Yên bình cuộc sống về đêm

.

Chúng tôi ra phố thị Đà Nẵng buổi đêm, đi vào giấc mơ mưu sinh của nhiều cuộc đời. Chuyện cơm áo gạo tiền của thường nhật… nhiều khi là giấc mơ, cũng là mục đích sống của tất cả. Mọi thứ, diễn ra dưới bầu trời bình yên của thành phố này.

Công nhân môi trường hối hả làm việc sau đêm khai mạc DIFF 2024. Ảnh: L.V
Công nhân môi trường hối hả làm việc sau đêm khai mạc DIFF 2024. Ảnh: L.V

1. Quán bánh canh Quảng Trị của đôi vợ chồng Hồ Văn Giáp (SN 1994) và Nguyễn Thị Ái Nhi (SN 1995) trên đường Âu Cơ, đoạn giáp ranh Khu Công nghiệp Hòa Khánh (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) đỏ lửa từ 6 giờ sáng tới gần 10 giờ tối. Quãng thời gian này, vừa đủ để món ăn bình dân "sưởi ấm" cái đói của những cô cậu sinh viên hay một anh công nhân tan ca về muộn.

Trái với không khí rộn ràng của dãy quán xá và khu giải trí ở khu vực chợ Hòa Khánh cách đó không xa, tuyến đường Âu Cơ dài 1km từ nút giao với đường Lạc Long Quân đến nút giao với đường số 8 Khu Công nghiệp Hòa Khánh có phần vắng vẻ. Quán bánh canh của vợ chồng anh Giáp là số ít quán hiếm hoi sáng đèn trên tuyến này. “Khách ăn đa số là người dân, công nhân và sinh viên trong khu vực. Ở khu này quán xá thường đóng cửa sớm. Mình cố gắng mở muộn một chút để khách có đói bụng thì ghé ăn, có thêm được vài đồng trang trải”, anh nói. “Vài đồng” với đôi vợ chồng trẻ tương đương một khoản đóng học thêm cho con gái lớn hay hộp sữa cho bé nhỏ...

“Ngày xưa hai vợ chồng mới vào Đà Nẵng, thuê trọ rồi sau này mới tích cóp mua được căn nhà nhỏ. Thời gian đầu thấy vắng, mở quán ban đêm cũng lo ngại tình hình an ninh trật tự và nhiều vấn đề khác nhưng sau này thì an tâm. Từ chuyện cư trú, kinh doanh của vợ chồng đến chuyện học hành của con cái, chúng tôi đều được hưởng những điều kiện tốt nhất của địa phương và thành phố”, anh Giáp nói. Từ sự an tâm đó, quán bánh canh nhỏ đã hoạt động ổn định trong 8 tháng qua, trở thành sinh kế chính của đôi vợ chồng trẻ trên hành trình mưu sinh.

Những hàng quán đêm với ánh đèn le lói và hương thức ăn nóng hổi một góc phố ở Đà thành là hình ảnh bình yên với nhiều người. Chúng tôi dọc ngang một con phố trung tâm lúc 1 giờ sáng, ghé ăn một quán bún vỉa hè để tình cờ gặp nhiều du khách vừa đáp chân xuống thành phố lúc trời nhập nhoạng. Cái không khí này cũng không khác hồi ức của tôi hơn 20 năm trước, với mùi nước lèo từ gánh bún khuya của bà nội ở một góc Ngã ba Huế. Đêm Đà Nẵng từ những năm tháng ấy đến hôm nay luôn dung dị và khó quên…

Người phụ nữ đứng tuổi mà chúng tôi gặp trước chợ đầu mối Hòa Cường đêm hôm đó, ngại ngùng giấu tên, giấu mặt khi nói về việc thường nhật. Bà chỉ nói mình tên Thúy, sinh ra và sống ở Quảng Nam, gốc gác từ xã Bình Trị (huyện Thăng Bình), sau theo chồng vào Tam Kỳ lập nghiệp cho tới bây giờ. Chuyện mưu sinh của bà là mỗi tuần ra Đà Nẵng một lần, gom đồ khô giá sỉ mang về Tam Kỳ bán. Hàng hóa bà gửi nhờ xe tải người quen, còn bà vì… sợ mùi xăng dầu, lại không đủ sức chạy xe máy tầm mấy chục cây số như ngày trẻ nên chọn đi xe buýt công cộng tuyến liền kề Đà Nẵng - Tam Kỳ. Lịch trình của người phụ nữ gần 60 tuổi cũng khá… ngược múi giờ của nhiều người. Bà có mặt ở Đà Nẵng từ tối hôm trước, ghé chợ lấy hàng rồi đợi sáng sớm đi xe thồ về Bến xe phía Nam để kịp chuyến xe buýt đầu ngày.

