Về từ "gác cu" trong câu ca dao xưa

.

* Tôi đọc thấy có tài liệu cho rằng từ “gác” trong câu ca dao “Trong đời có bốn cái ngu/ Làm mai, lãnh nợ, gác cu, đánh chầu” là cái gác để nuôi chim cu. Theo tôi, cách giải thích này hình như có gì đó chưa ổn? (Nguyễn Quang Tri, Hòa Vang, Đà Nẵng).

Gác cu chỉ công việc vất vả, cực nhọc của người đi đánh cu, bởi đây là loài chim nhút nhát, rất khó bẫy. Ảnh: ST
Gác cu chỉ công việc vất vả, cực nhọc của người đi đánh cu, bởi đây là loài chim nhút nhát, rất khó bẫy. Ảnh: ST

- Câu ca dao trên còn có một dị bản, “Làm mai, nhận nợ, gác cu, cầm chầu”. Có tác giả cho rằng “gác” ở đây có lẽ không phải là canh gác mà là cái gác để nuôi chim cu. Rồi biện luận: chim cu có một đặc tính là dù ta nuôi chúng bao lâu, không bao giờ nó có cái gọi là quen chuồng với chúng. Mà hễ sẩy nó ra là nó bay đi mất. Cho nên một trong bốn cái ngu là làm cái gác cho chim cu.

Theo chúng tôi, câu ca dao trên đã chỉ rõ “bốn cái ngu” qua bốn việc làm cụ thể: làm mai, lãnh nợ, gác cu, đánh chầu. Xuất phát từ tính thống nhất của toàn bộ 4 phân đoạn trong câu ca, từ “gác” ở đây phải và chỉ là động từ chứ không thể là danh từ (cái gác) như cách giải thích nói trên.

Gác cu chỉ công việc vất vả, cực nhọc của người đi đánh chim cu. Đây là loài chim nhút nhát, rất khó bẫy. Người gác cu phải ngồi ngoài đồng suốt ngày, chịu nắng rát da, chịu mưa tê lạnh, có khi phải nhịn đói, nhịn khát suốt cả ngày. Lúc cu sà xuống, người gác cu phải bất động, nhỡ như bị kiến cắn, vọp bẻ, mỏi chân... cũng không được nhúc nhích, cụ cựa. Như thế, không “ngu” thì là gì!

Trong thời gian chiến tranh, gác cu còn thêm một nghĩa phái sinh nữa. Các bót gác nằm đìu hiu, chót vót trên cao được gọi là “chuồng cu”. Người được cử đứng gác cả buổi ở đó (gọi là “gác cu”) đã chẳng thoải mái gì mà lại còn chịu đủ thứ trách nhiệm. Chỉ có “ngu” mới làm như thế!

Trả lời câu hỏi “gác cu sao gọi là ngu?”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn (thesaigontimes.vn) cho rằng đây là chuyện khá phức tạp. Đồng bằng sông Cửu Long có cách trồng lúa rất lạ ở vùng ngập trung bình, tuy cũng sử dụng các giống lúa mùa thông thường, nhưng thuộc nhóm cao giàn hơn, đặc biệt là họ sử dụng kỹ thuật cấy hai lần. Đầu tiên mạ được “tỉa” trên cạn, rồi nhổ cấy xuống nước lần thứ nhất gọi là cấy giăm, sau đó mới bứng lên (bứng lúa cây) và đem cấy ra ruộng lần thứ hai. Kỹ thuật cấy hai lần đã biến mất từ rất lâu trên toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Muốn cấy hai lần, phải “tỉa” mạ trên đất liếp và ngụy trang bên trên bằng một lớp trấu, vừa để giữ ẩm cho hạt lúa nảy mầm vừa để đánh lừa lũ chim, chuột. Mặc dù vậy, chuyện ngụy trang này chỉ có thể đánh lừa lũ chim se sẻ, chim dòng dọc chứ không thể qua mặt được lũ chim cu. Chúng thường đáp từng đàn, đông hàng trăm con và chỉ lựa các hạt lúa giống mà không làm xáo trộn lớp trấu ngụy trang bên trên.

Để chống lại lũ chim cu tinh quái, hai ba nhà ở gần nhau cùng làm một chỗ đất tỉa mạ thì để dễ bề canh gác. Sau đó, nếu thấy liếp mạ nhà mình mà lên đều hơn liếp mạ nhà hàng xóm thì sẽ lãnh câu “nhận gác cu mà chỉ biết lo cho liếp mạ nhà mình”. Còn nếu mạ nhà mình lên kém hơn mạ nhà hàng xóm thì là “thứ khôn nhà dại chợ, liếp mạ nhà mình mà không lo, chỉ biết lo cho nhà hàng xóm”. Tóm lại, đằng nào cũng bị chửi, chưa kể nếu liếp mạ nhà hàng xóm lên quá tệ thì phải chia mạ nhà mình cho họ. Như thế, không “ngu” thì là gì!

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.