"Bảo tàng sống" Đại Bình

.

Đại Bình nằm ở vị trí tuyệt đẹp, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra đầu nguồn dòng Thu Bồn. Đây được cho là một trong những làng cổ đẹp vào bậc nhất ở miền sơn cước của đất Quảng.

Bếp lửa và những vật dụng thân quen ở góc bếp (ảnh trái). Đi cùng với đó là chiếc “tủ mèo” mang dấu ấn văn hóa vùng quê xứ Quảng. Ảnh: TV - V.T.L
Bếp lửa và những vật dụng thân quen ở góc bếp. Ảnh: TV - V.T.L

Làng Đại Bình (hay Đại Bường) thuộc xã Quế Trung, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Theo các văn bản Hán Nôm hiện còn lưu lại ở Đại Bình thì tên làng chính thức có vào năm Thế Đức (Nguyễn Nhạc) thứ nhất (1778). Làng được con sông Thu Bồn bồi đắp phù sa, rất màu mỡ nên trồng được rất nhiều giống cây ăn quả ở miền Nam như bưởi (trụ lông), cam sành, quýt, lòn bon, sầu riêng, mít tố nữ, măng cụt…, nên được mệnh danh là “miệt vườn” Nam Bộ ở miền Trung. Làng còn là vùng trồng dâu nuôi tằm, làm mía đường thủ công có tiếng trong vùng. Ngoài ra, Đại Bình còn ẩn chứa nhiều điều độc đáo, đó là những di sản nhân văn, làm nên nét đặc trưng của làng quê vùng bán sơn địa xứ Quảng.

Nơi đây vẫn còn lưu giữ dấu tích của làng cổ xứ Quảng với sự hiện diện của đình, chùa, miếu, đền thờ, nhà thờ… Những công trình kiến trúc này gắn bó với đời sống tâm linh của người dân. Một số sắc phong, thư tịch cổ cũng được lưu giữ, trong đó chứa đựng những thông tin quý giá về lịch sử mở đất lập làng. Trong làng còn có khoảng 3, 4 ngôi nhà cổ. Đó là những ngôi nhà được tạo dựng bằng gỗ, theo kiến trúc nhà vườn bình dị của người dân xứ Quảng. Trong đó nổi bật nhất là ngôi nhà cổ nằm sát bờ sông, có tuổi đời gần 100 năm. Chức năng của hai ngôi nhà cổ này khác nhau, một nhà để thờ tự và cư trú, một nhà để chứa nông sản.

Là một làng thuần nông nên người dân nơi đây vẫn còn giữ được nhiều công cụ, vật dụng liên quan đến sản xuất nông nghiệp, săn bắt và sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Những vật dụng, công cụ sản xuất thể hiện rõ sự sáng tạo của người nông dân qua các thời kỳ. Một số vật dụng có giá trị thẩm mỹ cao như khuôn đúc bánh in, rương đựng thóc, giỏ hái dâu, mâm gỗ.

Đặc biệt, căn bếp là nơi lưu giữ nhiều nét xưa. Bếp thường được tổ chức làm 3 tầng: Tầng dưới cùng là nơi lưu trữ các nông sản ở dạng hạt, củ, quả và là nơi sơ chế các món ăn cho gia đình với chum đựng nước, mo đài bằng cau và gáo dừa để múc nước, các loại dao nhiều kiểu dạng theo nhiều mục đích sử dụng. Tầng tiếp theo để trữ củi khô dùng cho việc đun nấu, là không gian quan trọng và linh thiêng nhất với sự hiện diện của Ông Táo.

Tầng trên cao là giàn bếp và vách bếp với những dụng cụ quen thuộc, đặc biệt là chiếc rế treo nồi bằng mây tre để tránh chó mèo (“chó treo mèo đậy”). Trên vách bếp treo nhiều vật dụng nhà bếp và dụng cụ lao động sản xuất bằng mây tre đan như: nơm úp cá, nhủi xúc cá, giỏ đựng cá, giỏ và gánh hái dâu, mủng, rá, mẹt... Tất cả công cụ đan lát đều được treo ở giàn bếp, theo thời gian khói bếp sẽ tạo lớp bảo vệ chắc chắn, giúp các dụng cụ này tránh được mối, mọt hư hỏng.

