Thời gian là thước đo giá trị của bộ phim

.

Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ hai (DANAFF II) có chương trình: Tuyển chọn phim của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, cùng hội thảo về phong cách sáng tác của ông. Điều này rất thú vị, vì chính tại Đà Nẵng cách đây 36 năm, một bộ phim nổi tiếng của ông lần đầu được ra mắt, và ngay lập tức gây tiếng vang. Đó là bộ phim "Cô gái trên sông".

Đạo diễn Đặng Nhật Minh (đeo kính) đang chỉ đạo diễn xuất trên trường quay phim
Đạo diễn Đặng Nhật Minh (đeo kính) đang chỉ đạo diễn xuất trên trường quay phim "Cô gái trên sông". Ảnh: ST

Phim "Cô gái trên sông" tham gia Liên hoan phim quốc gia lần thứ 8 tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 15 đến 22-3-1988. Trong ký ức của nhiều người làm điện ảnh cũng như khán giả Đà Nẵng, khi bên trong hội trường, ban giám khảo thảo luận sôi nổi, tranh luận căng thẳng để đánh giá chất lượng bộ phim nhằm quyết định trao giải thưởng, thì tại các rạp chiếu phim bên ngoài, khán giả xếp hàng rồng rắn, cả ban ngày lẫn ban đêm, để mua vé xem phim bằng được. Nhiều khán giả ở xa như Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ… cũng kéo về xem phim. Sau liên hoan, bộ phim vẫn tiếp tục được chiếu dài ngày, và lúc nào khán giả cũng đầy kín rạp. Vậy "Cô gái trên sông" có điều gì đặc biệt mà hấp dẫn đến vậy?

Đột phá cả nội dung lẫn nghệ thuật

Tác phẩm của đạo diễn Đặng Nhật Minh lấy bối cảnh chính tại Huế, xoay quanh cuộc đời éo le của Nguyệt (diễn viên Minh Châu) - cô gái bán hoa trên sông Hương. Những địa danh, con người nơi đây được lồng ghép trong từng khung hình. Một đêm tối trời, trong khi bị địch truy đuổi gắt gao, một chiến sĩ hoạt động nội thành tên Thu (diễn viên Anh Dũng) đã trốn lên thuyền, được Nguyệt can đảm che chở, cứu thoát. Thời gian ngắn ngủi trên thuyền, anh hứa sẽ trở lại tìm cô. Nhưng rồi, anh không quay trở lại. Sau ngày giải phóng, Nguyệt gắng sức đi tìm gặp anh, nhưng đã bị anh chối bỏ... Để rồi cuối cùng, Sơn (diễn viên Trần Văn Sơn) một người lính của chế độ cũ, sau thời gian đi cải tạo, anh trở lại với Nguyệt, và cùng nhau hướng tới tương lai. Phải nói rằng, ở thập niên 80 của thế kỷ trước, câu chuyện phim như vậy là quá mới mẻ - mới mẻ không chỉ đối với điện ảnh mà còn đối với cả nền văn học cách mạng nói chung.

Nghệ thuật kể chuyện bằng ngôn ngữ hình ảnh và âm thanh của "Cô gái trên sông" rất sinh động, tạo nên sự hấp dẫn từ đầu đến cuối. Các nhân vật chính như Thu, Nguyệt luôn được đặt vào những thử thách hết sức ngặt nghèo (cảnh đối phương vây ráp chung quanh thuyền của Nguyệt trong khi Thu đang trốn bên trong, cảnh Nguyệt đến cơ quan tìm Thu nhưng bị ngoảnh mặt làm ngơ, cảnh Liên phát hiện chồng mình chính là người phản bội Nguyệt...) để qua đó bộc lộ rõ tính cách nhân vật... Tính kịch trong phim được chăm chút xây dựng và phát triển hợp lý, luôn gây tò mò cho khán giả, có khi hồi hộp đến nghẹt thở...

Với "Cô gái trên sông", đạo diễn Đặng Nhật Minh đã tạo ra một sự đột phá mạnh mẽ cả nội dung và nghệ thuật thể hiện. Ông rất sâu sắc, mạnh mẽ, dũng cảm. Tiến sĩ Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam cho rằng, đây là một cánh én báo hiệu thời kỳ đổi mới của nền điện ảnh nước nhà. Cũng tại Liên hoan phim, "Cô gái trên sông" giành ba giải thưởng: Bông Sen Bạc, Nữ diễn viên xuất sắc - diễn viên Minh Châu và Quay phim xuất sắc.

Giá trị đi cùng thời gian

Với sự xuất hiện của phim "Cô gái trên sông", Liên hoan phim quốc gia lần thứ 8 năm 1988 tại Đà Nẵng đã tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi, căng thẳng, kéo dài chưa từng có so với tất cả các Liên hoan phim trước đó. Có người cho rằng đây là sự sáng tạo mang tính đột phá, mở đầu cho sự đổi mới điện ảnh nước nhà, chuyện phim sát với cuộc sống vốn rất đa dạng như một bức tranh nhiều màu sắc. Có những người sau chiến tranh cũng có những biến đổi phức tạp trước thực tế hoàn toàn mới. Ở thời điểm ấy, nhìn nhận về phim này cũng có những ý kiến trái chiều. Song bộ phim vẫn nhận được giải thưởng Bông Sen Bạc.

Thực ra, điều này có tính quy luật, khi cái mới ra đời thì thường chỉ có một số ít người tiếp nhận đồng tình, ủng hộ, tán dương, còn số đông thì vẫn chưa theo kịp được nên khó chấp nhận. Vấn đề mới mẻ, táo bạo mà đạo diễn Đặng Nhật Minh đặt ra như trên thì làm sao dễ dàng được số đông chấp nhận? Tuy nhiên, điều này cũng có tính quy luật: cái mới ra đời thường lẻ loi, đơn độc, nhưng cùng với thời gian, nó dần dần được chấp nhận, được khẳng định, rồi tỏa sáng. Các bộ phim tài liệu "Hà Nội trong mắt ai", "Chuyện tử tế" của đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy bao lần bị cấm lên cấm xuống nhưng cuối cùng được vinh danh tại Liên hoan phim quốc gia với giải Bông Sen Vàng cùng giải đạo diễn xuất sắc nhất, về sau có cả chục đài truyền hình trên thế giới mua bản quyền.

Vì vậy, phim "Cô gái trên sông" của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cũng vậy. Bộ phim tuy không nhận được giải cao nhất tại Liên hoan phim quốc gia năm 1988, có lúc bị đem ra phê phán nhưng đến bây giờ thì lại được đánh giá cao, xuất hiện tại hàng loạt liên hoan phim quốc tế và được nhiều quốc gia mua bản quyền phát hành như Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Ấn Độ… Vậy nên, giá trị của một bộ phim hoặc một tác phẩm văn học - nghệ thuật nói chung là ở chỗ nó có đi cùng thời gian hay không chứ không phụ thuộc vào sự đánh giá nhất thời.

NSND HUỲNH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.