"Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi"

.

“Ở nơi ấy, đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi. Một mái tranh nghèo, một nhà sàn đơn sơ. Ở nơi ấy họ đã sống cuộc sống yên bình. Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi. Khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy, hồn người Raglai…”, những câu hát vừa da diết, vừa tỉ tê trong ca khúc Giấc mơ Chapi đã đưa tôi đến gặp già Chamaléa Âu - Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) duy nhất của vùng núi cao Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận vào một buổi tối bên bờ sông Hàn lộng gió. 

Nghệ nhân ưu tú Chamaléa Âu cùng chiếc đàn Chapi mà ông yêu quý.  Ảnh: Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận cung cấp
Nghệ nhân ưu tú Chamaléa Âu cùng chiếc đàn Chapi mà ông yêu quý. Ảnh: Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận cung cấp

Trong những ngày diễn ra Ngày Văn hóa, du lịch tỉnh Ninh Thuận tại thành phố Đà Nẵng (từ 13 đến 15-7), NNƯT Chamaléa Âu dành hầu hết thời gian chế tác những chiếc đàn Chapi - loại nhạc cụ truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số Raglai, với mong muốn tiếp tục đưa âm thanh của cây đàn Chapi đi xa, ra khỏi vùng đất Ma Nới quê hương ông.

Tình yêu với cây đàn tre

Người đàn ông có dáng hình mảnh khảnh, râu tóc bạc phơ, ánh mắt lấp lánh nụ cười ấy cứ cặm cụi cầm chiếc mát nhọn miết nhẹ nhàng, chậm rãi vào thân tre để giữ cho mọi chi tiết của cây đàn Chapi hoàn hảo nhất. Chế tác đàn Chapi không phải công việc dễ dàng. Từ khâu chọn tre, xử lý nguyên liệu cho đến việc tạo hình và điều chỉnh âm thanh, mỗi bước đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và kinh nghiệm dày dặn.

Già Chamaléa Âu kể, để làm chiếc đàn này, ông phải vào tận những khu rừng già ở Ma Nới để tìm thân tre thẳng, có đường kính 8-9cm. Cây tre sau đó được phơi khô ít nhất 5 tháng để tăng độ dẻo dai, chống mối mọt. Tre càng khô, vỏ tre càng mỏng thì âm thanh càng hay. Khi tre đã đạt độ đàn hồi, nghệ nhân dùng đầu mát nhọn lẩy từng lớp vỏ cật bên ngoài thành 8 dây đàn, mỗi dây cách nhau 2cm. Để tạo âm thanh, ông cân chỉnh độ căng của dây đàn bằng chốt tre nhỏ, đồng thời nối hai dây bằng những cha neté (phím). Ở hai đầu khớp nối, ông trui hai lỗ nhỏ để tiếng đàn khuếch đại âm thanh. Đặc biệt, khi đánh đàn Chapi, người Raglai không khẩy tay trực tiếp lên dây đàn, mà khẩy nhịp nhàng lên từng cha neté để tạo ra âm thanh mong muốn. “Tre già, thẳng, thân to rỗng mới có thể làm ra những chiếc đàn Chapi có độ bền và cho âm thanh hay”, già Chamaléa Âu khẳng định.

Dưới những tán rừng già Ma Nới, cây đàn Chapi trở thành người bạn tâm tình của đồng bào Raglai. Tiếng đàn khi réo rắt, khi nỉ non, khi chậm rãi, khi bùng lên những giai điệu rộn ràng, mời gọi. Âm nhạc của đồng bào Raglai nhẹ nhàng, róc rách như tiếng nước chảy, tiếng lá reo, như áng mây chiều bay qua đỉnh núi. Chừng 20 năm trước, hầu như ở Ma Nới nhà nào cũng sở hữu một cây đàn Chapi. Nó theo đàn ông, con trai trong làng lên núi, lên rẫy.

