CÂU CHUYỆN GIAO THÔNG

Để "giá như" không còn hiện hữu…

.

Tai nạn giao thông để lại nỗi đau dai dẳng. Hơn thế, di chứng khiến nạn nhân trở thành gánh nặng cho người thân hoặc có thể mãi chia ly với gia đình. Nguyên nhân chủ yếu từ thiếu quan sát, vượt ẩu, sử dụng rượu bia… và rồi muôn vàn điều “giá như” trong nuối tiếc. Để “giá như” không còn hiện hữu thì nỗ lực của chính quyền là chưa đủ mà cần sự ý thức tham gia giao thông của mỗi người dân.

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố có nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Hơn hết, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trang bị kiến thức đầy đủ, xây dựng văn hóa tham gia giao thông, để bảo vệ bản thân cũng như cộng đồng.  Trong ảnh: Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố tuyên truyền an toàn giao thông đến các em học sinh. Ảnh: H.V
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố có nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Hơn hết, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trang bị kiến thức đầy đủ, xây dựng văn hóa tham gia giao thông, để bảo vệ bản thân cũng như cộng đồng. TRONG ẢNH: Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố tuyên truyền an toàn giao thông đến các em học sinh. Ảnh: H.V

Mỗi người cần phải tự nâng cao ý thức

Nhớ lại vụ tai nạn vào 4 tháng trước, chị N.L.O (29 tuổi, quận Thanh Khê) vẫn chưa thôi ám ảnh khi bị tai nạn giao thông trên đường đi làm từ thành phố Hội An về nhà. Bởi chiếc xe khách 45 chỗ chuyển làn không quan sát gây tai nạn, khiến chị bị chấn thương sọ não, tỷ lệ tổn thương cơ thể 47%. Sau hôn mê 3 ngày, mất nhận thức hoàn toàn, phải đến 1 tuần sau, chị O. mới có thể ra dấu hiệu tay và chân khi ai chạm vào. Trong khi đó, chị là trụ cột chính trong gia đình khi ba là thương binh, mẹ không có việc làm ổn định. Lúc đó, cả gia đình như rơi vào hố sâu, ba mẹ chị O. chỉ biết mỗi ngày cầu nguyện mong con tai qua nạn khỏi. Qua 3 tháng điều trị, đến nay chị đã đi lại được và có thể tiếp xúc với mọi người xung quanh nhưng vẫn còn sử dụng thuốc lâu dài.

Bà T.T.N, mẹ chị O. bày tỏ, nghe tin con gái gặp nạn, hai vợ chồng bà như suy sụp bởi con gái còn quá trẻ, chưa lập gia đình, tương lai còn dài, bị tai nạn tỷ lệ 47% thì coi như không còn cơ hội. May mắn thay, O. là một trong những trường hợp may mắn khi chấn thương sọ não nhưng không can thiệp mổ và kỳ diệu hơn là hồi phục trong thời gian ngắn. Người mẹ này mong rằng, không chỉ các phương tiện điều khiển xe mô-tô mà cả cánh lái xe cũng phải nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ luật giao thông.

Trường hợp của ông N.V.G (54 tuổi, quận Ngũ Hành Sơn) không may mắn như vậy. Do có sử dụng rượu bia nên trên đường từ phường Điện Dương (tỉnh Quảng Nam) về nhà, ông không kiểm soát tốc độ và tự gây tai nạn, dẫn đến chấn thương sọ não, sau thời gian điều trị tại bệnh viện thì mất. Ông mất để lại cho vợ và các con niềm xót thương vô cùng. Vợ ông G., buồn bã nói, những câu khẩu hiệu "Đã uống rượu bia thì không lái xe", "Phía sau tay lái là sự sống, gia đình" ai cũng thuộc nằm lòng thế nhưng phải chịu sự mất mát không gì bù đắp nổi mới thấm thía hết ý nghĩa những lời dặn dò trên. Từ câu chuyện tại nạn giao thông đau lòng của gia đình mình, vợ ông G. mong rằng mọi người sẽ nhận ra, một lần sai sót trả giá cho cả cuộc đời. Và rằng, đằng sau tay lái không chỉ là nguồn sống, niềm vui của cả gia đình mà còn là tính mạng của những người xung quanh.

