Những cuộc trò chuyện cùng những cụ ông, cụ bà mà tôi có dịp gặp gỡ không chỉ mang đến những thông tin, câu chuyện, chúng còn gợi lên những cảm xúc quyến luyến, gần gũi như khi đang trở về nhà.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Sống trong thời đại số nhưng thói quen của tôi vẫn không thay đổi, tôi vẫn thích mua sắm ở chợ phường, chợ xóm hơn đi siêu thị. Điện thoại tôi không cài đặt những app chụp hình kiểu “sống ảo”. Và, mỗi lần đi đường dài, cần đến địa chỉ mới, tôi không tra google map mà sẽ ghé vào vỉa hè, góc phố, tìm những ông lão, bà lão, những bác xe ôm, những chị quét rác để hỏi đường.
Tôi không thấy vui khi dành nhiều giờ trong ngày để lướt mạng xã hội, xem phim trên điện thoại. Tôi cũng chẳng hào hứng mấy chuyện chụp hình, chỉnh sửa rồi đăng lên mạng với tần suất liên tục. Mỗi ngày tôi đều thấy hân hoan nhờ việc thức dậy thật sớm để vươn vai, dạo bộ, sau đó là ghé qua khu chợ xép gần nhà.
Chợ xép thường là những khu chợ tự phát được dựng lên trên mảnh sân rộng của nhà ai đó, có khi trên vỉa hè men dọc đường xóm, khi khác ở một bãi đất trống chưa cần dùng đến lọt thỏm trong một khu dân cư. Tôi hay ghé đến chợ xép ngoài để mua thực phẩm còn là trò chuyện, học hỏi bí kíp, công thức nấu những món ăn ngon.
Đều tầm tuổi ngoài 60, những bà cụ bán rau củ, trái cây ở chợ vận lên mình bộ quần áo bà ba tối màu, chân mang dép nhựa, đầu đội nón lá lúc nào cũng nhoẻn miệng vui cười. Chậm rãi đặt lại chục trái vả, miếng mít non, hai, ba mụt măng vòi vào trong chiếc rổ tre, các bà bày tôi cách nấu món vả kho xương sao cho nhanh mềm, cách luộc măng thế nào hết đắng. Với món canh chua, các bà lưu ý không nên thiếu rau ngổ, ngò gai, còn canh mít non chắc chắn sẽ ngon hơn khi thả thêm một nắm lá lốt thái chỉ… Giọng nói của bà nhẹ nhàng, điệu bộ luôn hướng dẫn tận tình, đến nơi đến chốn, tôi như nhìn ra những dáng hình quen thuộc của bà nội, bà ngoại ở quê.
Ngoài những lần “nhiều chuyện” ở chợ, tôi còn chăm chỉ tương tác vào những lúc đi lạc hay cần phải hỏi đường. Tôi sẽ miêu tả cho những cụ ông, cụ bà, những bác xe ôm, xe thồ về đặc điểm nhận dạng của nơi mình cần đến: “Trong ảnh chụp gửi qua, bạn cháu bảo nhà bạn ở một khu tập thể lâu đời, có giàn hoa giấy đang mùa rực hồng trước cổng”, “Ngôi đình mà cháu cần đến nghe nói là một ngôi đình lợp ngói liệt, cổ nhất trong vùng, án ngữ ngay trước ngã ba sông, trước mặt có vài gốc cổ thụ”…
Tất nhiên, những lần hỏi đường theo kiểu kể lể truyền thống như vậy có lấy đi của tôi thêm một chút thời gian, nhưng bù lại, điều mà tôi nhận được ngoài đến đúng nơi cần đến vẫn còn nhiều món quà khác rất thú vị, hay ho. Nhân chuyện chỉ đường, mọi người sẽ cao hứng kể thêm cho tôi những sự tích, câu chuyện dân gian, sẽ mang đến cho tôi những thông tin, góc nhìn, cảm xúc quý giá về tình đất, tình người, những điều mà luôn khiến tôi bất ngờ, trân trọng.
Bây giờ, khi nhịp sống mỗi ngày đều bị đẩy nhanh hơn bởi những bận rộn và nhu cầu, thì các loại máy móc, phương tiện hỗ trợ con người tra cứu một chiều lại càng được ưa chuộng, tích hợp nhiều hơn. Chúng ta sẽ thấy tiện dụng, tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi những câu hỏi đưa ra lập tức nhận về câu trả lời thật chính xác. Tuy nhiên, với một người có thiên hướng hay hoài niệm, hoài cổ như tôi, thì tôi vẫn muốn ưu tiên đi tìm những điều gì phù hợp, vừa vặn với chính mình. Đó có thể là những phương pháp, tình huống được thực hành theo cách tưởng chừng như rất lạc hậu, cũ xưa, thế nhưng chính chúng lại là những thói quen, cảm xúc len lỏi ở tận đáy sâu tâm khảm. Chúng đánh thức những vui tươi, trìu mến, chúng gợi mở, kết nối những gần gũi, thân thương.
Một nụ cười, vài lời chào hỏi, những cuộc trò chuyện qua lại tuy dông dài nhưng nhờ thong dong, từ tốn mà khiến đời này thêm thi vị, dịu dàng.
DIỆU THÔNG