AN SINH CHO NGƯỜI YẾU THẾ

Xây dựng môi trường không rào cản

.

Đà Nẵng là một trong những thành phố tiên phong phát triển cơ sở hạ tầng dành cho người khuyết tật. Nhiều khách sạn, khu du lịch hay khu vực bãi biển đã thiết kế các lối đi dành riêng cho xe lăn, qua đó tạo điều kiện cho người khuyết tật tận hưởng các dịch vụ vui chơi, giải trí…

Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Trương Công Nghiêm trải nghiệm lối đi dành cho xe lăn tại khách sạn Pullman Danang. Ảnh: NVCC
Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Trương Công Nghiêm trải nghiệm lối đi dành cho xe lăn tại khách sạn Pullman Danang. Ảnh: NVCC

Tự tin xuống biển

Trước khi gặp tai nạn giao thông dẫn đến liệt hai chân, chị Nguyễn Thị Thu Hà (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) thường đi biển sớm. Biển cả là nơi chị tìm thấy sự bình yên và niềm vui sống mỗi ngày. Tuy nhiên, vụ tai nạn gần 10 năm trước khiến chị phải từ bỏ thói quen này, mang theo sự mặc cảm và nỗi buồn trong nhiều năm. Hà kể, chị từng xem việc không được đi biển là nỗi đau ghép sau tai nạn, cho tới khi hay tin Đà Nẵng thiết kế lối đi dành cho xe lăn trên bãi biển vào năm 2016. Chị xúc động nói: “Đó thật sự là tin vui, nhưng phải hai tháng sau tôi mới quyết định trở lại biển. Lúc ấy, tôi tự nhủ với bản thân rằng, nếu không thử, làm sao biết được mình có thể trở lại biển hay không”.

Chuyến đi biển “đầu tiên” của chị sau nhiều năm quanh quẩn trong nhà có sự đồng hành của người thân. Từ ngôi nhà nhỏ trên đường Nguyễn Trung Trực, chị tự chạy xe lăn theo đường Đỗ Anh Hàn, Vương Thừa Vũ để đến biển Phạm Văn Đồng. Ngay khu vực công viên Biển Đông, chị tìm được một lối xuống biển bằng xe lăn. “Cảm giác lúc đó là hơi e ngại nhưng tôi vẫn muốn thử. Tôi nhích xe từng chút đến vạch an toàn của lối đi rồi thả phanh cho xe nhẹ nhàng di chuyển xuống bãi biển. Đó là một ngày trời trong xanh, gió biển nhẹ nhàng thổi vào mặt. Tôi ngồi đó, dõi mắt về phía biển xa, cảm nhận từng cơn sóng vỗ nhẹ. Không thể đặt chân xuống nước, nhưng với tôi, vậy cũng đủ để vui và hạnh phúc”, chị Hà bồi hồi kể lại lần đầu tiên ra biển sau nhiều năm quanh quẩn ở nhà với chiếc xe lăn. Từ sau ngày đó, biển trở thành nơi để chị Hà tìm lại niềm vui sống.

Hiểu được mong muốn của những người khuyết tật như chị Hà, năm 2020, UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án "Lối xuống biển dành cho người khuyết tật" dọc 30 km bờ biển của thành phố, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 10,9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Với dự án này, sẽ có 18 lối xuống biển trải dài trên các bãi biển du lịch ở đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà) và 6 lối xuống biển ở khu vực biển Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê và Liên Chiểu).

Điều đặc biệt là những lối đi này sẽ giúp người khuyết tật tiếp cận được mép nước. Các ram dốc kết cấu bê-tông cốt thép, lắp ghép sàn sợi thủy tinh trên bãi cát để tạo lối đi ra sát mép biển. Giai đoạn đầu, dự án sẽ thí điểm lắp lan can inox để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận dịch vụ bãi biển. Ông Phan Minh Hải, Phó Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch thành phố cho biết, dự án hiện nay đang chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu (dự kiến hoàn thành năm 2023) do một số nguyên nhân khách quan như phải thiết kế lại phù hợp với bảng quy hoạch dự án du lịch biển mà Đà Nẵng đã điều chỉnh, thông qua trong thời gian gần đây.

Ông Hải hy vọng, sau khi hoàn thành bảng thiết kế, dự án sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian sớm nhất để “tạo điều kiện cho những người kém may mắn được tắm và tận hưởng không gian biển”. Trong lúc chờ xây dựng những lối đi mới tiện nghi hơn, thành phố tiếp tục duy trì 2 lối đi cũ có chiều dài 40m tính từ lề đường đến mép nước nằm ở khu vực công viên Biển Đông và ngã ba đường Võ Nguyên Giáp - Hoàng Kế Viêm.

Những lối đi nhân văn

Những nỗ lực của Đà Nẵng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng dành cho người khuyết tật đã mở ra cơ hội “ra khỏi nhà” cho hàng nghìn người khuyết tật khắp thành phố. Những con đường, lối đi bộ, các công trình công cộng được thiết kế thân thiện với xe lăn giúp họ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động ngoài trời. Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Trương Công Nghiêm nhớ lại, năm 2022, khi Đà Nẵng đưa vào hoạt động công viên APEC, ông đã tổ chức nhóm người khuyết tật đi thăm công trình mới này. Điều làm ông ấn tượng khi đến đây, là công viên có hai lối đi dành cho xe lăn. “Đó là bước tiến lớn trong việc xây dựng một thành phố không rào cản. Những lối đi bằng phẳng không chỉ giúp chúng tôi dễ dàng di chuyển mà còn mang lại cảm giác được tôn trọng và đồng hành trong cuộc sống hằng ngày”, ông Nghiêm xúc động nói.

Với không gian xanh mát và thiết kế phù hợp, công viên APEC đã trở thành địa chỉ lý tưởng để người khuyết tật tham gia các hoạt động giải trí, thể dục thể thao và gặp gỡ bạn bè. Tuy nhiên, để việc di chuyển an toàn hơn, ông Nghiêm mong muốn lối lên, xuống dành cho người khuyết tật ở đây cần được thành phố hoặc chủ đầu tư nghiên cứu kỹ về độ dốc cũng như chiều rộng lối đi sao cho phù hợp hơn.

Những nỗ lực của Đà Nẵng trong việc xây dựng các lối đi dành cho xe lăn là bước tiến quan trọng nhằm tạo dựng môi trường sống an toàn và thân thiện hơn. Cùng với đó, để phục vụ du khách, hầu hết các khách sạn mới xây trong vòng 5-7 năm trở lại đây đều thiết kế khu vực dành riêng cho người di chuyển trên xe lăn. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố cho rằng, những lối đi này không chỉ mang lại tiện ích mà còn thể hiện sự quan tâm, tôn trọng của thành phố đối với người khuyết tật. Cũng theo ông Dũng, Đà Nẵng luôn cố gắng tạo ra một môi trường du lịch thân thiện, không rào cản cho tất cả khách hàng.

Việc các khách sạn ở Đà Nẵng như Brilliant, Pullman, Furama, Wyndham Danang Golden Bay… xây dựng lối đi dành cho xe lăn là một phần trong nỗ lực đó. “Việc các khách sạn ở Đà Nẵng chú trọng thiết kế lối đi dành riêng cho xe lăn cũng phản ánh tư duy tiến bộ của thành phố trong xây dựng một môi trường du lịch hòa nhập, tôn trọng và không rào cản. Những giá trị nhân văn này làm cho thành phố trở nên đẹp hơn, đáng sống hơn, từ đó thúc đẩy sự hòa nhập và phát triển bền vững trong cộng đồng”, ông Dũng đúc kết.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.