Đi cùng gian bếp có một vật dụng thân thuộc không thể thiếu trong mỗi gia đình vùng quê xứ Quảng, đó là chiếc “tủ mèo”. Có thể ở những vùng khác nó được gọi bằng nhiều cái tên khác nhưng với người Quảng thì rất thực tế từ mục đích cất đặt gia vị, cất giữ thức ăn, chén bát sạch sẽ, tránh chó mèo mà nó được gọi thân thương với cái tên “tủ mèo”.

Cạnh gian bếp là bàn ăn cơm - nơi cả gia đình sẽ quây quần dùng cơm, trò chuyện sau những giờ lao động mệt nhọc với mâm cơm quê dân dã. Gian bếp không thể thiếu chiếc cối xay bằng đá, một dụng cụ rất hữu ích của các bà các mẹ quê để làm nên những món ăn bình dị, thân thuộc cho gia đình. Cối dùng để xay đậu, xay bột tráng bánh xèo, làm bánh để cúng cơm mới, cúng ông bà; đặc biệt là cúng tiền hiền khai khẩn, cúng Thành hoàng cầu mong mưa thuận gió hòa, bội thu mùa vụ.

Bếp lửa và những vật dụng thân quen ở góc bếp (ảnh trái). Đi cùng với đó là chiếc “tủ mèo” mang dấu ấn văn hóa vùng quê xứ Quảng. Ảnh: TV - V.T.L
Đi cùng với đó là chiếc “tủ mèo” mang dấu ấn văn hóa vùng quê xứ Quảng. Ảnh: TV - V.T.L

Bên trong, cạnh chái bếp nhà là những dụng cụ lao động của người dân nông nghiệp trồng trọt với cuốc, rựa, rìu, quang gánh, thúng mủng, gàu giai, gàu sòng tát nước. Đôi quang gánh là phương tiện để người dân gồng gánh những bó rau tươi xanh, những gánh hoa màu từ đồng ruộng về nhà và gánh những mủng trái cây đầy ắp từ vườn vào nhà, từ nhà ra chợ.

Trước đây, những vật dụng này rất hữu dụng cho cuộc sống nhưng ngày nay nhiều thứ không còn sử dụng nữa, vô tình đã trở thành hiện vật bảo tàng. Một số vật dụng đặc trưng giúp bà con phòng tránh lũ như ghe nan, thang tre... vẫn còn hữu ích vì tần suất và nguy cơ lũ lụt từ sông Thu Bồn rất lớn. Nhiều hiện vật độc đáo, có giá trị thẩm mỹ và giá trị nhân học như giỏ hái dâu, mâm gỗ, tủ thờ, tủ bếp, bàn, ghế gỗ... Đặc biệt, những vật dụng “thời bao cấp” như chạn bếp, đèn dầu, đèn măng sông, cối đá... được một số gia đình lưu giữ như vật kỷ niệm một thời gian khó.

Làng Đại Bình trong quá khứ cũng như hiện tại ít chịu ảnh hưởng của những tác động bên ngoài nên vẫn lưu giữ những vốn liếng đã được tích lũy lâu đời. Ngoài thương hiệu trái cây, làng còn nhiều di sản nhân văn quý báu có thể khai thác, phát triển du lịch, tạo nên một điểm đến hấp dẫn.

Với số lượng và chủng loại hiện vật phong phú nêu trên, việc hình thành Bảo tàng Đời sống dân gian làng Đại Bình là rất cần thiết và khả thi. Trước tiên, nên chọn hình thức “bảo tàng sống”, trưng bày, giới thiệu những hiện vật gắn với đời sống, gia đình người nông dân. Khi có đủ điều kiện về chuyên môn, số lượng hiện vật, cần đầu tư hình thành bảo tàng như một thiết chế văn hóa đặc trưng của làng Đại Bình để trưng bày, giới thiệu hiện vật một cách có hệ thống. Đây là điểm tham quan lý tưởng, hấp dẫn khi du khách đến thăm làng, nhất là vào những mùa thu hoạch trái cây hoặc vào dịp Lễ hội Trái cây làng Đại Bình được tổ chức hằng năm.

TẤN VỊNH

;
;
.
.
.
.
.