Ngôi chùa Sư Nữ trên đất Châu Phong

.

Châu Phong Ni Tự hay chùa Sư Nữ Châu Phong tọa lạc tại xứ đồng Thượng Thổ, xã Châu Phong, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay là khối phố Phong Ngũ, phường Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Ông Hà Riều, một phật tử năm nay 93 tuổi, kể rằng: Ngày xưa bên bến đò làng, nơi bà con đi đò qua chợ Vải bên kia sông Thanh Quýt, có một thảo am do một ni cô dựng để tu hành và độ nhật bằng nghề dệt vải. Tên tuổi, pháp hiệu và quê quán của ni cô không còn lưu lại, chỉ biết khi ni cô qua đời thì cái thảo am trở thành hoang phế. Năm đó thảo am bị lụt cuốn trôi rồi tấp vào một khu vườn thuộc xứ đất Thượng Thổ bây giờ.

Chùa Sư Nữ Châu Phong (ảnh trái) và Sư bà Thích Nữ Từ Hạnh - người trụ trì và sáng lập chùa. Ảnh: H.S
Chùa Sư Nữ Châu Phong (ảnh trái) và Sư bà Thích Nữ Từ Hạnh - người trụ trì và sáng lập chùa. Ảnh: H.S

Chứng kiến sự kỳ lạ đó, các vị chức sắc trong làng cho rằng đây là do ý Trời, Phật khiến xui chỉ dạy làng Phong Ngũ phải xây dựng nơi đây một ngôi chùa để thờ Tam bảo và chư vị thánh hiền bảo hộ phò trì dân chúng được bình an. Nhờ sự đồng tâm, nhất trí của toàn thể dân làng và sự giúp đỡ của bá tánh mà ngôi chùa Châu Phong Cổ Tự được hình thành tại đây vào thời vua Gia Long (1802-1820) không rõ năm nào.

Chùa được xây dựng bằng vật liệu kiên cố, tường gạch xây vôi, mái lợp ngói âm dương theo lối kiến trúc cổ, mặt quay về hướng Tây có ba gian: gian giữa thờ Phật Thích Ca, gian phía Bắc thờ Bồ tát Quan Thế Âm, gian phía Nam thờ Quan Thánh Đế Quân. Mái hiên vòm có ba gian thờ ông Thiện và ông Ác. Hằng năm dân làng cúng kiếng vào những ngày Sóc, ngày Vọng và các dịp lễ lớn, phẩm vật có cỗ chay, cỗ mặn. Qua các thời kỳ chùa chưa có vị trụ trì, làng cử một người làm từ để lo việc hương khói thường xuyên. Hiện nay không ai còn biết rõ các ông từ thuở trước, chỉ biết ông thầy Nguyễn Ngưỡng làm từ và sau cùng là ông Nguyễn Yên được làng cấp đất làm nhà sát vườn chùa.

Sau năm 1945 giặc Pháp phá hoại chùa Châu Phong rồi đem sườn gỗ xuống quốc lộ 1 làm cầu cống, từ đó ngôi Châu Phong Cổ Tự chỉ còn đống gạch ngói vụn vỡ, cỏ cây um tùm, mưa nắng thời gian rêu phong trở thành phế tích.

Năm Canh Tý (1960) cơ duyên đã đến với Phật giáo làng Phong Ngũ. Ni sư Thích Nữ Từ Hạnh xuất gia tu học lúc 14 tuổi, thọ giáo với nhiều danh sư là cao tăng, cao ni ở khắp nơi tại Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, sau nhiều năm tu dưỡng đạo hạnh tinh tiến, ni sư rời chùa Diệu Đức (Huế) trở về làng hiếu dưỡng phụ thân bị bệnh nặng tại nhà người thân là ông Hà Lan.

Nhân dân quanh vùng mến mộ ni sư nên đến xin theo tu học rất đông. Gia đình ông Hà Lan phát tâm cho mượn ngôi nhà riêng làm nơi sinh hoạt Phật sự dưới sự chỉ dạy của ni sư, sau đó thành lập khuôn hội Phật giáo Phong Ngũ thuộc Giáo hội Phật giáo Quảng Nam. Uy tín mỗi ngày thêm lan rộng, số tín đồ ngày càng tăng nhanh; để tiện việc đi lại sinh hoạt của đạo hữu hai xóm trên, dưới, ông Hà Khoan (tức ông Cửu Nhu) phát tâm cho mượn ngôi nhà thờ để làm Niệm Phật Đường; từ đó có thêm một điểm sinh hoạt cho tín đồ tại xóm dưới.

