Người Ve với nghề đan lát

.

Là tộc người thiểu số định cư khá lâu đời trên dãy Trường Sơn, đồng bào Ve ở huyện Nam Giang (Quảng Nam) đã tạo cho mình những nét văn hóa riêng biệt, độc đáo, trong đó có những sản phẩm đan lát thủ công truyền thống đặc sắc, tinh tế và bền chắc, được chế tác từ tre, nứa, mây tại địa vực sinh sống.

Ông Hiên Dung xem đan lát như nghề mưu sinh của mình (ảnh trái). Khi rảnh việc, ông lại truyền nghề đan lát cho đứa con trai. Ảnh: N.V.S
Ông Hiên Dung xem đan lát như nghề mưu sinh của mình. Ảnh: N.V.S

Theo nhà nghiên cứu Bùi Xuân trong cuốn “Người Ve ở Quảng Nam” (NXB Đà Nẵng, 2018), người Ve cư trú tập trung ở hai xã Đắc Pring và Đắc Pre của huyện Giằng (Quảng Nam - Đà Nẵng) - một trong những vùng địa hình hiểm trở của Nam Trường Sơn, sinh sống bằng nghề chính là trồng trọt trên rẫy. Ngày xưa, khi cuộc sống của bà con đồng bào Ve nơi đây còn phụ thuộc vào núi rừng thiên nhiên, đàn ông không chỉ rất giỏi săn bắt thú rừng mà còn biết đan lát bằng mây tre - một nghề gắn liền với việc làm nương, rẫy. Người Ve đan lát quanh năm, bởi nghề này tạo ra các nông cụ để sản xuất. Đàn ông Ve không biết đan lát khó lấy vợ.

Tác giả Phạm Quang Hoan trong cuốn “Tìm hiểu người Ve ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam” (Ban Dân tộc Quảng Nam, 2005) cho biết thêm rằng, đan lát là một trong những nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời của người Ve, do đàn ông Ve đảm nhận. Ngày trước, bất cứ một nam thanh niên Ve nào đến tuổi trưởng thành đều được ông hoặc cha truyền dạy cách đan các vật dụng sinh hoạt dùng trong gia đình với kỹ thuật từ đơn giản cho đến phức tạp. Điều quan trọng nữa là họ đã gửi gắm tình yêu, niềm đam mê với nghề vào từng nan tre, sợi mây...

Những vị cao niên dân tộc Ve ở hai xã Đắc Pre và Đắc Pring (huyện Nam Giang) kể lại rằng, xưa, đàn ông Ve phải vào rừng sâu chọn những cây tre có từ 3 năm tuổi trở lên và tránh chặt vào mùa thu, mùa xuân bởi vì lúc này cây cối đang lên chồi non, thân yếu, nhiều nước nên dễ bị sâu mọt. Tre già được đem ngâm nước một thời gian cho săn chắc, ngừa mối mọt, sau đó vớt lên, sấy khô rồi đem chế tác đan lát. Mỗi chuyến đi như vậy mất vài ngày, có khi hằng tuần liền. Tìm chọn những cây tre, lồ ô thẳng, không bị sâu mọt, kiến đục lỗ. Các nguyên liệu từ rừng mang về còn tươi, đều được người Ve chặt thành từng đoạn, ngâm dưới nước suối cả tháng, sau đó đem phơi nắng cho thật khô để bảo đảm không bị co rút. Riêng từng đoạn dài của cây mây, được đem chẻ tư để dọc trên gác bếp cho săn chắc, khi cần mới lấy xuống, cắt ngắn theo từng kích thước cần thiết, đem nhúng nước.

