? - Mẹ tôi nhỏ tiếng hỏi, chừng như sợ chúng tôi nghe.

- Đã đi rồi về chi nữa chị? Mà đã bao giờ em trông ổng về đâu. - Dì Sáu nhìn ra mé sông hồi lâu rồi đáp lời.

- Bộ hổng buồn hả bây?

- Nước mắt rơi ra mới là nước mắt buồn, chứ nước mắt nuốt ngược vào trong đắng ngắt thì buồn sao được chị Hai?

Không ai đáp lại lời dì Sáu ngoài tiếng thở dài và cả tiếng gió lùa qua cửa rít lên từng cơn nghe đến nặng lòng. Đêm ấy, chiếc giường tre vang đều tiếng kẽo kẹt qua mỗi đợt dì trở mình. Con Hến cứ nằm yên đó, mắt giả bộ nhắm nghiền, đưa bàn tay con con của mình vòng qua ôm mẹ. Thi thoảng nó nghe mẹ nó nấc lên những tiếng lỡ làng.

Nghề cào hến của người phụ nữ ấy cứ tất bật theo tháng năm. Những thứ trong nhà như cái bàn cái ghế hay cái cặp, bộ quần áo mới cho con Hến đi học, tất cả dì Sáu đều sắm sửa dựa vào cái thúng con đó. Ngày mẹ nó bần thần, tay vẫy vẫy từ xa đưa nó vào cánh cửa đại học cũng từ cái thúng hến mà ra.

Nhiều năm trôi qua, căn nhà cũ vẫn nằm gần mép sông nhưng đường vào nhà đã tráng nhựa phẳng phiu. Dì Sáu không còn bận bịu với thúng, cào, nồi gang và từng đợt khói cuộn tròn trên mái ngói. Dì Sáu đón tôi và con Hến về trong một dịp nghỉ hè bằng món cơm hến mà chúng tôi thích nhất. Hến đãi sạch cát đem ướp chút gia vị rồi thêm rau răm, tỏi ớt. Cho cơm vào tô, múc hến lên trên rồi chan thêm mắm cay là vừa vị. Cả nhà bưng mâm ra bày biện trước cửa, vừa ăn vừa hít hà gió sông mát lạnh.

Chúng tôi kể mẹ cho hai người mẹ nghe chuyện thành phố với những ô cửa nhỏ và những tòa nhà chọc trời. Còn mẹ tôi và dì Sáu sẽ kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện ở làng quê nhỏ, chuyện con hến bây giờ hiếm hơn hồi trước, chuyện cánh cửa nhà ngày xưa hay kêu kẽo cà kẽo kẹt…

NGỌC NỮ

;
;
.
.
.
.
.