Tháng Sáu, tiết đại thử, gần ngày hạ chí, đỉnh điểm của nắng. Đất quê, vườn tược lớn nhỏ gì cũng tứ thời bát tiết phủ xanh rau màu cây cối. Nắng nóng kéo dài khiến cây lá xác xơ. Cỏ ngoài đồng không mọc. Rau trong vườn không lên. Mực nước giếng nhà vẻ cũng cạn dần đi. Hạn hán luôn là nỗi ám ảnh nghìn đời đáng sợ của nông dân. Vậy nên tháng Sáu người người mong mưa, nhà nhà mong mưa. Mong đứng mong ngồi…
Minh họa: TLAthu |
Nhà tôi vườn nhỏ không trồng được gì nhiều, trước cửa mấy hàng rau muống hột, sau lưng nhà cây đu đủ với đám bồ ngót. Trên thẻo đất hoang cặp rào mẹ tận dụng trồng hàng cà dĩa để bữa cơm hằng ngày thêm chút chất tươi. Chỉ vậy thôi mà cũng mòn mỏi trồng mưa. À quên, không phải chỉ vậy thôi. Còn có mấy con lợn với đàn bò. Lợn cần rau (dại). Bò cần cỏ. Tất tất thảy đều đợi mưa mới có thể đâm chồi nảy lộc cho chúng có cái ăn. Vậy nhưng nắng tháng Sáu cứ chang chang rêm đầu, năm rưỡi sáng vầng dương đỏ ối đã chường mặt lên rực rỡ đằng Đông. Từ rực rỡ chuyển chói chang chẳng mấy lâu la; và trưa trưa chút sẽ hóa thành… gắt gỏng! Phải, nắng tháng Sáu gắt gỏng, lóa vàng như mắt bà phù thủy khó tính đang cơn tức giận. Cơn giận kéo nguyên ngày từ bình minh đến xế chiều, trút thịnh nộ xuống nhân gian bằng oi bức rát thịt rát da. Vậy nên chỉ cần xuất hiện một đụn mây, vần vũ báo hiệu sắp có cơn giông là cả xóm phấp phỏng, ngóng mắt chờ mưa như chờ đón lộc trời…
Mong mãi rồi cũng tới lúc… gần mưa, báo hiệu bằng một hơi gió mát rợn thịt rợn da đột ngột thổi về từ nơi xa kèm theo tiếng sấm ì ầm lục bục! Mẹ bảo, mưa đâu hướng đó rồi đó, từ từ sẽ tới mình… Đoán thế, nhưng đôi khi trời chỉ làm thế chứ không mưa; hoặc chỉ mưa lắc rắc mấy hột rồi… dừng. Vậy nhưng kinh nghiệm một đời của mẹ ít khi sai, mười lần hết tám là mưa, mưa to. Nước mưa rơi xối xả kèm theo đùng đùng sấm chớp. Kệ, nghe hơi sợ chút nhưng nhìn mặt đất khát khô ừng ực uống nước, nhìn cây lá xác xơ xõa xượi bấy lâu nay được vẫy vùng, tắm táp trong mưa đương nhiên ai cũng rạng rỡ mặt mày, mát dạ mát lòng theo. Mưa tháng Sáu như liều "vitamin xanh", như cây đũa thần kỳ gõ lên cây cối trong vườn sau mỗi trận mưa. Cú gõ khiến chúng đột ngột chuyển mình từ bộ dạng èo uột lá cứng (cho dù vẫn được tưới nước đều trong cái nắng gắt gay) sang trạng thái xanh tươi, mềm mại, mỡ màng…
Ngày còn tuổi mục đồng, tôi thương mấy con bò nên cũng đỏ mắt mong mưa tháng Sáu. Nắng quá khiến đồng khô cỏ cháy, bò không có gì ăn nên lùa vào bãi chăn không chịu đứng, cứ rảo cẳng mà đi. Bò đi chủ đâu dám đứng yên, phải vác roi chạy theo "canh" bò muốn đứt hơi. Đói khiến chúng phàm ăn, sểnh mắt ra lập tức… liếm trộm lá khoai, đọt mì, đọt bắp người ta canh tác! Nhiều lần "tái phạm" khiến cô bé chăn bò phải vung roi quất trên lưng lũ bò khó bảo. Đánh xong về nguôi giận nghĩ thương đứt ruột. Nắng hạn, cỏ không đâm nổi chồi non, lá già héo queo héo quắt bảo sao chúng nuốt trôi. Bản năng sinh tồn thúc giục tìm cái ăn đương nhiên lũ gia súc đói phải vặt trộm của người! Biết vậy nên tháng Sáu mục đồng tôi luôn mong trời cho mưa. Mưa càng to càng đã. Dù con bé rất sợ sấm chớp của những cơn mưa tháng Sáu; nhưng vì niềm vui rau cỏ ngoài đồng lên xanh để lũ bò được no nê nên nghe mưa rớt lộp bộp trên mê nón đội đầu là hò reo nhảy cẫng. Yên tâm, chỉ cần một trận mưa đẫm đất đã đủ mừng. Không có loài thực vật nào sức sống mãnh liệt như cỏ dại. Cánh đồng mới hôm qua nhìn khô cháy, mưa đổ xuống lập tức ngày mai qua sông đã thấy lá non mở mắt. Chịu khó lùa bò cho chúng đi ăn rong dọc mé đầm mé suối một hai hôm - tốt nhất đợi thêm vài cây mưa dặm - xong quay trở lại đồng, bọn bò sẽ có bữa tiệc cỏ phủ phê. Đồng đâu cũng mơn mởn cỏ xanh đương nhiên chúng dí mõm gằm đầu soạt lấy soạt để, khỏi lo vụ chạy nhông ăn phá hoa màu. Mục đồng giờ hóa rảnh việc, thảnh thơi bày trò chơi nhởi. Nắng tháng Sáu cũng đã dịu dàng hơn sau những trận mưa hồi sinh quý giá. Diệu kỳ lắm ơi mưa tháng Sáu. Vậy nên thuở sinh thời ba tôi hay ngâm nga câu thành ngữ mang nghĩa ví von xuất xứ từ đâu không rõ: Mưa tháng Sáu - máu rồng…
Y NGUYÊN