Nắng rọi sân đình

.

Tôi nhìn chong chong ra cái hồ trước nhà. Mùa này nắng gắt, những cơn mưa hiếm hoi khiến chiếc hồ lợi nông cũng muốn cạn đi. Xưa nước nhiều ngang đầu người, nay đã vơi phân nửa. Vài chiếc máy bơm nổ đoành đoành đưa nước vào mấy thửa ruộng đang dần cạn khô nứt nẻ. Nhớ đêm qua cúp điện, trời oi không ngủ được. Hơi nước từ chiếc hồ cũng không làm dịu được cái khắc nghiệt.

Minh họa: TLAthu
Minh họa: TLAthu

Hết nghiêng bên này, lại trở bên kia. Tiếng ba mẹ rì rầm ở buồng bên, hình như hai người đang bàn chuyện chi đó liên quan tới tôi. Chi mà con nó lớn rồi, mình cho con nó quyết định. Chi mà bao nhiêu tuổi mà bà kêu lớn, có làm ông nọ bà kia thì cũng con mình, huống hồ... Bà cứ để đó cho tôi, mình lệnh nó phải nghe!

Tôi thở dài sườn sượt. Mấy bộ hồ sơ xin việc nằm chồng chéo lên nhau chờ ra xã ký cái lý lịch. Mà ra xã ký, thể nào ba cũng biết. Tôi sợ ánh mắt quyền lực của ba. Nhưng không đi làm, tôi biết phải thế nào đây? Anh trai tốt nghiệp đại học ra cũng chỉ làm công nhân kỹ thuật vận hành máy, chờ cơ hội ứng tuyển vị trí mới. Sinh viên ra trường không dễ gì tìm được việc làm, mà nghe đâu các khu công nghiệp đang thừa nhân công. Lương ba cọc ba đồng cũng đành chịu, chứ học hết cơm gạo của ba mẹ rồi biết làm chi nữa, không lẽ ở nhà ăn báo cô mãi.

Ba tôi là người đầy sĩ diện. Cái danh trưởng làng càng khiến ông thêm phần đạo mạo uy nghiêm. Cứ mỗi bận có việc chi làng trầu rượu tới nhà mời là y như rằng ông áo dài khăn đóng, mũ mão dù nón tinh tươm. Mà mỗi năm làng có bao nhiêu chuyện lớn chuyện nhỏ. Tỉ như một hào cựu nào đó xây lăng, hay đám đình ma chay lễ lạt… Ba chạy tới chạy lui bỏ bê hết việc nhà. Làng nước nể trọng ba bao nhiêu, mẹ vất vả bấy nhiêu. Nhiều lúc nhìn mẹ lam lũ, tôi chỉ biết cố gắng học thật tốt, thật ngoan để không khiến mẹ phải buồn nghĩ. Có lúc tôi lại mơ ước đổi đời bằng một cách nào đó để gánh bớt nỗi nhọc nhằn cơm áo cho mẹ. Chuyện đồng áng một tay mẹ chu tất. Heo qué gà vịt quấn trong chân, thế mà mẹ không than vãn lấy một lời. Mà mẹ chẳng buồn nghĩ chi mới lạ, lại còn tự hào về ba, về anh em tôi. Cái nếp hy sinh cho gia đình ăn sâu vào từng tế bào của mẹ.

Thi xong, tôi không muốn đợi tới ngày có giấy báo. Dù chi học ra cũng chẳng xin được việc, cứ đi làm trước hẵng hay. Nghe chị hàng xóm rỉ tai vụ đi xuất khẩu lao động, tôi ưng quá. Đi ba năm về. Có tiền sẽ mở một shop thời trang như mơ ước. Ba năm, lúc đó tụi bạn còn chưa ra trường, thì mình đã làm chủ một cơ sở kinh doanh. Sao lại không nhỉ!

Nhưng cái rào cản là ba trước mắt khiến tôi chùng lòng. Nhất định ba không đồng ý. Nhớ năm anh hai được xướng tên bên Văn Thánh, được nhận học bổng của hội khuyến học làng - một ngôi làng có bề dày mấy trăm năm lịch sử, làm sao không tự hào, làm sao không hãnh diện. Nhưng dù cố gắng thật nhiều tôi vẫn biết mình không xuất sắc được như anh hai. Kết quả học tập của tôi từ chăm chỉ mà có. Ai cũng bảo tôi giống mẹ, cả người, cả nết. Mẹ tôi, một người phụ nữ thuần nông chất phác, không biết nhiều về chữ nghĩa, không đọc sách thánh hiền. Đạo của mẹ là đạo ông bà, đạo vợ chồng, đạo làm người như bao người phụ nữ khác ở cái làng Mỹ Lợi này.

