Nghề xưa giữa phố

Những nghề muôn năm cũ

.

Những người lớn tuổi tôi may mắn vừa được gặp, đều cất giữ trong mình một nghề xưa cũ. Trong ký ức về một thuở “vàng son quá vãng”, có người gác lại nghề như một hồi ức, người duy trì nó bằng tâm huyết từ ngày trẻ cho đến khi tóc đã bạc màu.

Ông Tấn (áo sẫm) trong tiệm ảnh phủ bóng thời gian của gia đình. Ảnh: X.S
Ông Tấn (áo sẫm) trong tiệm ảnh phủ bóng thời gian của gia đình. Ảnh: X.S

Nghề “chơi với lửa”

Chiếc bút vẽ tự chế, ngòi bằng đồng được đấu nối nguồn điện 12V, tạo thành ngọn lửa nhỏ với nhiệt lượng đủ đốt cháy bề mặt tấm gỗ thông. Từ sự tinh tế và kinh nghiệm lâu năm của họa sĩ, những vệt cháy chỗ đậm chỗ nhạt dần thành hình là những bức tranh sinh động với nhiều loại hình như chân dung, phong cảnh, tĩnh vật, động vật… Thoảng trong mùi gỗ cháy, dường như cảm xúc của người họa sĩ cũng “cháy” theo từng đường nét.

Đó là mô tả về nghệ thuật vẽ tranh bút lửa - loại hình đòi hỏi kỹ năng và sự sáng tạo cực cao. Dòng tranh này du nhập vào nước ta đến nay đã chừng 70 năm, được giới nghệ thuật ghi nhận khởi nguồn từ phố núi Đà Lạt, sau lan rộng đến nhiều nơi, trong đó có Đà Nẵng. Ông Nguyễn Ái Việt (SN 1962, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) là một trong những người theo nghề vẽ tranh bút lửa đầu tiên và có thể coi là cuối cùng ở đất Đà thành, nhớ lại những năm tháng “chơi cùng lửa”. Ông tự học, thử sức với nhiều loại hình, từ tốc họa, ký họa, sơn dầu, vẽ lụa… Với tranh bút lửa, ông theo nghề từ năm 1979 khắp Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh rồi Đà Nẵng. Đến năm 1984, ông giải nghệ sau khi lập gia đình, chuyển hướng kinh doanh khảm chạm gỗ mỹ nghệ, rồi cá cảnh.

“Khách đến nhờ vẽ tranh bút lửa chủ yếu là vẽ chân dung. Hầu hết họa sĩ đều tự chế tạo bút vẽ. Cây bút lửa rất cồng kềnh, đòi hỏi phải tập luyện quen tay, khéo léo tới khi thuần thục để vẽ trên gỗ. Mà đặc biệt, vẽ xong không được đánh dầu bóng lên tranh, vì chỗ đậm sẽ đậm hơn, chỗ nhạt sẽ nhạt hơn. Ngày tôi về Đà Nẵng, họa sĩ Hoàng Đặng rất ngạc nhiên khi biết giữa thành phố này cũng có người vẽ chân dung bằng bút lửa…”, ông Việt nhớ lại.

Vì tính chất công phu này, mà đến giờ ở Đà Nẵng rất ít người vẽ tranh bút lửa. Thời kỳ sau này, ông Việt bàn giao cửa hàng cho một số người thân nhưng chưa ai có thể kế thừa được kỹ thuật này. Thuở “vàng son quá vãng” của tranh bút lửa tại Đà Nẵng, dường như đã ở lại trong dòng thời gian của thập niên 70 và 80 từ thế kỷ trước. Về già, ông Việt hỗ trợ gia đình kinh doanh cá cảnh tại căn nhà số 291 Hùng Vương, đi chụp những bức ảnh lưu lại vẻ đẹp của thành phố. Ông nói, sắp tới có thể sắp xếp thời gian vẽ tranh lại và sẵn sàng chỉ dạy cho người có nhu cầu. Dòng tranh này vẫn sống, chỉ là thiếu những đôi tay kế thừa.