Theo kinh nghiệm ông Hiên Dung (67 tuổi), dân tộc Ve ở thôn 49b, xã Đắc Pring, muốn có sản phẩm bền và chắc, thì công đoạn vót, chẻ nan cũng mang yếu tố quyết định. Chẻ nan mỏng hay dày là tùy thuộc vào sản phẩm sẽ được đan. Chẻ nan xong thì phải chuốt sao cho nan có độ mềm, nhẵn và đều, để khi đan các nan khít vào nhau và không tạo ra kẽ hở. Tùy từng loại gùi, người đan có cách thể hiện tình cảm riêng, đậm dấu ấn văn hóa trong đời sống sinh hoạt, sản xuất vào trong từng sản phẩm.

Ông Hiên Dung xem đan lát như nghề mưu sinh của mình (ảnh trái). Khi rảnh việc, ông lại truyền nghề đan lát cho đứa con trai. Ảnh: N.V.S
Khi rảnh việc, ông lại truyền nghề đan lát cho đứa con trai. Ảnh: N.V.S

Nét đẹp của truyền thống văn hóa này luôn được đồng bào dân tộc Ve nơi đây gìn giữ, để bản sắc văn hóa của dân tộc mình không bị mai một cùng với thời gian. Sử dụng những kỹ thuật đan lát truyền thống với cách đan theo kiểu cài lóng mốt, lóng đôi, lóng ba hoặc cài nan hình lục giác… kết hợp lối kết nan, quấn nan rất phức tạp, tinh vi đầy sức sáng tạo, người Ve đã tạo ra được rất nhiều loại sản phẩm như: nia sẩy lúa (ka rang), giỏ đựng lúa để tỉa (toong leng), giỏ dùng suốt lúa (noon leng). Gùi đan bằng sợi mây rất đẹp. Gùi lúa (boong), gùi củi (zôông), gùi măng (roong). Kỹ thuật kết hợp lối kết nan, quấn nan tạo cho gùi có dây quàng qua trán và ách tỳ vào gáy người đeo theo thời gian đã ngả sang màu cánh gián.

Còn với chiếc gùi của đàn ông Ve, từ khi dùng đến hư thì ít nhất 25 đến 30 năm. Đây là loại gùi được đan rất công phu và mất nhiều thời gian, gùi có 3 phần chính, hai ngăn nhỏ ở thân gùi. Thân gùi được đan bằng mây, chung quanh thân có 4 thanh gỗ nhỏ áp vào thành từ đáy trở lên miệng và đáy gùi tương đối bằng nhau giúp cho gùi được cứng cáp, không bị lệch khi mang nặng. Dây mang gùi được đan bằng mây song được vót mỏng để đan thì dây mới bền và chắc hơn.

Gùi đàn ông dân tộc Ve có thể được coi là một trong những kiệt tác của nghệ thuật đan lát sử dụng chất liệu cật tre và mây thể hiện sự phối kết hợp khá mềm mại, tinh xảo nhưng công phu. Đây là loại gùi dùng cho đàn ông Ve để mang các vật dụng nhỏ như cơm, gạo, dao, rựa, thuốc hút, thuốc chữa bệnh, dụng cụ lấy lửa... để đi rừng, lên rẫy hay đi về các làng khác thăm sui gia, họ hàng vào dịp lễ hội.

Theo dòng chảy của cuộc sống hiện đại, ngày nay nghề đan lát truyền thống của người Ve huyện vùng cao Nam Giang (Quảng Nam) chỉ tập trung ở người lớn tuổi, như ông Hiên Dung ở xã Đắc Pring nói trên. Vì thế, các sản phẩm đan lát từ mây tre của người Ve chỉ còn tồn tại ở quy mô một số hộ gia đình. Nhưng nhìn chung, khi đến thăm các thôn/làng Ve khách vẫn bắt gặp hình ảnh những người thợ già cần mẫn ngồi đan lát. Như mạch nước ngầm, nghề đan lát truyền thống như một dòng chảy văn hóa vẫn âm thầm hồi sinh trong cộng đồng người Ve huyện vùng cao Nam Giang, cho dù không nhiều nhưng vẫn đủ để lưu giữ hồn cốt nghề truyền thống của dân tộc mình.

NGUYỄN VĂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.