Lúc còn khỏe, bà Thúy ra Đà Nẵng thường xuyên. Bây giờ tần suất ít lại, trời mưa gió hay sức khỏe có vấn đề, bà nhờ con trai ra lấy hoặc nhờ chủ hàng bỏ sỉ vào Tam Kỳ. Bà nói, một lý do để ra Đà Nẵng thời gian này là việc hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng chủ trương mở lại các tuyến buýt công cộng và nâng cao chất lượng dịch vụ. “Xe buýt, tiện nghi, sạch sẽ hơn xưa. Giá vé rẻ. Tài xế đi đàng hoàng. Đặc biệt là trên xe có điều hòa. Người lớn tuổi như tôi, lên xe ngủ một giấc là tới nơi”, bà Thúy nói. Những chuyến xe mới đã phần nào làm vơi đi sự vất vả của những người mưu sinh giữa hai đầu xứ Quảng

2. Trong dòng người có mặt ở đêm khai mạc Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2024 hôm 8-6 không chỉ có người dân, du khách. Ở đó, không thiếu những người mưu sinh từ sự kiện lớn của thành phố: người bán quán nước, người bán đồ ăn, người cho thuê sân thượng ngắm pháo hoa, xe ôm công nghệ…

Dưới không khí rộn ràng của pháo hoa và âm nhạc, trên vỉa hè đối diện khán đài chính, một quầy đồ ăn nhỏ thu hút nhiều người dân và du khách ghé mua. Tỏ ra chưa quen tay khi… chuẩn bị những phần bánh mì và bún thịt nướng, bà Đoàn Thị Duyên (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cười trừ: “Nói thiệt, đây là lần đầu tiên cả nhà bán quán ăn nên còn lóng ngóng lắm”. Đã kinh doanh trên đường Trần Hưng Đạo được một thời gian, khi DIFF vào mùa, gia đình bà mới nảy ý bán thêm đồ ăn phục vụ khách. Với những người mưu sinh trên tuyến đường này như bà Duyên, đôi bờ sông Hàn luôn đông vui vào mọi ngày nhưng vui nhất là khi thành phố tổ chức DIFF hay những sự kiện du lịch nói chung. Niềm vui đó, không chỉ nằm ở sinh kế mà còn ở tinh thần. Khi phố phường đông vui, người xe nhộn nhịp, như bao người dân khác, họ thấy sức sống của thành phố đã trở lại sau mấy năm ảnh hưởng dịch bệnh.

Sau khi màn pháo hoa kế thúc là lúc công nhân môi trường bắt tay vào công việc, là 1 trong số 200 công nhân được Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng huy động quét dọn, thu gom rác, tổng dọn vệ sinh và trả lại mỹ quan phố phường ngay sau đêm khai mạc DIFF 2024, chị Trần Thị Thứ không giấu những cảm xúc đặc biệt. Mấy năm trước, chị nhận nhiệm vụ dọn sạch rác ngoài đường rồi vào dọn khu khán đài, mỗi ca kéo dài đến 1-2 giờ sáng mới xong. Năm nay, chị đến trước giờ kết thúc sự kiện, theo dõi rác xả đến đâu thì dọn đến đấy, chỉ khi bảo đảm sạch sẽ, không còn lượng rác trên đường thì chị và đồng nghiệp mới về.

Trời về khuya, những công nhân tranh thủ ăn vội tô bún trên vỉa hè trước khi bắt tay hoàn thành nốt công việc. Như mọi năm, những vất vả vơi đi nhiều phần khi họ nhận được sự hỗ trợ từ hơn 500 đoàn viên thanh niên và nhiều hội, nhóm, người dân, du khách... trong việc thu gom rác sau đêm pháo hoa. “DIFF là sự kiện lớn của thành phố, du khách về nhiều là đáng mừng nhưng cũng kéo theo lượng rác gấp đôi ngày thường. Công việc vất vả hơn chúng tôi có sự hỗ trợ từ mọi người. Chúng tôi luôn cảm thấy vui vì đã góp một phần cho môi trường xanh - sạch - đẹp của thành phố mình”, ông Võ Văn Hải, công nhân Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà chia sẻ. Trước 6 giờ sáng 9-6, những nẻo đường được trả lại mỹ quan, không một bóng rác thải. Tất cả, nhờ những giọt mồ hôi rơi trên phố, đêm qua, cùng với những nụ cười.

Có rất nhiều câu chuyện, ý kiến đề cập về phát triển không gian đêm của đô thị Đà thành, đặc biệt khi thành phố dần thành hình những điểm đến mới như: phố du lịch An Thượng, phố đi bộ đôi bờ sông Hàn và trong tương lai gần là Quảng trường trung tâm… Ở đó, người dân sẽ được hưởng lợi. Trong bức tranh đó, những mảng màu mưu sinh vẫn tiếp tục được vẽ nên dưới bầu trời bình yên của thành phố này.

LÂM VIÊN

;
;
.
.
.
.
.