Tiệm ảnh của thời gian

Cách nhà ông Việt khoảng 1 cây số là tiệm ảnh Phụng Ký. Trong dòng chảy lịch sử của thành phố, nơi này lưu lại rất nhiều hình ảnh, câu chuyện về những sự kiện, chân dung mà bà Phụng Ký - nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên của Đà Nẵng, đồng thời là nữ cán bộ cách mạng anh hùng của xứ Quảng dày công ghi lại. Đây cũng là nơi gia đình bà sống với nghề chụp ảnh hơn 80 năm qua.

Tiệm ảnh ra đời năm 1940, rất lâu để bóng thời gian đổ dài qua nhiều thế hệ. Ông Hà Quốc Tấn (SN 1951, con trai thứ 5 của bà Phụng Ký) là thế hệ thứ hai của gia đình theo nghề ảnh. Bây giờ, nghề cha truyền con nối đã sang đời thứ ba. Hai người con trai của ông Tấn thay nhau quản lý tiệm. Khách đến tiệm đa số là trung niên, người lớn tuổi, chủ yếu chụp ảnh thẻ, ảnh chân dung, phục vụ cho làm hồ sơ, giấy tờ… và có một điều chắc chắn: Khách ít hơn ngày xưa. “Ngày trước, chúng tôi chụp dịch vụ nhiều, đám đình, cưới hỏi… không thiếu gì. Khách có lúc xếp hàng chụp ảnh thẻ kéo dài tới tận ngã tư Ngô Gia Tự - Hùng Vương. Bây giờ, những ai cần ảnh chân dung nghệ thuật đẹp hoặc cần ảnh thẻ chất lượng để in ra thì vẫn tìm đến tiệm, chứ ảnh đời thường có thể chụp và lưu lại bằng điện thoại thì họ không cần đến mình nữa”, ông Tấn nhớ lại.

Thời vàng son đó là thời điểm thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước. Khi công nghệ phát triển, các thiết bị, phần mềm ngành ảnh ngày một đa dạng, nhiều tiệm ảnh xưa vì không “chạy đua” nổi mà nghỉ nghề hoặc đầu tư chuyển đổi theo hướng hiện đại hơn. Tiệm Phụng Ký, với tiếng vang một thời vẫn lặng lẽ ở đó. Ông Tấn nói, ngày xưa đi khắp thành phố cũng cả trăm tiệm ảnh, giờ con số đó vơi đi rất nhiều, chỉ vì các tiệm khó cập nhật kịp tốc độ của công nghệ. Đơn cử như chuyện chụp ảnh chân dung, người thợ dùng máy ảnh film thời bấy giờ phải rành rẽ rất nhiều kỹ thuật chụp, người được coi là lành nghề, nắm vững kỹ năng cơ bản cũng phải mất đến 5-6 năm.

“Ngày nay chụp một bức ảnh trên máy kỹ thuật số thì chỉ mất vài bước để đưa ảnh vào máy tính, điện thoại để xem, chỉnh sửa và gửi cho khách bằng phần mềm hỗ trợ. Đơn cử xóa mụn, xóa sẹo hay chỉnh màu ảnh đều có thể xử lý hoàn toàn bằng máy móc, chứ ngày trước phải làm thủ công bằng cách dùng chì đen chấm vào tấm film âm bản. Một kỹ năng khác là tô màu ảnh cũng đòi hỏi tô sau cho thực, cho đẹp. Rồi in, tráng film sao cho ra bức ảnh hoàn thiện…”, ông Tấn kể. Vì nhiều vất vả, số người theo nghề ở Đà Nẵng cũng ít dần. Ngay ở tiệm Phụng Ký bây giờ, nhân sự cũng chỉ là người trong gia đình vì “thuê thợ ngoài thì không đủ việc cho họ làm”.

Biết tới tiệm ảnh Phụng Ký từ năm 1986 sau khi từ miền Bắc vào Đà Nẵng, gia đình anh Hồ Dũng (quận Cẩm Lệ) trở thành khách hàng thân thuộc mấy chục năm nay. Rất nhiều bức ảnh của gia đình anh đã ra đời từ căn nhà số 79 Hùng Vương này. Anh nói, dù các tiệm ảnh công nghệ mới mọc lên ngày một nhiều, anh vẫn chọn chụp ở Phụng Ký vì sự uy tín và chỉn chu. Những bức chân dung ở tiệm, bằng cách nào đó luôn có nét hoài cổ đặc biệt và toát lên được thần thái của người được chụp.