Chạc ba của cây mù u nằm ngả ra lòng hồ. Cứ mỗi năm cây lại ngả thêm một chút, như thể muốn soi mình dưới lòng hồ mênh mông. Lũ cá thay nhau đớp lá rụng, chúng bơi hàng đàn, thảnh thơi, vô ưu. Thả lỏng đôi chân những muốn chạm vào mặt nước hiền hòa, nhưng vô ích. Hình như nước mỗi ngày lại cạn thêm, khoảng cách từ nhánh cây mù u vì thế chẳng thể rút ngắn thêm được.

Sắp tới lễ tế Thu, ba lại chuẩn bị mấy việc trọng đại của làng. Ngôi đình nhỏ nằm bên kia mấy thửa đất, cách ngôi đình chính - tục lệ vẫn gọi là Nhà thờ làng - một quãng không xa lắm. Cứ mỗi lần tới kỳ lễ, ba đi suốt từ sáng đến tối, người rạc đi vì nắng nôi. Mấy chuyện trọng đại đó, toàn các ông lo liệu. Lâu dần thành nếp, phụ nữ trong làng không tham gia, trừ vài người có liên quan được mời tới. Năm nay ba hết nhiệm kỳ, ông những muốn nghe tên dòng họ Lê thêm nhiều lần được vinh danh bên Văn Thánh.

Nghĩ đến đó thôi, lòng tôi lại hồi hộp lo lắng. Tôi đã chọn đăng ký vào một trường đại học quá sức của mình. Tôi tính, nếu không đỗ nguyện vọng 1, tôi đủ lý do nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ mẹ. Nhìn mẹ gồng gánh nhiều quá, tôi thương. Nhưng nếu kết quả thi không như mong muốn thật, ba sẽ bực tức rầy la. Rồi thì bao sự lại đổ lên đầu mẹ. Ba tuy hiểu biết nhưng rất nóng tính và gia trưởng. Cái nết gia trưởng ấy truyền từ ông nội, ông cố. Mà thôi, tôi có thể theo học nguyện vọng 2 cũng được.

Anh trai đưa Hưng - một người bạn quê tận Quảng Nam về nhà về chơi. Tôi từng nghe anh trai kể nhiều về người bạn này. Biết anh ấy là cấp trên, giúp đỡ anh trai rất nhiều, nay mới thấy mặt. Vốn đã có cảm tình với người sếp trẻ tốt bụng, lại nhìn tướng mạo Hưng khôi ngô, lòng tôi dâng niềm cảm mến.

Tôi ngồi im trong buồng, nghe cuộc rượu của ba với anh trai cùng khách, toàn mấy câu chuyện tầm vĩ mô. Hưng cứ túc tắc nói chuyện, như thể quen thân từ lâu lắm. Hưng nói lần đầu tiếp nhận anh trai của tôi, thấy quê Phú Lộc, mà giọng pha Quảng khiến anh tò mò thích thú. Rồi qua làm việc, thấy anh trai tôi vừa cần cù chăm chỉ lại có chí tiến thủ, thế là âm thầm theo dõi hỗ trợ rồi đề bạt.

Hưng nói, một người có trình độ, có phẩm chất tốt thì không lo thiếu cơ hội phát triển. Công ty đang mở rộng sản xuất, Hưng đã đề bạt với sếp một vị trí phù hợp cho anh trai tôi và đã được phê duyệt. Tiếng cụng ly chan chát mừng anh trai tôi chuẩn bị lên chức vụ mới. Tiếng nói cười râm ran, chuyện nọ xọ chuyện kia. Chuyện về cái giọng Quảng lạc trong xứ Huế như không có hồi kết.

Hàng cau bên hông nhà đứng trơ vơ giữa cái nắng trưa oi nồng. Dây trầu nhu mì xanh biếc õng ẹo bám lấy thân cau làm dáng. Ba khoe với Hưng:

- Cau xứ này nhìn vậy đó chứ ngon có tiếng. Mà cái xứ đất cát pha bùn này còn có sản vật tiến vua đặc biệt lắm đó con nghe!

