Trong văn hóa ẩm thực miền Tây, mắm cá linh và bông điên điển là hai nguyên liệu không thể thiếu để làm nên món lẩu mắm trứ danh. Nồi lẩu nóng hổi được dọn lên bàn kèm theo đĩa cá linh tươi và rổ bông điên điển, rau muống, bông súng, lục bình tây, rau nhút, rau đắng, thân cây bòn bòn và một ít rau hẹ nước…
Món lẩu mắm cá linh miền Tây hấp dẫn tại quán "Lúa non - ẩm thực miền quê". Ảnh: H.L |
Mắm cá linh là loại mắm được làm từ cá linh, loài cá nhỏ sống ở vùng sông nước miền Tây. Cá linh sau khi bắt về được người dân rửa sạch, ướp muối và ủ trong thời gian dài chờ lên men. Mắm cá linh có mùi thơm đặc trưng, vị đậm, nhẫn đắng, thường dùng làm nguyên liệu nấu lẩu hoặc gia vị cho các món ăn khác. Giống như cá linh, món lẩu mắm không thể thiếu bông điên điển, loài hoa mang vị ngọt, nở rộ vào mùa nước nổi.
Được cho là đặc sản ẩm thực của người miền Tây, các nguyên liệu làm nên món lẩu mắm không quá cầu kỳ mà gây ấn tượng bởi nồi nước dùng đậm đà, thơm mùi sả, ớt và một chút ngọt từ đường để cân bằng hương vị. Nồi lẩu mắm có vị ngọt xương heo, cá lóc, cá basa, thịt bò, tôm, mực, cà tím và vị nhẫn đắng đặc trưng của mắm cá linh, cá sặc. Vào mùa nước nổi, nồi lẩu thường có thêm cá linh tươi mang bụng trứng béo ngậy. Người dân miền Tây thường ăn lẩu mắm kèm bún tươi và những loài rau vùng sông nước tạo nên sự cân bằng giữa hương, vị và màu sắc.
Ở Đà Nẵng, để thưởng thức lẩu mắm cá linh, bạn có thể đến “Lúa non - ẩm thực miền quê” nằm trên đường Đức Lợi 2 (phường Thuận Phước, quận Hải Châu). Tại đây, ngoài món ăn trên, thực khách cũng có thể trải nghiệm một số món ăn dân dã khác như tép đồng xào bông điên điển, rạm đồng chiên giòn, bê non xứ Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, hến xào, lẩu cua đồng hay lươn đồng bọc lá chuối…
HUỲNH LÊ