Những chuyện lạ khiến ta ngẫm nghĩ

.

Không ít độc giả đọc sách của Haruki Murakami sẽ nghĩ rằng những gì ông viết ra hẳn có ít nhiều “hư cấu”, vì họ có thể căn cứ vào những sáng tạo khá táo bạo mà ông đã công khai trong tác phẩm. Song Murakami phân trần: “Tôi sẽ không cất công bịa ra những câu chuyện vô nghĩa làm gì.” Giải thích chi cũng bằng thừa, ông chứng minh qua năm tác phẩm gói gọn trong tập truyện “Những chuyện lạ ở Tokyo” (do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn liên kết xuất bản tại Việt Nam, 2024).

Những câu chuyện trong tác phẩm chủ yếu được kể bằng ngôi thứ ba - người kể xuất hiện ở ngay đầu tác phẩm. Truyện lồng trong truyện. Như mọi lần, dưới ngòi bút được đánh giá là bậc thầy, Haruki Murakami khéo léo vừa lồng ghép vừa phá bỏ hàng rào giữa yếu tố hiện thực và hư ảo, giữa thế giới bên này và thế giới bên kia, tiến vào những tầng tối tăm và sâu thẳm của xứ sở tiềm thức, tước từng mảnh linh hồn và cảm xúc ra khỏi cuộc sống thường nhật tầm thường. Ở thế giới có những điểm mù xuất hiện trong khoảnh khắc, số phận bí ẩn của những người mất hút vào những điểm mù ấy được thuật lại qua những câu chuyện. Điều này có lẽ sẽ thử thách trí hiểu của độc giả để cùng lần giữa điểm mù mà tìm ra điểm sáng được cài cắm đâu đó trong những khoảnh khắc hay lát cắt về đời sống, sẽ phơi bày những sự thật sau rốt, những thông điệp đích đến.

Đọc tập sách này, sẽ không ít lần độc giả bắt gặp cảm giác “dejavu” (như đã từng) xâm lấn trong cảm nhận. Đó là những chuyện lạ mà quen. Như từng thất lạc người thân, sinh ly tử biệt, lãng quên họ... Những con người đột nhiên đánh mất điều quý giá, động lực sống ít ỏi, sống mà phải giấu kín một (số) sự thật… rồi họ sa chân vào một góc đô thị - một thế giới tràn đầy sự trùng hợp và bất ngờ. Phải kể thêm, các tác phẩm của Haruki Murakami chủ yếu miêu tả cuộc sống và con người ở đô thị hiện đại.

“Lữ khách tình cờ” đưa độc giả lần theo ánh sáng nhạt mờ trong trái tim người chỉnh đàn cô độc và nhạy cảm nhưng dần bộc lộ những điều từng trải đáng ngẫm. Anh nhắc nhớ về việc cần thiết là biến cảm xúc thành một thứ cụ thể, đó có thể là thước hình ảnh thanh âm lay động tâm thức - như dấu câu chưa được đặt bút. Anh kể đã trải qua quãng đời bị đảo lộn hoàn toàn, bản thân phải cố gắng để không rũ bỏ hay bị quật ngã thì cuộc đời mới nhân nhượng với chính mình. Từng đối mặt với kẻ từng khó với mình, anh chỉ ra từng “thay đổi nhỏ” sẽ giúp người với người thêm hiểu nhau - thì đó cũng là “bước tiến lớn” trong mối quan hệ. Hay nhờ làm lành với chính mình, với ai đó, ta mới có thể sống một cách tự nhiên hơn mỗi ngày.

Haruki Murakami mượn danh thắng “Vịnh Hanalei” họa nên đời sống tâm tư của một người mẹ biết giữ lời khẩn cầu từ một người chớm tuổi già. Tác giả cho rằng, không nên căm hận sự hiện hữu của hòn đảo tươi đẹp thu hút du khách nhưng cũng tàn bạo khiến đứa con trai duy nhất của cô phải bỏ mạng nơi biển cả xa xứ. Có thể tin rằng, sự mất mát thực ra là sự trở về với vòng tuần hoàn tự nhiên - một ý nghĩa khác cho nhẹ lòng. Rồi qua câu chuyện tình cờ mà không khiên cưỡng, Haruki Murakami sắp đặt cơ hội đối thoại giữa người lớn (người mẹ) với (hai) người trẻ với từ ngữ đủ thấm thía mà không giáo điều, về tinh thần sống YOLO (You Only Live Once) - lúc còn vui hãy cứ vui đi, rồi “hóa đơn cuộc đời” sẽ gửi đến mỗi người; về kinh nghiệm sống cần biết “chú tâm vào một việc nào đó”; về việc “phải chấp nhận mọi thứ một cách nguyên vẹn”, dù công bằng hay bất công, dù có tư cách hay không…

Chúng ta thường sống mà không nhận ra rằng, mọi thứ trên đời này đều mang trong mình tâm tư. Ngang qua những đời tư, nhân cách, cảnh huống… trong chuyện, Muraka còn có những nhắn nhủ: Công việc vốn dĩ nên là thứ ta làm xuất phát từ tình yêu, chứ không nên vụ lợi. Hay trên hành trình cuộc đời, ta luôn tự hỏi và đi tìm người thực sự có ý nghĩa, với những tư chất đặc biệt, và điều quan trọng hơn hết là cảm giác sẵn lòng đón nhận một ai đó đến để ở lại hay rời đi - cảm giác ấy phải luôn là đầu tiên và cuối cùng…

Đọc và cảm nhận về các nhân vật trong loạt chuyện của Murakami, đôi lần tôi chợt có hình dung, liên tưởng rằng: hình tượng này sao giống với hiện thân ngoài đời của người này/ kia quá đỗi?

Tập sách này chỉ vỏn vẹn năm câu chuyện, song thật khó lòng để có thể tóm tắt được hết những ý tứ mà Haruki Murakami đã cài cắm, cũng chẳng thể thuật hết tình tiết, diễn tiến… chỉ chực chờ độc giả đón đọc. Một lần đến với văn chương của ông, tôi kỳ vọng nơi mỗi độc giả nên giữ cho mình sự kiên nhẫn mà dõi theo, rồi sẽ đến chừng độ không thể ngừng lại, vì sợ “rút dây động rừng” từng mạch chuyện đang tiến triển, cứ thủ thỉ mà lôi cuốn, những dẫn dụ đầy thú vị, đậm chất riêng của Haruki Murakami.

Song đó là những chuyện rất có thể đã đang và sẽ xảy ra giữa cuộc đời này, có thể mang đến những thay đổi cho cuộc đời này - chúng đều có ý nghĩa riêng, khiến “chúng ta đều ngẫm nghĩ”.

T.D.T
 

;
;
.
.
.
.
.