- Con nghe nói có giống khoai mài chi đó, gần giống khoai từ phải không bác? Hưng hỏi.

- Đúng rồi, lá y hệt khoai từ, nhưng củ nó thơm ngon hơn khoai từ nhiều. Tả thế nào nhỉ, chậc, có củ dài cả mét ấy!

Ba tôi loay hoay tìm cách tả vị ngon và hình dáng củ khoai. Hưng tròn mắt ngạc nhiên lẫn thích thú. Ba tôi tiếp lời:

- Xưa nhờ nó mà làng mình được miễn sưu thuế đó con, đỡ khổ cho dân biết bao nhiêu. Nhưng chừ mất dần giống rồi, tiếc!

Cuộc rượu lại tiếp tục với mấy câu chuyện quen thuộc của ba mỗi khi có khách xa tìm tới thăm. Ba khoe một cách đầy tự hào về truyền thống cách mạng của làng. Ba kể về mấy đời cơ cực sống nơi đầm phá rừng rú. Đặc biệt có phiên chợ ba ngày Tết. Nhắc tới phiên chợ Tết, ông tiếp:

- Ở đâu thế nào không biết chứ làng ni ba ngày Tết ai cũng háo hức đi chợ, mua mua bán bán tấp nập, vui lắm con.

- An ơi, ra chặt cho ba cây mía. Ba gọi tôi.

Tôi vén chiếc màn cửa chui ra, đưa mắt chào khách, bắt gặp ánh mắt anh cũng đang nhìn mình. Tôi nghe tim đập nhanh, liền bước vội qua chỗ 3 người, một thoáng bối rối, cảm giác ánh mắt Hưng đang dõi theo mình, cảm giác nóng bừng hai bên gáy.

Ba tôi say sưa với đề tài của mình. Ông chỉ tay ra vạt mía:

- Vạt mía nhỏ xíu vậy đó, chứ Tết là bán được lắm!

Hưng lại tròn mắt:

- Con tưởng Tết nhất người ta cúng bánh trái heo gà chứ bác, lần đầu con mới nghe đầu năm ăn mía.

Thú vị thiệt!

Ba tôi cười khà khà:

- Thiệt ra cái chi người ta cũng bán mua hết, nhưng mía được chuộng hơn cả, rồi tới cau trầu. Mía là để cầu mong một năm ngọt ngào hạnh phúc, còn cau trầu là mua lộc về cho cả năm dồi dào sung túc. Nói rồi ông bảo tiếp:

- Tết con ra đây, mấy đứa em đưa đi chợ Cồn chơi, vui lắm!

Nhìn ánh mắt ngơ ngác của Hưng, anh trai tôi đập vai bạn:

- Chợ Cồn là nơi tổ chức chợ phiên ba ngày Tết của làng em đó anh, không phải chợ Cồn trong Đà Nẵng mô!

Hưng ngớ người, rồi bật cười vui vẻ. Có lẽ anh đang nghĩ tới khu chợ Cồn sầm uất giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng. Quê hương thứ hai mà anh đã chọn phát triển sự nghiệp.

Họ nói với nhau về thành phố của những cây cầu, về sự đổi thay và những tiềm năng mới cho người trẻ. Hưng chốt lại một câu chắc nịch, không gì bằng học. Chỉ cần có tri thức, mọi cánh cửa bí ẩn của thế giới đều sẽ mở ra thôi.

Mặc cuộc rượu của ba với anh trai và khách, tôi tha thẩn ra chạc ba cây mù u. Ngoài này gió mát rười rười. Thi thoảng một chiếc lá chao nghiêng rồi đáp nhẹ lên mặt nước tạo nên những gợn sóng lăn tăn. Lại một gợn sóng nhỏ từ chiếc lá khác. Có trình độ, có phẩm chất thì không thiếu cơ hội phát triển ư? Tôi vừa nghĩ vừa nhìn theo mê mải những gợn sóng nhỏ. Bên sân đình, nắng rọi vào ao sen những tàn bông héo rũ còn trơ lại những nhụy vàng rủ rê lũ ong. Nắng pha mật lên những tàn cây, xuyên cổng tam quan, rồi nhuộm lên mái ngói âm dương uy nguy cổ kính. Tôi nghe trong tim mình, chợt như có ánh nắng ấm áp rọi vào.

HỒ LOAN

;
;
.
.
.
.
.