Chuồn chuồn ký ức còn bay

.

“Chuồn chuồn có cánh thì bay...” Hoàng hôn đỏ lựng phía chân trời. Nhà nhà lên đèn. Ngõ quê cũng mờ tỏ ánh điện đường. Tiếng loạc xoạc dưới mái tôn trước hiên nhà khiến chú cún sủa toáng. Bật bóng điện lên tìm, thì ra là một đôi chuồn chuồn ngô bay lạc đang hoảng hốt đập cánh tìm lối ra. Những chú chuồn ngô vạm vỡ, ngang tàng của một thời tuổi thơ ta mê đắm chợt trở nên nhỏ bé, tội nghiệp trước ngổn ngang nhà cửa, tường bao khiến lòng ta rưng rưng thương nhớ. Chụp được cả hai con, ta thả nó ra bầu trời đang dần tối để nó bay đi về phía tự do, bay về phía yêu thương, mang theo cả những nỗi niềm của ta bay về phía ký ức mờ xa.

Minh họa: hOÀNG đặng
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ký ức của tuổi thơ thôn quê thật đẹp. Những đứa trẻ đầu trần chân đất, tóc hoe cháy, quen với lấm lem bùn đất ruộng đồng. Tuổi thơ ngày ấy, ngoài một buổi đi học là một buổi giúp cha mẹ làm việc. Anh chị em tự phân công nhau chẳng cần bày nhủ. Tuổi thơ ngày ấy, bao đồ chơi tự làm, những trò chơi dân gian xao động cả sân đình. Những bọ vừng, muồm muỗm; những chim sáo, chim manh; những gọng vó, đom đóm, chuồn chuồn đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ. Không biết có phải tại ngày xưa làng quê còn vườn rộng rào thưa, đường quê rợp bóng cây xanh, ao hồ còn nhiều để làm chỗ trú ngụ cho chuồn chuồn; hay bởi chúng thương lũ trẻ quê nghèo chỉ có những niềm vui mộc mạc nên chúng bay đầy trời cùng tiếng cười náo nức của tuổi thơ.

Những chú chuồn chuồn màu sắc sặc sỡ bay lượn giữa trời xanh mây trắng cao rộng, yên bình và tháng ngày tự tại. Chuồn chuồn ớt đẹp nhất nên thường là đối tượng săn lùng của lũ trẻ. Chúng trở nên khôn ngoan, khó bắt và là nỗi thèm muốn của lũ trẻ. Chuồn chuồn kim rụt rè, nhỏ bé như chiếc kim khâu, thường quanh quẩn bên mặt nước để nô đùa cùng chú gọng vó hay quấn quýt cùng bông hoa súng, chiếc lá bang bang. Chuồn chuồn ngô đầu tròn như hạt ngô là đông đảo nhất. Chúng oai vệ như chàng trai dậy thì, kiêu hãnh, cường tráng và nhiều khát khao khám phá. Chuồn chuồn voi to nhất, trông giống như chiếc trực thăng với những chấm vàng đầy quyến rũ. Chuồn chuồn tương màu vàng hanh của nắng. Chuồn chuồn nước có màu sắc đan xen hay cong đuôi bay la đà từng tốp bên mặt ao để ngắm mình dưới nước...

Để bắt được một chú chuồn chuồn không phải dễ. Chân bước rón rén và tim đập hồi hộp, ta tiến lại chầm chậm chú chuồn chuồn đang lim dim mắt nằm ngủ trên cành rào mà không được gây ra tiếng động nào. Rồi ngón tay cái và ngón trỏ chụm lại nhanh chóng chụp vào đuôi chúng một cách đầy phấn khích. Ta vẫn nhớ như in cảm giác vừa hụt hẫng vừa tiếc nuối khi đưa tay gần đến là nó vụt bay rồi. Khoảnh khắc giữa thành công và thất bại thật mong manh. Sướng nhất là hôm nào mẹ mua được quả mít chín về ăn. Khi bổ mít ra, mấy đứa rủ nhau bẻ một que rào làm cần, rồi đầu ngọn quấn đầy mủ mít làm dụng cụ bắt chuồn chuồn. Có dụng cụ trong tay có thể bắt được đủ loại kể cả loài khó tính như chuồn chuồn ớt. Bao nhiêu trò chơi nghịch ngợm cùng chuồn chuồn được bày ra. Đến khi chán chê lại thả chúng về với bầu trời.

Không hiểu là có mối liên hệ như thế nào hay bởi câu chuyện dân gian về sự tích con chuồn chuồn mà loài vật này có sự nhạy cảm với những thay đổi của thời tiết. Cái thuở mà dân quê mình còn thô sơ trong lao động chỉ biết trông trời, trông đất, trông mây ấy thì chuồn chuồn là một đài khí tượng thủy văn cần mẫn và chính xác. Nhìn từng đàn chuồn chuồn bay rợp trên bầu trời, mẹ lại lẩm bẩm “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa. Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm” hay “Chuồn chuồn bay thấp, mưa ngập bờ ao. Chuồn chuồn bay cao, mưa rào lại tạnh”. Còn cha, mỗi bận sang thu lại canh cánh lo cảnh “Tháng Bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão”...

Nhìn đôi chuồn chuồn ngô đã mất hút vào không trung, mất hút vào đêm tối, mất hút về ký ức mà lòng ta không thôi day dứt nhớ thương, miên man suy nghĩ. Ta thì trở vào với tổ ấm của mình, còn nó có kịp tìm thấy một chỗ trú ẩn bình yên khi một đời lang thang không có tổ. Tuổi thơ ăm ắp kỷ niệm đã xa. Làng quê thời nông thôn mới đã thưa vắng hẳn những bầy chuồn chuồn bay rợp trời để nhắc chuyện nắng mưa. Ký ức ngỡ đã ngủ quên. Trái tim ngỡ đã sạn chai. Vậy mà bất chợt gặp lại một hình ảnh thân quen, lòng ta lại ùa về bao cảm xúc. Ta lại mường tượng chính mình - đứa trẻ quê ngày ấy, tay cầm que rào quấn đầy mủ mít, đang rón rén rình bắt chú chuồn chuồn ớt giữa trưa hè vắng lặng ngõ quê...!    

ĐINH HẠ

;
;
.
.
.
.
.