Nghề xưa giữa phố

Thương hoài tiếng rao

.

Phố vào hè, dường như cái nắng gắt càng thêm rát bỏng, hầm hực hơn, nhưng tiếng rao từ đôi quang gánh của người mẹ, người chị bán các món ăn từ trái cây, bánh, xu xoa, đậu hủ… vẫn nhẹ nhàng lướt ngang dòng người đi đường. Chắc có lẽ, họ bỏ lại sự hối hả, lo toan phía sau để vỗ về  tâm hồn cho những ai muốn quay về tuổi thơ với thức quà dung dị mà ngon lành. 

 Gánh xu xoa gần 30 năm của cô Nguyễn Thị Nhân, in dấu tuổi thơ của nhiều thế hệ trưởng thành Ảnh: H.T.V
Gánh xu xoa gần 30 năm của cô Nguyễn Thị Nhân, in dấu tuổi thơ của nhiều thế hệ trưởng thành. Ảnh: H.T.V

Nhịp sống phát triển, những tòa nhà cao tầng dần mọc lên, đời sống người dân càng nâng cao nhưng những gánh hàng rong với chiếc đòn gánh cong cong, giọng rao như hát đã in dấu tuổi thơ biết bao thế hệ trưởng thành, trong đó có tôi. Nếu thiếu gánh hàng rong, tiếng rao phố xá như thiếu đi chút bình dị, thân quen, gần gũi…

1. Mặc tiếng còi xe, dòng người đông đúc qua lại, cô Nguyễn Thị Nhân (55 tuổi, quận Thanh Khê) vẫn liến thoắng đôi tay vừa bán cho khách vừa chỉnh sửa gánh xu xoa tại góc đường Tản Đà (cạnh bờ hồ đường Hàm Nghi). Tôi lân la hỏi thăm, cô kể, tính đến nay, cô và gánh xoa xoa dọc ngang khắp các con đường trong thành phố gần 30 năm. Nhờ gánh xoa xoa, cô phụ chồng nuôi hai con ăn học, đứa lớn đã có công việc ổn định, đứa nhỏ học lớp 10.

Tôi quan sát, gánh xoa xoa của cô chia làm hai gánh nhỏ có đầy đủ các loại thạch từ thạch trắng (rong đông xu xoa), thạch đen (sương sáo), thạch lá sương sâm kèm nước cốt dừa, nước đường gừng, đậu xanh và hạt lựu. Cô nói rằng, tất cả các loại thạch và đồ ăn kèm đều do chính tay cô làm. Cô bán xu xoa vào mùa hè, mùa đông cô sẽ bán các loại chè nóng. Hàng gánh của cô chưa ngày nào không hết hàng. Chị Lê Thị Nhung, khách hàng mua xu xoa hơn 10 năm vui vẻ cho biết, mỗi ngày, chị đều đặn đến mua từ 2-4 ly. Đơn giản là xu xoa của chị Nhân làm sạch sẽ và ngon nên gia đình rất thích ăn. Với chị, đôi khi món ăn cũng nhắc nhớ những kỷ niệm, về những tháng ngày đổi thay đã qua.

“Nhà tôi ở đường Phan Thanh. Tôi bán xu xoa từ những năm 2000. Hồi trước, còn khỏe, tôi gánh và rao quanh các cung đường từ quận Thanh Khê đến Hải Châu. Sau này, sức khỏe có phần chậm hơn nên tôi chọn ngồi cạnh bờ hồ để bán, may mắn, vẫn có lượng khách quen từ ngày xưa tìm đến mua. Mỗi ngày, trừ tiền vốn thì tôi cũng lãi được vài trăm nghìn, số tiền đó đủ trang trải cuộc sống qua ngày và nuôi con”, cô Nhân tự tin nói, xu xoa của cô có bí quyết riêng nên thơm ngon, đậm đà. Tôi gọi một ly dùng thử và đúng như lời cô nói. Vị nhạt của rong đông, dai giòn của sương sáo và mềm mịn của thạch sương sâm hòa quyện cùng nước cốt dừa béo ngậy, nước đường ngọt thanh và thạch đậu xanh đậm đặc khiến tôi tan chảy nơi đầu lưỡi và tưới mát cái nóng những ngày hè oi ả.