Theo những chuyến đi săn thú rừng. Theo chân trai gái hò hẹn đêm trăng. Già Chamaléa Âu kể, thời xa xưa, khi đường vào Ma Nới còn xa xôi, cách trở bởi những cánh rừng quanh năm mây phủ, người Raglai chỉ biết đến mã la, loại cồng chiêng không núm, còn gọi là chiêng bằng. Mã la thường được dùng trong các lễ hội quan trọng như bỏ mả, báo hiếu, ăn lúa mới… Thời đó, chiêng mã la không dễ sở hữu vì có giá trị hơn chục con trâu nên những gia đình nghèo, không có điều kiện kinh tế đã tự mày mò chế tác chiếc đàn Chapi có độ vang, âm sắc, trường độ tương tự mã la.

Đàn Chapi kích thước nhỏ và âm sắc có phần hạn chế hơn mã la nhưng theo già Chamaléa Âu, nếu bộ mã la có năm, bảy hoặc chín chiếc, tên gọi lần lượt là mã la mẹ, mã la cha, đến mã la con, thì đàn Chapi cũng có 8 dây gồm dây mẹ, dây cha rồi đến các dây con... Tuy nhiên, do âm thanh còn giản đơn nên đàn Chapi không được ký âm mà chỉ mô phỏng theo tiếng nước chảy, tiếng lá reo và tiếng chiêng mã la lúc trầm, lúc bổng. Vừa nói, già Chamaléa Âu vừa cầm một cây đàn gảy nhẹ, những âm thanh trầm đục, chậm rãi vang lên như nhịp đời bình yên nhưng có chút chậm rãi, u buồn của người dân quê hương ông.

Chapi được ví là cây đàn bình dân của mọi người dân Raglai sống ở vùng miền núi các tỉnh Nam Trung Bộ. Hầu như trai tráng trong làng ai cũng biết làm, biết gảy. Vào những đêm trăng, dưới ánh lửa bập bùng, cây đàn trở thành nơi gửi gắm ước mơ và nỗi niềm của người Raglai với rừng già. Nhưng rồi, theo nhịp sống phát triển, chừng 10 năm trở lại đây, cây đàn đơn sơ này bị người làng lãng quên và hiếm khi vang lên trong những buổi gặp mặt hay lễ hội truyền thống. Và, những âm thanh mộc mạc, trầm bổng của Chapi đã được thay thế bởi những giai điệu hiện đại, sôi động hơn…

Người nghệ nhân già cần mẫn chế tác đàn Chapi tại Ngày Văn hóa, du lịch Ninh Thuận tại Đà Nẵng.  Ảnh: T.Y
Người nghệ nhân già cần mẫn chế tác đàn Chapi tại Ngày Văn hóa, du lịch Ninh Thuận tại Đà Nẵng. Ảnh: T.Y

Kho từ điển của núi rừng Ma Nới

Bên bờ sông Hàn những ngày giữa tháng Bảy, âm thanh lúc trầm bổng, lúc dặt dìu của tiếng đàn Chapi đưa chúng tôi về vùng đất Ma Nới, nơi người đàn ông 69 tuổi dành cả cuộc đời giữ gìn hồn cốt chiếc đàn tre đơn giản nhưng độc đáo này. Theo Chamaléa Âu, Chapi không chỉ là nhạc cụ truyền thống mà còn là biểu tượng văn hóa, là linh hồn của người Raglai. Vì thế, trong những năm qua, ông không ngừng nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy nghệ thuật chơi đàn Chapi cho những đứa trẻ trong làng. Ngoài thời gian lên nương, lên rẫy hay vào rừng tìm tre, ông nhiệt tình chia sẻ kiến thức, kỹ năng làm đàn với hy vọng sẽ có thêm người trẻ yêu thích và giữ gìn các loại nhạc cụ truyền thống.