Trong hồi ức ông Tấn, tiệm Phụng Ký ngày xưa đón nhiều vị khách đặc biệt. Ông từng chụp ảnh cho bác Năm Công (nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công) và nhiều lãnh đạo cơ quan nhà nước, quân đội… Có người vài tháng lại đến chụp một lần. Với các thế hệ ở tiệm, nghề ảnh được họ duy trì đến hôm nay không đơn thuần là sinh kế mà còn là kỷ niệm, là di sản quý giá của gia đình.

Những tấm bảng hiệu xưa

Một chiếc thùng được chế tạo bằng tôn gò, bên trong là những lon sơn dầu đủ màu, bộ cọ, giấy decan, thước, kéo, dao rọc giấy, băng keo và nhiều món đồ khác. Đó là đồ nghề làm thợ vẽ quảng cáo của ông Đoàn Xuân An (SN 1958, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ). Hành trang này đã theo ông từ sau ngày đất nước giải phóng, bắt đầu là công việc vẽ khẩu hiệu tuyên truyền, trang trí bảng hiệu ở bộ phận thông tin văn hóa phường An Khê (quận Thanh Khê). Sau đó là một hành trình sinh kế kéo dài tới tận hôm nay.

Trong ký ức người thợ vẽ quảng cáo, công việc tương đối phong phú. Đầu tiên là làm bảng hiệu và hộp đèn. Thời kỳ giai đoạn thập niên 80 đến những năm 2000, thịnh hành nhất là bảng hiệu được đóng bằng tôn trên khung sắt hoặc gỗ. Sau khi xử lý, làm sạch bề mặt tôn, người thợ sẽ sơn lót một lớp mỏng, dùng phấn hoặc chì phác thảo thô phần bố cục, hình ảnh, nét chữ, rồi bắt đầu trình bày bằng sơn dầu. Với một số khách hàng khác chọn làm hộp đèn với chất liệu mica, người thợ cũng có thể vẽ chữ bằng sơn hoặc cắt dán decan.

Tương tự là bảng khẩu hiệu, nội quy, thông tin tuyên truyền ở các cơ quan, đơn vị. Với loại này, tay nghề người thợ vẽ được đánh giá cao khi phải viết trực tiếp từng con chữ lên bảng thay vì phác thảo trước. Lúc này, cổ tay phải dẻo, phải khéo, hệt như viết thư pháp để tạo nên những dòng chữ nét thanh, nét đậm rõ và đều. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, có thể phải xóa đi để viết lại từ đầu. Trong giới thợ vẽ quảng cáo ở Đà thành dạo ấy cho tới hôm nay, ông An được đồng nghiệp đánh giá thuộc số ít người có thể thuần thục kỹ thuật này.

Qua năm tháng, khi dòng bảng hiệu theo hình thức in ấn, thiết kế mẫu sẵn trên máy tính ra đời, mấy loại bảng hiệu truyền thống mà ông An từng vẽ ngày xưa dần đi vào quá khứ. Khách hàng của ông bây giờ hầu hết là các đơn vị vận tải có nhu cầu vẽ bảng số xe, dán nhãn decan, in logo và thông số xe… Những lọ sơn dầu ít có dịp được dùng hơn, nhưng vẫn ở đó, như một chỉ dấu của thời gian. Ở tuổi 70, ông gần như là người thợ vẽ quảng cáo thủ công hiếm hoi còn chịu khó mưu sinh với nghề.

Những người như ông Tấn, ông Việt, ông An vẫn lặng lẽ giữa phố thị Đà thành. Cũng như bao nghề khác như: dán áo mưa, kéo lưới rùng, mài dao kéo, may giày… Chúng tôi gọi đó là những nghề muôn năm cũ, tất cả vẫn còn đó trong đôi bàn tay, trí óc và hồi ức những người thợ lành nghề.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.
  • Dịch vụ In logo dán theo yêu cầu