Hay câu chuyện chị T.T.K (38 tuổi, quận Hải Châu) do thiếu quan sát, đi nhanh và dùng điện thoại khi tham gia giao thông, chị K. va chạm vào một phương tiện khác đang lưu thông cùng chiều. Hậu quả chị K. bị gãy chân và văng ra giữa đường, còn chủ phương tiện khác thì trầy xước nhẹ. Rất may, trong khoảng thời gian này, các phương tiện xe tải, xe khách, đầu kéo… không di chuyển nên chị K. không bị ảnh hưởng tính mạng, vụ va chạm không có thiệt hại về người. Sự việc của bản thân khiến chị K. luôn tự trách mình như “giá như” không sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. “Tôi hy vọng câu chuyện bản thân ít nhiều giúp mọi người nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, không dùng điện thoại trên đường, không đi với tốc độ nhanh, để phòng tránh rủi ro cho mình cũng như các phương tiện khác”, chị K., bộc bạch.

Trên đây là 3 trong rất nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông và họ đang hằng ngày cố gắng chiến thắng di chứng do tai nạn gây ra, mong mỏi được trở lại cuộc sống đời thường.

Có thể nói, mỗi người cần phải tự nâng cao ý thức từ những hành động, trang bị kiến thức đầy đủ, xây dựng văn hóa tham gia giao thông nhằm bảo vệ bản thân cũng như cộng đồng, xã hội. Sự chung tay của mỗi người dân trong mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ đều đáng quý, để bớt đi những mất mát không đáng có hay để “giá như” không phải thốt ra bởi bất kỳ ai.

Chú trọng tuyên truyền an toàn giao thông

Những năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với hàng loạt biện pháp tuyên truyền, các mô hình thiết thực với mong muốn phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông. Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố đề xuất đa dạng giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông như: tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đến người dân, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; nâng cấp đánh giá hiện trạng giao thông; đấu tranh những hành vi vi phạm luật giao thông… hay quận Đoàn Liên Chiểu tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ năm 2024, Hội Chữ thập đỏ thành phố tổ chức các lớp tập huấn sơ cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông hay Ban An toàn giao thông thành phố tặng mũ bảo hiểm cho các em học sinh…

Theo Phó Bí thư Thành Đoàn Lê Công Hùng, Thành Đoàn rất chú trọng công tác tuyên truyền an toàn giao thông cho các thanh thiếu niên bởi lứa tuổi này rất dễ vi phạm luật. Theo đó, Thành Đoàn tổ chức chương trình ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông, cảnh báo cho các đoàn viên, thanh niên những hậu quả nặng nề mà tai nạn giao thông để lại. Đồng thời, chương trình lồng ghép những chia sẻ về luật giao thông cũng như quy định, chế tài, xử lý khi vi phạm.

“Tháng Chín đến, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền trực tuyến an toàn giao thông đến các đoàn viên thanh niên. Hy vọng rằng, ít nhiều sẽ giúp giới trẻ nói riêng và mọi người nói chung nâng cao ý thức, không phải để lại những hệ lụy đáng tiếc”, ông Lê Công Hùng chia sẻ.

Thượng tá Hải nhận định, tuy vậy, trong 6 tháng đầu năm, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố vẫn ở mức cao. Thời gian đến, phòng sẽ đổi mới tuyên truyền về nội dung lẫn hình thức, xác định đúng đối tượng, địa bàn. Đồng thời, phối hợp đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, tập hợp những bất cập về tổ chức giao thông, những hạn chế trong hạ tầng giao thông có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, kiến nghị, đề xuất giải pháp xử lý các “điểm đen” về tai nạn giao thông, khắc phục bất cập trong tổ chức giao thông trên địa bàn. Chủ động phòng ngừa, xử lý, bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các vị trí có nguy cơ sạt lở, hư hỏng, cây ngã, đổ trong mùa mưa, bão.

“Ngoài ra, mỗi tháng, công an các quận, huyện phải đánh giá kỹ tình hình tai nạn giao thông trên tuyến quản lý, cập nhật đầy đủ thông tin vào dữ liệu, nhằm phục vụ việc phân tích, đánh giá tình hình tai nạn giao thông để tham mưu Giám đốc công an thành phố chỉ đạo giải pháp khắc phục”, Thượng tá Hải nói.

Theo Thượng tá Phạm Hồng Hải, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố xảy ra 325 vụ tai nạn giao thông, làm 49 người chết, 333 người bị thương, thiệt hại 2,5 tỷ đồng. So với thời gian cùng kỳ và liền kề, tăng cả số vụ và số người bị thương. Trong đó, nguyên nhân đến từ việc không chú ý quan sát chiếm 84%, phương tiện gây tai nạn chủ yếu là mô-tô. Song song, phát hiện, lập biên bản 8.921 trường hợp, ra quyết định xử phạt 6.776 trường hợp, tạm giữ 1.595 phương tiện, tước giấy phép lái xe 1.664 trường hợp.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.