2. Ngồi nhâm nhi ly xu xoa của cô Nhân, lòng tôi lại da diết nhớ về quãng tuổi thơ cùng tiếng rao gánh đậu hủ ngày nào. Cứ mỗi xế chiều những ngày nghỉ hè, hai chị em tôi cùng ngồi đợi gánh đậu hủ của bà Lê đi ngang qua, người bán đậu hủ trong khu dân cư nơi tôi sinh sống từ năm 2002. Ngày nào cũng vậy, hai chị em tôi háo hức đến nỗi, ăn cơm trưa xong là không tài nào ngủ được bởi cứ sợ ngủ quên.

Bà Lê có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng gánh đậu hủ rất gọn gàng, đi nhanh và rao giọng vang to. Nhìn bên ngoài gánh đậu hủ bà Lê nhỏ gọn nhưng rất nặng bởi tôi nhận ra mỗi ngày trôi qua chiếc đòn gánh của bà thêm quằn như sắp gãy. Một gánh là một chum sành lớn, bên trong có đậu hủ, bên ngoài chum được bọc kỹ bằng nhiều lớp ni-lông và bao phủ nhiều lớp tre dày để giữ nóng cho đậu hủ. Gánh còn lại hộp gỗ đứng chia làm 3 ngăn, ngăn trên cùng đựng chén, muỗng, ngăn giữa đựng nước đường gừng và dưới cùng là nơi bà đựng những vật dụng đi kèm như chiếc muỗng dẹt múc đậu hủ, khăn lau, chiếc ghế nhỏ…

Để có chén đậu hủ thành phẩm đòi hỏi người nấu phải thuần thục. Bởi nấu đậu hủ là cả một nghệ thuật, không hề dễ. Có lần bà kể, nấu đậu hủ mấy chục năm nhưng đôi lúc do canh lửa không đều, đậu hủ hư là phải nghỉ bán, lấy tiền nhà đắp tiền vốn. Thời đó, đám con trẻ trong xóm ăn chén đậu hủ của bà là như được xoa dịu cái nũng nịu, nghịch dại tuổi mới lớn. Giờ đây, bà Lê đã lớn tuổi và không còn bán nhưng tôi vẫn nhớ hoài chén đậu hủ thơm ngọt. Dường như càng trưởng thành, ký ức ấy càng in đậm dẫu tôi vẫn tất bật lo nghĩ dòng đời mưu sinh. Tôi ngẫm nghĩ, nếu được sống trong khoảnh khắc đó một lần nữa chắc hạnh phúc biết bao. Với tôi, trong cuộc sống này có vô số thứ hấp dẫn hơn cả vật chất đời thường, trong đó, có tiếng rao tuổi thơ của những ngày tháng yên bình chưa vội lo nghĩ.

3. Từ gánh đậu hủ của bà Lê, tôi nhận ra rằng, món ăn dung dị này chúng ta thường bắt gặp từ những đôi gánh trong các thôn, xóm mà các hàng quán chưa thể đưa vào bán như món ăn chính. Với tôi, riêng đậu hủ chỉ cần thưởng thức nơi góc đường cùng chiếc ghế nhỏ là quá đủ về thị giác lẫn vị giác. Bởi nó không đơn thuần là món ăn dân dã mà là món ăn chất chứa kỷ niệm đẹp, ngọt ngào của một thời nghèo khó, như món quà đất trời ban tặng cho bao thế hệ trưởng thành.

Theo sự phát triển đổi thay của xã hội, không chỉ riêng gánh xu xoa, đậu hủ mà còn rất nhiều món ăn khác được người mẹ, người chị rao bán trên đôi gánh như các loại bánh bò, bánh tiêu, bánh mì hay trái cây… Thậm chí, được biến tấu từ đôi gánh sang chiếc xe đạp hay xe đẩy để dễ dàng hơn trong việc di chuyển. Dù ở trạng thái nào, mặc nhịp sống đổi thay ra sao thì những gánh hàng rong với tiếng rao đi vào lòng người vẫn lặng lẽ trầm mình trên phố bất kể nắng mưa, trở thành sự tiếp nối văn hóa giữa quá khứ và hiện tại, nối dài nhiều thân phận, cuộc đời với ước mơ cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn...

Dù ở trạng thái nào, mặc nhịp sống đổi thay ra sao thì những gánh hàng rong với tiếng rao đi vào lòng người vẫn lặng lẽ trầm mình trên phố bất kể nắng mưa, trở thành sự tiếp nối văn hóa giữa quá khứ và hiện tại, nối dài nhiều thân phận, cuộc đời với ước mơ cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn...

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.