AN SINH CHO NGƯỜI YẾU THẾ

Doanh nghiệp vì người yếu thế

.

Giá trị thương hiệu không đơn thuần là đột phá kinh doanh, tối đa hóa lợi nhuận mà còn thể hiện thông qua các hoạt động nhân đạo đang được nhiều doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện bền bỉ, như một phần không thể thiếu trong văn hóa kinh doanh vì một cộng đồng tốt đẹp hơn.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên (giữa) Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Ân Điển trao quà Tết cho phụ nữ khuyết tật đơn thân và hộ nghèo. Ảnh do nhân vật cung cấp
Bà Nguyễn Thị Kim Liên (giữa) Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Ân Điển trao quà Tết cho phụ nữ khuyết tật đơn thân và hộ nghèo. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trần Đình Huy, học sinh lớp 9 Trường THCS Hoàng Diệu, sống với mẹ và anh trai tại số nhà K292/76/8 Hải Phòng (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) trong ngôi nhà tạm bợ. Hoàn cảnh gia đình em khó khăn, thuộc diện cận nghèo ở phường. Dẫu vậy, nhờ thường xuyên nhận được sự hỗ trợ từ địa phương cũng như các nhà hảo tâm như Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Ân Điển (gọi tắt là công ty Ân Điển, 93 Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê), gia đình em đã vượt qua được những thời điểm khó khăn để vươn lên. Hiện tại, Huy được công ty Ân Điển hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng tiền học phí và duy trì tới khi em tròn 18 tuổi. Huy chia sẻ, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các mạnh thường quân, em vững tâm trên con đường học tập, không còn lo lắng chuyện phải bỏ học giữa chừng.

Tương tự là trường hợp Trần Tư Nhã, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Trần Cao Vân, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hiện đang sống với gia đình cậu mợ ở K322/8/7, tổ 36 phường Tân Chính (quận Thanh Khê) nhưng cũng không thuận lợi vì cậu bị tai biến, mợ thất nghiệp do phải ở nhà nuôi cậu. Hoàn cảnh gia đình như vậy nhưng em vẫn theo đuổi việc học nhờ sự sẻ chia từ các mạnh thường quân.

Trần Đình Huy và Nguyễn Tư Nhã là hai trong rất nhiều trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức đến trường nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ các nguồn lực của địa phương và xã hội, trong đó có một phần từ nguồn ủng hộ của những doanh nghiệp như công ty Ân Điển, một đơn vị năng nổ và có “bề dày” với những hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng ở các lĩnh vực như giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường với hàng trăm trường hợp học sinh, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được giúp đỡ thông qua các hình thức trao quà là tiền mặt, tặng nhà tình nghĩa, bảo trợ phụ nữ đơn thân, hỗ trợ khởi nghiệp ở thành phố.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Công ty Ân Điển vui vẻ chia sẻ: "Hoạt động từ thiện là cách để doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm xã hội để trợ giúp cho những người yếu thế, tạo ra tính công bằng xã hội. Chính vì vậy, chúng tôi luôn sẵn sàng chung tay giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, công ty luôn mong muốn tiếp tục được chia sẻ với những người trẻ trên hành trình lập nghiệp, tạo dựng những dự án kinh doanh, khởi nghiệp bởi công ty tin rằng, đây là những đóng góp để thúc đẩy sự phát triển của môi trường doanh nghiệp".

Hoạt động vì cộng đồng vẫn luôn được nhiều doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện bền bỉ, như một phần không thể thiếu trong văn hóa kinh doanh, vì một cộng đồng tốt đẹp hơn. Giá trị thương hiệu không đơn thuần là đột phá kinh doanh, tối đa hóa lợi nhuận mà còn thể hiện thông qua các hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng góp phần xây dựng hình ảnh, khiến công chúng, khách hàng có thiện cảm hơn với thương hiệu đó, xây dựng niềm yêu mến, sự tin tưởng, dần dần tiến tới gắn bó và trung thành với thương hiệu. 

Công ty TNHH Rainscales (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) dưới sự dẫn dắt của ông Trần Mạnh Huy, Giám đốc công ty. Đây là doanh nghiệp có những đóng góp lớn đối với người lao động yếu thế khi cung cấp cho họ việc làm và thu nhập ổn định. Nhờ đó, người lao động có kinh phí sửa chữa nhà, mua sắm các trang thiết bị làm việc và cải thiện điều kiện sống. Nhiều năm qua, công ty không chỉ giúp người yếu thế phát triển mà còn đạt được sự tăng trưởng bền vững khi gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của cộng đồng.

Trước xu thế của cuộc cách mạng 4.0, công ty không ngừng nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo hiện đại, biến chúng thành lợi thế cạnh tranh, giúp tăng năng suất và hiệu quả công việc. Cùng với đó tích cực tham gia hỗ trợ đào tạo cho đối tượng yếu thế bằng cách cung cấp các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng và tái đào tạo nhằm giúp người lao động phát triển kỹ năng mới và tự tin hơn trong công việc. Điều này giúp họ có khả năng cạnh tranh tốt hơn trong thị trường lao động, thích nghi với công việc.

Thông tin từ Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng cho biết, với 780 hội viên, nhiều năm qua hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng được hội tổ chức thường niên và hướng tới các đối tượng là trẻ em nghèo, trẻ em bị khuyết tật, trẻ em ở các trung tâm mồ côi, ở vùng sâu vùng xa, giáp biên giới và các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người dân ở vùng hay bị thiện tai lũ lụt… với số tiền hàng tỷ đồng.

Trưởng Ban công tác xã hội Hội Doanh nhân trẻ thành phố Nguyễn Hồng Cương chia sẻ, kinh nghiệm qua nhiều năm tổ chức hoạt động vì cộng đồng đó là bên cạnh hưởng ứng các chương trình thành phố triển khai, qua các đợt khảo sát thực tế, hội tổ chức trao quà trực tiếp đến người dân, ưu tiên ở địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam và Huế. Một nét đặc thù khác, đó là hội kết hợp tổ chức hoạt động giao lưu để doanh nhân, doanh nghiệp hội viên trực tiếp tham gia nhằm tiếp thêm động lực để các đối tượng khó khăn nỗ lực hướng tới cuộc sống tốt hơn.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.