Sách mới, Sách hay

.

1. Bức tranh toàn cảnh Nam - Bắc những năm đầu thế kỷ XX hiện lên cuốn hút và độc đáo qua bộ sách "Du ký Việt Nam trên Nam Phong tạp chí" (NXB Trẻ, 5-2024) Bộ sách do nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và giới thiệu, có giá trị giáo dục tình yêu lịch sử nước Việt.

Sách mở đầu bằng câu chuyện "Mười ngày ở Huế" của Phạm Quỳnh (đăng số 10, tháng 4-1918), kể chi tiết việc tác giả vào Huế chơi, được diện kiến nhà vua và có mặt trong lễ tế trời đàn Nam Giao. Quá trình tế Nam Giao diễn ra thật hoành tráng. Từ khai tế cho đến khi tế xong, thời gian kéo dài khoảng 2 giờ. Không chỉ miêu tả chi tiết về các lăng điện xứ Huế, từ cách bài trí cho đến những câu chuyện "hậu cung" triều Nguyễn lý thú trong sách, loạt bài du ký "Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh" của Nguyễn Đức Tánh (đăng liên tục 6 kỳ từ tháng 11-1928 - 7-1929) còn tiết lộ các lễ nghi phong tục, những truyện truyền kỳ, nhiều nhân vật có tiếng ở miền An Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh), nửa thuộc Đàng Trong, nửa thuộc Đàng Ngoài, quan hệ mật thiết với lịch sử Đại Việt…

Tồn tại 17 năm, từ năm 1917 đến năm 1934, Nam Phong tạp chí đã thực sự để lại dấu ấn tinh thần trong tâm trí của nhiều độc giả. Những bài du ký trên Nam Phong tạp chí không chỉ có giá trị về mặt văn học mà còn có giá trị trên nhiều phương diện khác như khảo sát địa lý, lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán… Những đóng góp của Tạp chí Nam Phong trong việc xây dựng một nền quốc văn mới, phổ biến học thuật, giới thiệu những tư tưởng triết học, khoa học, văn chương, lịch sử…  của cả Á và Âu trong những năm đầu của thế kỷ XX là điều đã được ghi nhận.

Trên ý nghĩa này, công trình sưu tầm, giới thiệu những bài du ký trên Nam Phong tạp chí của PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, một chuyên gia có uy tín trong giới nghiên cứu văn học Việt Nam, là công trình xứng đáng nhận được sự quan tâm sâu rộng không chỉ của công chúng yêu văn học mà còn của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội.

2. "Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời" (NXB Hội Nhà văn, tái bản 2024) là tác phẩm thể loại tản văn, khảo cứu của nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Vũ Thế Long hồi tưởng, khám phá và nghiên cứu của tác giả về ẩm thực Hà Nội trong thế kỷ XX.

Những trang sách của "Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời", đưa người đọc ngược dòng thời gian về những năm đầu của thế kỷ XX, để hồi tưởng, để khám phá một thời, người Hà Nội đã ăn uống, chế biến và sáng tạo ẩm thực ra sao, đã “đối xử” thế nào (cự tuyệt, đón nhận, hay thậm chí “đồng hóa”) với những màu sắc ẩm thực mới lạ du nhập vào Thủ đô qua các luồng “di cư”, giao lưu Đông - Tây, Nam - Bắc...

Cuốn sách là sự kết hợp giữa trải nghiệm cá nhân của một người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội với sự tìm hiểu tỉ mỉ, kỹ càng của một nhà nghiên cứu từ những văn bản, hiện vật khảo cổ học đến tư liệu “sống” - là các cụ ông, cụ bà thế hệ trước đã đem đến cho độc giả một cuốn sách đầy ắp tư liệu mà vẫn sống động, vẫn rất “đời”, để chúng ta cảm nhận được “chiều sâu” của ẩm thực Hà Nội, của bản sắc văn hóa Hà Nội trong suốt thế kỷ XX đầy biến động.

Tác giả Vũ Thế Long là nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, ông từng là trưởng ban nghiên cứu Con người và Môi trường, Viện Khảo cổ học Việt Nam, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam.

MẪU ĐƠN

;
;
.
.
.
.
.