Thể theo nguyện vọng của toàn thể tín đồ Phật giáo trong làng là phục dựng lại ngôi chùa Châu Phong trên nền móng cũ, ni sư tổ chức cuộc họp toàn thể đạo hữu cử ra Ban khuôn hội và Gia đình Phật tử gồm các vị nhiệt tâm, nhiệt tình phụng sự đạo pháp.

Sau đó chính quyền tổ chức cuộc họp toàn dân để lấy ý kiến về việc hiến đất làm chùa, hầu hết bà con và các vị chức sắc đều đồng ý cúng khu vườn chùa cũ có diện tích 6 sào đất để xây dựng ngôi chùa. Ni sư Từ Hạnh vận động tổ chức thi công dưới sự giúp đỡ của giáo hội và bà con phật tử, chùa được xây dựng lợp ngói như một ngôi nhà cấp 4, khang trang bề thế giữa cánh đồng yên tĩnh.

Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa Châu Phong từng là nơi chở che, nương tựa của bao người. Nhiều phật tử của chùa đã tham gia kháng chiến, có người đã anh dũng hy sinh trở thành liệt sĩ.

Sau cuộc tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân (1968), các tiểu đoàn Rồng Xanh lính Đại Hàn (Nam Triều Tiên) tổ chức cuộc hành quân quy mô vào các xã của quận Điện Bàn. Một toán lên cây gia dù Phong Nhị Điện An, giết hai 74 người dân vô tội gây ra vụ thảm sát tàn khốc dã man. Một toán khác hành quân hướng Phong Ngũ - Phong Lục, vào chùa Châu Phong thấy có nhiều người dân tạm trú, có cả thanh niên, phật tử… Trước thái độ hung hăng của lính Đại Hàn, sư bà bình tĩnh và bản lĩnh đối thoại bằng Hán tự được viết nhanh trên giấy như một cuộc bút chiến gay cấn để bảo tồn tính mạng của hàng trăm người dân. Lính Đại Hàn đã được sư bà thuyết phục, cảm hóa bằng ngòi bút tài hoa và tấm lòng nhân ái, chúng không những không sát hại mà còn vào lễ đường bái Phật.

Sau ngày quê hương giải phóng tín đồ phật tử vẫn duy trì sinh hoạt tu tập, tuy nhiên do thời gian nên ngôi chùa đã xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm Giáp Tuất (1994) được sự tài trợ của chư tôn đức và sự phát tâm phụng cúng của phật tử gần xa nên ni trưởng trụ trì đã tiến hành việc trùng tu tôn tạo chùa. Hoàn tất phần chánh điện, đường vào chùa được bê-tông hóa, đồng thời xây dựng giảng đường rộng rãi để phật tử có nơi tu tập thính pháp. Năm Đinh Hợi (2007) xây dựng cổng tam quan tráng lệ khang trang. Năm Kỷ Sửu (2009) hoàn thành tượng đài Phật Di Lặc và hồ sen càng tăng thêm vẻ mỹ quan và sự tôn nghiêm thanh tịnh của ngôi danh tự.

Xuyên suốt cuộc đời gần một thế kỷ với tám mươi năm tu học, đạo hạnh của ni trưởng Thích Nữ Từ Hạnh là tấm gương ngời sáng đối với Phật giáo đồ gần xa trong cả nước và nhân dân trong khu vực. Do tuổi cao sức yếu sư bà đã viên tịch vào ngày mồng 3 tháng 10 năm Quý Tỵ (2013), để lại cho đạo hữu niềm ngưỡng vọng và thương tiếc khôn nguôi. Châu Phong Ni Tự chính là dấu ấn mà sư bà để lại, ngoài bề dày lịch sử và đạo pháp chính thống, còn là một quần thể di tích có giá trị về lịch sử - văn hóa cần được tôn tạo và bảo tồn.

HÀ SÁU

;
;
.
.
.
.
.