Nhớ một nhà báo… cô độc

.

Qua nhiều năm cầm bút, tôi được quen biết một số đồng nghiệp. Mỗi người đều có sở trường sở đoản riêng, nhưng người nào cũng có những điều đáng học tập. Trong số bạn viết, nhớ mãi một người mà anh em vẫn gọi vui là người làm báo cô độc.

Khoảng thập niên 80-90 của thế kỷ trước, Thành phố Hồ Chí Minh là đất của báo chí (tiếp nối từ Gia Định Báo - tờ báo quốc ngữ đầu tiên). Có những tờ báo mang tên địa phương mình, nhưng được thực hiện ở Sài Gòn. Nghĩa là, tất tần tật các công đoạn… đều diễn ra tại đây. Người trong biên chế tờ báo vẫn ở tại các tỉnh, còn số sống và làm việc ngay tại thành phố rất ít. Nhưng ở Báo Long An cuối tuần, thì chỉ có mỗi… một người.

Một người, nên cần gì ban bệ. Tòa soạn, thì… di động, “mượn tạm” của các tờ báo khác. Đó là các bàn cà phê ở gần các tòa soạn. Nơi ấy, buổi sáng anh đến cà phê và làm việc luôn, trong khi vẫn thong thả nhìn cà phê… rơi rơi từng giọt rơi rơi. Tại đây, anh trao báo biếu, gửi nhuận bút, nhận bài và đặt hàng bài mới.

Thời ấy chưa có email, nên tất cả đều phải viết tay trên giấy. Nhận bài, anh cầm lên, đọc lướt qua. Dùng được, thì anh cho vào cái túi vải mang trên vai. Không sử dụng, anh gửi lại tác giả, để họ kịp gửi báo khác, để kịp tính thời sự. Có lần giao bài báo Tết, biết lượng bài nhiều, bèn nói: "Thong thả đọc nhé". Anh cười khẽ: "Không nên mất công như thế. Mà để, anh còn kịp gửi báo khác nữa chớ". Tôi chưa biết, có ai “duyệt” bài mau lẹ như vậy!

Căn phòng trọ của anh, là tòa soạn. Trên cái bàn gỗ mộc, anh xếp sắp nội dung tin bài, chuyên mục. Và viết lấp luôn những chỗ thiếu bài. Cả dịch bài nữa. Vì báo nào cũng phải có thông tin quốc tế (Thời ấy, phải chờ báo nước ngoài gửi về qua đường máy bay). Rồi cả vẽ maquette nữa. Dù thời gian còn lại rất ít, anh vẫn thu xếp để viết, bởi luôn nhớ rằng, mình là người-cầm-bút... Xong các công đoạn, anh gửi về “nhà”, để in tại Long An, cách Sài Gòn chừng 40km. Hẳn nhiên, còn chừa những trang trống, cho tin-bài địa phương.

Khoảng năm 1991-1992, tờ Long An cuối tuần phát hành khoảng 40.000 bản/kỳ. Thời điểm năm 1988-1989, báo Tuổi Trẻ có “tia-ra” khoảng 50.000 bản/kỳ, cho ba số/tuần.

Nhưng điều khiến bằng hữu nhớ nhất, là cách ứng xử của anh. Đối với những người cộng tác không hưởng lương, thì nói vui, chúng tôi là... thuộc cấp của anh. Nhưng anh hoàn toàn không có vẻ “chủ báo”. Anh luôn “nhường dưới kính trên”. Anh bày tỏ: "Làm việc, là để cho một tương lai tốt đẹp hơn, và không nên hỏi “mai mốt sẽ thế nào”. Mà tự dặn, nên đặt mục tiêu: hãy muốn ngày mai ra sao". Làm báo giỏi, nhưng anh không “giả vờ” khi nói, công lao của người khác là hơn một nửa, còn bản thân thì ít hơn nhiều. Vì thế, nên cần chia sớt những gì bản thân nhận được và cố gắng thực hiện lời dạy: "Điều mà bản thân không muốn thì đừng gây ra cho người khác". Vậy đó, có lẽ không nên “dài lời” về điều mà nghề báo vẫn thường nhắc, cái đức của người làm báo.

***

Cùng với những tiến bộ về phương tiện, kỹ thuật, báo chí có những thay đổi lớn. Anh chuyển sang làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Công nghệ Thông tin eChip, số phát hành cũng rất cao. Lúc báo mạng phát triển mạnh, trên không gian ảo này, anh quan niệm: “Mạng xã hội không phải là chỗ để “vung vít” mọi thứ mà chính là “phép thử” để nhà báo lột tả bản chất của họ. Khi được rơi vào môi trường có vẻ tự do hơn, họ sẽ thể hiện bản chất thật của họ. Không gì che mắt công chúng được".

Đối với việc chuyển đổi số báo chí, anh cho rằng, đây không phải chỉ là việc đưa nó lên Internet, mà là đưa hoạt động của cả tòa soạn vào môi trường số hóa toàn diện; trong đó quan trọng nhất vẫn là mảng nội dung, là làm ra một tờ báo hiệu quả hơn, có sự tương tác với bạn đọc cao hơn. Vấn đề cốt lõi vẫn là bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức của nhà báo chính trực trong trách nhiệm đưa thông tin chính xác, chống lại tin tức giả, thông tin độc hại, truyền tải thông điệp nhân văn đến công chúng đọc với mục đích làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Anh còn là đạo diễn kiêm Giám đốc Công ty Phạm Hồng Phước video phim Việt Nam…

***

Nhiều năm không liên lạc nhưng tôi biết, anh đã trở thành một nhà báo có uy tin, tài năng. Đó là cái “tạng”, cái… “nghiệp” của anh. Nhiều năm không gặp, vẫn nhớ phong thái nhẹ nhàng, dáng người thanh gầy và ánh mắt vui cười phía sau đôi mắt kiếng cận. Anh không có chút nào cái vẻ của một nhà báo. Mà vẻ như một nhà giáo. Như một người lao động bình thường. Anh là nhà báo Phạm Hồng Phước.

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

;
;
.
.
.
.
.