Tìm và kết nối với vẻ đẹp tiềm ẩn quanh ta

.

“Everything, Beautiful - Tìm về và kết nối với vẻ đẹp tiềm ẩn quanh ta” (NXB Thế giới và Bloombooks liên kết xuất bản) của tác giả Ella Frances Sanders vốn là một cuốn sách đẹp đa nghĩa cho bạn đọc tìm kiếm, kết nối, luận bàn về cái đẹp.

Ella Frances Sanders là họa sĩ minh họa và tác giả nổi tiếng sở hữu những đầu sách bán chạy nhất của The New York Times. Những cuốn sách cô viết về đa dạng chủ đề như: ngôn ngữ, khoa học, mỹ học. Bên cạnh đó, cô phụ trách sáng tạo nội dung và minh họa cho chuyên mục về từ ngữ trên Tạp chí Orion. Đã có hai cuốn sách khác của Ella xuất bản tại Việt Nam, được đông đảo độc giả yêu thích đón đọc là “Chúng ta ăn mặt trời” và “Tục ngữ lạ kỳ đó đây”.

Đặc điểm nhận diện sáng tạo với mỗi hình vẽ minh họa, chữ viết tay trong sách của Ella đều có tính độc bản rất riêng, khi trừu tượng xa xăm, khi hết sức chân thật, khi lại đầy sắc màu sống động... cùng với diễn giải “một bồ” giá trị từ câu từ, ngữ nghĩa. Song trùng với những câu chuyện đầy cảm hứng sống sâu sắc, Ella còn đem đến vốn kiến thức sinh học, vũ trụ… để độc giả được dịp cùng mở mang tâm trí. Đó là những thành tố làm nên gia tài sáng tác đặc biệt ấn tượng mang bút danh Ella Frances Sanders.

Trong cuốn sách “Everything, Beautiful - Tìm về và kết nối với vẻ đẹp tiềm ẩn quanh ta”, Ella sẽ dẫn dắt bạn đọc tìm kiếm, kết nối, luận bàn về những cái đẹp.

Lật tìm quá khứ, tìm về lược sử với “cái đẹp cổ xưa” - vốn là những vẻ đẹp sơ khai nhất, chúng được chiêm ngưỡng một cách mặc định đồng tình, thuận tự nhiên. Rồi cái đẹp bị bó buộc trong những “tỷ lệ vàng”, cho đến tận bây giờ, sự bí ẩn của tỷ lệ này vẫn được sử dụng để phân tích những thuộc tính đẹp xấu của vạn vật. Hay chúng ta dễ thốt lên trước “cái đẹp trong tự nhiên”, nhưng ta không được phép quên rằng, chúng không được tạo ra cho chúng ta, mà đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên diệu kỳ, khi ta nhìn ra hay cảm nhận vẻ đẹp của chúng.

Trong thực tế, còn có “cái đẹp phi thực tế” - chúng có thể thật quỷ quyệt, nặng nề hoặc yên tĩnh, như một bản nhạc rè, đêm mất ngủ, ánh nhìn, tiếng nói đốc thúc ta… Chẳng hạn, nếu ta ngày càng bị phân tâm bởi những điều không thực, như những cuộc chuyện trò không mặt đối mặt, những lần tự soi chiếu, những lời quảng cáo hứa hẹn - đó là khi ta đang thèm muốn, dành nhiều thời gian chạy theo những điều không thực, không khiến ta hài lòng, thì ta sẽ mất dần khả năng chú ý đến những điều có thật - những điều gắn kết ta với vũ trụ.

Hay những hình thù vẽ trên cát, bức chân dung họa lại, phong cảnh, đường thẳng, tác phẩm điêu khắc… vốn là những bản thể của “cái đẹp trong nghệ thuật”. Theo đó, vẻ đẹp trong nghệ thuật hòa vào vẻ đẹp trong văn hóa, với thời gian, kỳ vọng, và với từng vị thế. Bởi chúng ta có vẻ không truy vấn về cái đẹp được giám định uy tín như bởi bảo tàng, đền thờ, triển lãm, hay trong chính căn nhà/phòng của ta - việc đó thể sự móc nối giữa cái đẹp và sự uy tín, ân cần, lòng mến.

Đó là một số cái đẹp được điểm danh trong sách “Everything, Beautiful” và còn thêm nữa những cái đẹp cùng những khía cạnh hay ho khác của chúng chờ bạn đọc tìm hiểu và mở mang.

Nếu bạn từng loay hoay, chật vật để cảm nhận cái đẹp thì hãy chú tâm trong từng phút từng giờ ở hiện tại, bởi cái đẹp vẫn tiềm ẩn quanh ta. Chúng vẫn luôn hiện diện nhưng đã bị bỏ quên bởi nhịp sống biến thiên của xã hội, những khuôn khổ cũ kỹ kỳ dị, bị khỏa lấp bằng sự trống rỗng mà ta cố gắng lấp đầy một cách sai lầm bằng những đồ vật phơi bày hay sở hữu, những lời hứa suông chốc lát...

Hành trình đọc “Everything, Beautiful” sẽ càng trở nên đặc biệt ý nghĩa hơn sau mỗi trang sách được lần giở, độc giả có thể tự đúc rút, suy ngẫm về những định nghĩa (mới) về cái đẹp theo cảm nhận của riêng mình. Để rồi, khi soi chiếu bản thân, điều ta nhìn thấy là những vẻ đẹp nguyên bản trong cảm nhận của riêng mình, chứ không phải vẻ đẹp được đẽo gọt theo quan điểm nào đó. Riêng cái đẹp thuần khiết sẽ không khiến ta phải ngờ vực về sự xứng đáng mà ta đang tự hào - nó như phép màu kỳ diệu khẳng định rằng bạn vẫn luôn đủ đầy để rung cảm mà ghi nhớ hay nhận ra cái đẹp.

Chia sẻ về cuốn sách, Ella bày tỏ: “Điều quan trọng là bạn phải kiên trì tìm về với cái đẹp bằng mọi cách, đồng thời khám phá ra những định nghĩa mới cho phép bạn là chính mình trong phiên bản trọn vẹn nhất và nhân văn nhất trên mọi phương diện”. Và khi ta hướng đến cái đẹp đích thực, ta sẽ biết quan sát, để tâm lắng hơn và cảm nhận vạn vật bằng cái nhìn tích cực, yêu thương, chân thành. Thế nên, hành trình tìm kiếm cái đẹp cũng là hành trình chữa lành.

Điều quan trọng là bạn phải kiên trì tìm về với cái đẹp bằng mọi cách, đồng thời khám phá ra những định nghĩa mới cho phép bạn là chính mình trong phiên bản trọn vẹn nhất và nhân văn nhất trên mọi phương diện. Và khi ta hướng đến cái đẹp đích thực, ta sẽ biết quan sát, để tâm lắng hơn và cảm nhận vạn vật bằng cái nhìn tích cực, yêu thương, chân thành.

TRẦN DUY THÀNH

;
;
.
.
.
.
.