Ngôi làng không đổi tên sau gần 4 thế kỷ

.

Nằm trên một cồn đất giữa dòng sông Bàn Thạch có một ngôi làng từ khi các vị tiền nhân đến khẩn hoang, khai phá, lập nên địa hiệu từ khoảng thế kỷ XVII đến nay vẫn không bị chia tách, sáp nhập hay thay đổi tên gọi. Đó là làng Đoan Trai.

Đình Đoan Trai được phục dựng trên nền móng ngôi đình cũ (ảnh trái) và gian thờ chính trong đình. Ảnh: A.T
Đình Đoan Trai được phục dựng trên nền móng ngôi đình cũ (ảnh trái) và gian thờ chính trong đình. Ảnh: A.T

Theo sách Làng xã xưa trên địa bàn thành phố Tam Kỳ (Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thông thành phố Tam Kỳ, NXB Hội Nhà văn, 2021), làng Đoan Trai được hình thành muộn hơn so với các làng khác trên địa bàn thành phố Tam Kỳ như: Bàn Thạch, Phương Hòa, Mỹ Thạch… Trước khi hình thành làng, khu vực làng Đoan Trai là một cồn đất nổi ở giữa dòng sông Bàn Thạch và bao bọc bởi các nhánh sông cho đến khi đoạn sông ở đầu làng bị lấp. Mặc dù được bao bọc bởi sông nước, nhưng khác với các làng xã có vị trí tương tự, người dân của làng lại chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp chứ không phải bằng nghề khai thác thủy sản trên sông. Chính vì vậy, nét văn hóa của làng vẫn là một làng nông nghiệp.

Cư dân Đoan Trai có nguồn gốc tổ tiên từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, theo tiếng gọi Nam tiến, đã tiến hành những cuộc di dân từ phương Bắc vào phương Nam để khai phá vùng đất mới và định cư lâu dài. Những lớp cư dân người Việt đầu tiên bắt đầu đến định cư tại đây từ khoảng thế kỷ XVII. Điều này phù hợp với các mốc thời gian của các tộc Trần, Huỳnh - hai tộc họ lớn ở làng Đoan Trai.

Tại nhà thờ tộc Trần làng Đoan Trai hiện vẫn giữ tấm biển của triều Nguyễn phong tặng ông Trần Phước Vân của tộc vào năm Minh Mạng thứ 4 (năm 1823); tấm biển đề chữ “Thọ Dân” (biểu dương người sống thọ). Ông Vân là cháu nội của ông Trần Phước Đảo - người được dân làng Đoan Trai tôn kính và xem như vị tiền hiền có công khai phá vùng đất Đoan Trai. Thời điểm được phong tặng, ông Vân đã 100 tuổi nên có thể suy ra, thời điểm ông Trần Phước Đảo đến khai phá, lập làng Đoan Trai có thể từ khoảng thế kỷ XVII. Về tên gọi của làng, theo tác giả Võ Văn Hòe trong cuốn Địa danh Quảng Nam xưa & nay (Trang 313, Quyển 2) thì Đoan là ngay thẳng, Trai là tâm trí chuyên chú vào. Tên làng Đoan Trai mang hàm ý chú tâm vào những điều ngay thẳng…

Hiện nay, địa danh Đoan Trai vẫn được sử dụng làm tên gọi của một trong bảy khối phố thuộc phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ, và Đoan Trai cũng là con đường dẫn vào khối phố Đoan Trai.

Để ghi nhớ công đức của những người khai hoang lập làng, vào khoảng những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XIX, nhân dân trong làng đã xây dựng một ngôi đình ngay trung tâm của làng, tọa lạc trên một gò đất cao ráo. Theo lời kể của các vị cao niên trong làng, thuở ban đầu đình làng Đoan Trai có kiến trúc rất quy cũ, với cổng ngõ, tường rào bao quanh; có miếu thờ Thành Hoàng làng; có nhà trù; khu sân rộng để tổ chức các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng; có hàng trâm cổ thụ ở hai bên. Trước khi đi vào đình phải qua cổng tam quan rất uy nghi, được xây bằng đá ong với vữa vôi mật đường kết dính, 4 mái của cổng lợp ngói âm dương. Bên trong cổng có tấm bình phong trang trí bằng kỹ thuật đắp nổi gắn bằng các mảnh sành sứ thể hiện hình ảnh tứ linh. Đặc biệt dưới cây đòn đông hạ có ghi “Hoàng triều Minh Mạng, Thập ngũ niên tứ nguyệt cát nhật kiến tạo” cho biết đình làng được xây dựng vào ngày tốt tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834).

Theo các vị cao niên trong làng thì trong những năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” của chính quyền cách mạng, nhân dân làng Đoan Trai đã thống nhất tháo dỡ đình làng, không để quân địch lấy đây làm nơi đóng quân, trú ngụ. Sau ngày thống nhất đất nước, nhân dân Đoan Trai đã dựng trên nền đình làng cũ một nhà thờ với quy mô nhỏ để làm nơi hương khói, tưởng nhớ các bậc tiền nhân. Một phần diện tích sân đình được địa phương sử dựng để xây dựng phòng học, phục vụ việc học hành của con em trong làng…

Đến năm 2019, với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, sự chung tay góp công góp của của cộng đồng cư dân Đoan Trai, đình Đoan Trai được xây dựng lại trên nền móng của đình làng xưa, vẫn theo kiến trúc truyền thống đình làng của người Việt ở Quảng Nam với kiến trúc theo chữ Đinh, gồm ba gian, hai chái với sáu hàng cột dọc và năm hàng cột ngang. Mái đình lợp ngói âm dương, với những hàng cột lớn; cột kèo chạm khắc hình đầu long, hoa văn rất công phu, tinh xảo. Chính điện thờ Thành hoàng làng cùng bài vị hai tiền hiền tộc Trần và tộc Huỳnh; bên tả và hữu thờ các vị Thủy tổ của các tộc Nguyễn, Lê…

Trải qua thời gian gần 200 năm, đình làng Đoan Trai đã lưu giữ những dấu ấn giá trị về văn hóa, lịch sử quá trình mở cõi của các bậc tiền nhân và là nơi góp phần cố kết cộng đồng làng xã của cư dân làng Đoan Trai từ xưa đến nay. Chính vì thế, ngôi đình đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 24-11-2023.

Trải qua bao thế hệ, đình Đoan Trai đã trở thành nơi sinh hoạt tâm linh của bà con nhân dân trong làng/ khối phố Đoan Trai. Hằng năm, người dân thường tổ chức lễ giỗ tiền hiền và các hoạt động chung của cộng đồng để ôn lại truyền thống của cha ông xưa và giáo dục con cháu đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Để ghi nhớ công đức của các bậc tiền nhân nên cứ theo lệ của ông bà xưa để lại, vào ngày 16 tháng 6 Âm lịch hằng năm, tất cả con cháu của các chư phái tộc và cộng đồng cư dân của làng, dù ở địa phương hay đang làm ăn xa đều quy tụ về đây trong những ngày Lễ Kỳ yên - cũng là ngày hội của làng. Con cháu cùng nhau tụ họp về đình thành tâm thắp nén hương thơm để cầu Quốc thái dân an và tưởng niệm, tri ân các vị tiền hiền, hậu hiền và các bậc tiền bối có công với làng, với nước, các anh hùng liệt sĩ và đồng bào đã hy sinh trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc.

AN TRƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.