Một chiều mùa hạ khi khép lại những bộn bề của cuộc mưu sinh tôi thường ngồi lại để làm một điều gì đó, chí ít là đọc những vần thơ trên giá sách cũ để khiến chính mình được chậm lại. Những câu thơ đầy hoài niệm: “Căn nhà gỗ bếp than hồng lúc hoàng hôn/ Bập bùng cháy suốt chiều dài nỗi nhớ/ Ta dù lớn vẫn là ta một thủa/ Thương con mèo lạc bạn đêm khuya…” (Bình Nguyên Trang) đã đến với tôi, gợi dậy trong tôi bao xúc cảm. Ý thơ lặng lẽ mở cánh cửa đưa tôi về quá khứ, về những thuở ngày xưa, và rồi khi để chính mình bước qua cánh cửa đó tôi đã ngơ ngác nhớ, thảng thốt đượm buồn khi hình dung lại cái bếp than hồng nhà tôi mỗi độ xế chiều, hình dung lại bao bữa cơm chiều bên mẹ cha nơi mái nhà thân thương…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tháng năm trôi đi, để vào màu mắt tôi những xa xăm, tôi cứ đi về phía trước theo tiếng gọi của giấc mơ, rồi lắm lúc lại giật mình ngoảnh lại nhìn quá khứ, nhìn một quãng dài đã cách khoảng mình với ngày xưa. Đầy nuối tiếc nhưng có lẽ chỉ có rời đi người ta mới nuôi dậy trong mình nhiều khả năng đặc biệt để hình dung, để giữ mãi những câu chuyện, những hồi ức và kỷ niệm vui buồn nơi quê hương, nơi nẻo đường, nơi căn nhà cũ của mình. Tôi nhớ về bếp than hồng nơi mái bếp cha lợp bằng lá cọ, mẹ vun vén bằng những thơm thảo yêu thương. Đó chính là nguồn cội hình thành trong tôi những ý nghĩ đầu tiên về sự ấm áp, về hạnh phúc gia đình.
Quang cảnh chiều quê chợt dậy trong tôi sống động. Tôi như nghe rõ hơn tiếng thở dài của cha tôi sau một ngày đồng áng mệt nhoài. Trong những đợt gió chiều, mùi mồ hôi mặn mòi của cha đã quyện lẫn vào đó. Phía sau rặng tre cuối vườn mặt trời đã bắt đầu chìm lặn, những dải mây hồng nhẹ tựa như những tấm voan rải lên chân trời. Mẹ lại bắt đầu công việc thường ngày của mình, nhen ánh lửa sáng hồng căn bếp để nấu bữa cơm chiều. Bếp lửa làm hừng sáng cả căn mái bằng lá cọ, lửa luôn nói những điều thiêng liêng mà bình dị mà chỉ những ai lớn lên trên những vùng quê mới có thể thấu nghe được. Hương thơm tỏa lên cả căn bếp, ấy là mùi hương bốc lên từ niêu cơm đang sôi. Tôi nhớ sự tỉ mẫn của mẹ khi mẹ khẽ khàng dúi lửa, làm cho ngọn lửa nhỏ đi để cho niêu cơm chín đều. Mẹ mở vung niêu rồi cẩn thận chắt một ít nước cơm sôi cho tôi. Ngày ấy, tôi là một đứa trẻ gầy nhom, điều kiện gia đình khó khăn, thế nên mỗi lúc thổi cơm mẹ luôn căn thời độ để chắt cho tôi những giọt nước cơm tinh túy và ngọt ngào nhất.
Khi nắng đã tắt hẳn, bầu trời quê đã thêm những vì sao lấp lánh, quê hương những phút giây ấy thật bình yên và hạnh phúc. Bên căn bếp bao gia đình sum họp nơi bữa cơm thân thương, nghĩa tình. Tôi nhớ sao bao bữa cơm chiều với cha mẹ, những bữa cơm mà tôi cứ vô tư ăn những gì mà mẹ chuẩn bị, chẳng phải nghĩ dài về bao câu chuyện dọc dài phía sau sự ngọt ngào và đủ đầy yêu thương ấy. Tôi phụ mẹ nhấc nồi cơm ra khỏi bếp lửa hồng, múc bát canh rau muống rồi đặt ra chiếc mâm nhôm. Mẹ gắp một bát tép đồng kho nghệ từ mẻ rớ đêm qua cha cất muộn, lấy một ít cà pháo muối mặn ở cái vại bằng gốm.
Bữa cơm quê bên gia đình mộc mạc mà ăm ắp yêu thương. Tháng năm ấy gian khó mà đong đầy, để bây giờ bâng khuâng ngồi hình dung lại tôi thấy lòng mình cứ ăm ắp dư vị và mùi hương. Ấy chẳng phải là dư vị và mùi hương của niêu cơm, của bát canh, của con tép, khoanh cá kho hay quả cà muối mặn hay sao? Mà nhiêu ấy thôi làm gì đã đủ, sâu sắc hơn ấy còn là dư vị của ân nghĩa cuộc dời, của lòng biết ơn mẹ cha, chốn sinh ra của mình.
Trong cuộc trở về bằng nỗi nhớ ấy, sao tôi có thể lờ đi những mong ước thuở xưa của cha mẹ. Là những người nông dân chân chất, nhưng những khát khao về một mai tốt đẹp và đủ đầy hơn luôn nội tại trong sâu thẳm cha mẹ. Ánh mắt và cánh tay cha tôi vẫn sáng đó và hằn đó khi nhìn và chỉ về mái bếp, nhìn vào những vách nhà tranh, cha nghĩ về một ngày không xa mái bếp đơn sơ này sẽ được nâng cấp bằng mái ngói để không gian nấu nướng và ăn uống của gia đình trở nên thoáng đãng và kiên cố, nhất là những ngày mưa gió mùa đông. Một cách thật tự nhiên ngọn lửa của khao khát ấy đã ấm truyền vào tôi, tôi thấu hiểu được tâm tình của mẹ cha, hiểu được những mầm hy vọng họ gieo vào cuộc đời dài rộng của tôi phía trước…
Phải vậy, ký ức chính là điểm tựa bình yên, tôi nhớ về những khoảnh khắc bên bếp than hồng chiều hạ, để rồi tiếc nuối nhiều hơn, trở trăn nhiều hơn và cũng thấy bình yên hơn. Thời gian đã làm hao úa bao mùa lá rơi rụng, làm xanh lên bao tháng ngày mà nhiều khi ta cứ tưởng đã chìm vào tàn phai, làm trắng điểm mái tóc sương gió của mẹ cha chốn quê nhà. Chợt nghĩ những lúc nhớ nhung như vậy, hãy thử tìm một khoảng trống để trở về, chẳng cần phải làm điều gì to tát, chỉ là ngồi ăn với mẹ cha một bữa cơm bên mái bếp rồi tiếp tục lên phố xuôi ngược…
HOÀNG VIỆT