Cùng với đó, ông cũng tham gia nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội cùng cây đàn Chapi. Chamaléa Âu tin rằng, thông qua những câu chuyện cũng như sự truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác, Chapi mới có thể tồn tại và phát triển. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng ông vẫn kiên định với mục tiêu của mình. Ông hy vọng, chỉ cần một vài người trẻ nhận ra được giá trị, vẻ đẹp Chapi sẽ nhen lên trong cộng đồng những ngọn lửa của niềm tin và hy vọng.

Ở Ma Nới, Chamalé Âu được ví như kho từ điển của núi rừng, là linh hồn của các lễ hội truyền thống. Không chỉ đọc thông, viết thạo tiếng Kinh, ông còn am tường văn hóa, phong tục, tập quán đồng bào dân tộc Raglai. Ông Phạm Văn Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận cho hay, nghệ nhân làm được đàn Chapi ở Ninh Thuận đang dần thưa vắng. Ngoài Chapi, già Chamalé Âu còn trình diễn thông thạo rất nhiều loại nhạc cụ truyền thống của người Raglai như chiên mã la, kèn gadet...

Với những cống hiến của mình, năm 2015, già Chamalé Âu được ngành văn hóa trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho lĩnh vực bảo tồn, phát triển nghệ thuật dân gian. Những năm gần đây, trong rất nhiều hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch của tỉnh Ninh Thuận, Chamalé Âu được ngành văn hóa mời tham gia như một đại diện tiêu biểu trong giới thiệu và tôn vinh văn hóa tộc người Raglai. Và, trong chuyến đi Đà Nẵng lần này, ông còn dẫn theo đứa cháu ngoại Tạ Yên Thiên mười bốn tuổi để truyền nghề. Đây cũng là lần đầu tiên Thiên rời khỏi buôn làng Ma Nới để đến thành phố bên sông Hàn theo đoàn công tác tỉnh Ninh Thuận.

“Đàn Chapi là cả cuộc đời tôi”, già Chamalé Âu nói với gương mặt mang nhiều xúc động. Giữa không gian lễ hội, nhìn hai ông cháu người Raglai cần mẫn đưa lưỡi mát sắc nhọn miết trên những thớ tre, mới thấy được tình yêu và sự kiên nhẫn của họ dành cho loại nhạc cụ truyền thống này. Thiên bảo, sau hai năm học nghề, em đã thuần thục các bước làm đàn Chapi nhưng chưa đủ tự tin để tự mình chế tác một cây đàn hoàn chỉnh mà vẫn phải “nhường phần khó” cho ông ngoại. “Làm đàn Chapi không khó, nhưng nếu không cẩn thận, lẩy sợi đàn tre quá dày hoặc quá mỏng vừa dễ đứt, vừa ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh”, Thiên nói đó cũng là lý do em chưa dám nhận làm những phần này.

Trong cuộc trò chuyện cùng tôi, già Chamaléa Âu bày tỏ niềm tin rằng thế hệ trẻ như Thiên sẽ tiếp nối và bảo tồn những giá trị truyền thống của dân tộc mình, nếu được truyền dạy bằng tình yêu và sự tận tụy. Và với ông, chuyến đi Đà Nẵng lần này không chỉ là cơ hội giới thiệu cây đàn Chapi, mà còn là dịp để thế hệ trẻ như Thiên học hỏi, trải nghiệm cũng như cảm nhận sâu sắc sự quan tâm của cộng đồng đến nền văn hóa dân tộc mình để từ đó gắn bó và phát huy, giữ gìn và lan tỏa. Đó cũng là giấc mơ và tình yêu mà già Chamalé Âu dành cho Chapi, như cách ông gảy đàn và nhẩm hát cho tôi nghe giữa sóng nước sông Hàn “tôi yêu Chapi không còn cô đơn, không buồn, không vui. Tôi nghe Chapi chợt thấy nao lòng vì một giấc mơ, ôi Chapi”…

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.