DẤU ẤN ĐIÊU KHẮC

Bàn tay tài hoa và cái tâm làm nên tác phẩm

.

Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, nhiều loại hình nghệ thuật kiến trúc, trong đó có điêu khắc đã phát triển và tạo nên những tác phẩm đặc sắc với những giá trị trường tồn theo thời gian. Bằng tài hoa và cái tâm với nghề, những nghệ sĩ đang từng ngày đưa tác phẩm đến gần với công chúng.

Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng (ở giữa) bên tác phẩm
Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng (ở giữa) bên tác phẩm "Cội nguồn hạnh phúc". Ảnh: NVCC

Khéo léo tỉ mỉ trong từng chi tiết

Chúng tôi tìm gặp nhà điêu khắc Nguyễn Quang (SN 1971, hội viên Hội Mỹ thuật thành phố) ngay khi anh vừa hoàn thành tác phẩm điêu khắc “Xuống chợ”, có kích thước 100cmx35cmx30cm. Tác phẩm được anh sáng tác theo phong cách tả thực, bằng chất liệu gỗ, nổi bật lên chủ đề của tác phẩm, đó là hình tượng người mẹ dân tộc K’Ho địu con trên lưng, tay bưng rổ trái cây xuống chợ, ngoài hình tượng người mẹ và đứa con còn có chú chó nhỏ, người bạn đồng hành thân thiết chạy theo hân hoan cùng với chủ nhân của mình.

Nhà điêu khắc Nguyễn Quang cho biết, để làm ra một tác phẩm cần trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Khâu đầu tiên là chọn nguyên liệu gỗ thô, gỗ phải là loại gỗ dổi, gỗ lõi. Sau đó đánh giấy ráp để cho gỗ mịn, tiếp đến là vẽ hình, phá và đục tạo hình, tới bước khò gỗ và đánh giấy ráp. Khâu cuối cùng là sơn, khâu này sẽ trải qua 12 lớp sơn khác nhau, những lớp sơn được người thợ sơn kỹ lưỡng từng lớp và canh thời gian chuẩn để gối lớp sơn tiếp theo, vừa chống mối mọt vừa giữ độ bền lâu của tác phẩm.

Theo nhà điêu khắc Nguyễn Quang, tất cả các khâu đều vô cùng quan trọng, đòi hỏi người làm nghề phải có tay nghề, có sự khéo léo tỉ mỉ trong từng chi tiết, chỉ cần một khâu sai sót thì sẽ làm hỏng cả tác phẩm. Để làm ra được một tác phẩm điêu khắc đẹp, có tính nghệ thuật cao, toát lên được cái “thần”, cái sinh động của tác phẩm người nghệ sĩ phải có năng khiếu, yêu nghề và trải qua quá trình học tập bền bỉ mới có thể làm được.

Gần đây, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng (SN 1957, Hội viên Hội Mỹ thuật thành phố) trình làng hai tác phẩm điêu khắc “Trong lòng đại dương” và “Cội nguồn hạnh phúc” có thông điệp về thế giới hòa bình, nhân ái. Tác phẩm điêu khắc “Trong lòng đại dương” được thực hiện theo phong cách hiện đại nhưng có sự kết hợp của ngôn ngữ điêu khắc và ngôn ngữ hội họa, các khối hình và màu sắc, chất liệu (vỏ trứng, vàng, bạc, thếp, màu sơn mài) hòa quyện, tạo nên tác phẩm vừa độc đáo vừa có tính thời cuộc.

“Cội nguồn hạnh phúc” là tác phẩm điêu khắc pha trộn giữa hiện đại và truyền thống, với một cách nhìn riêng, triết lý riêng khi nói về hạnh phúc. Qua hình ảnh đàn chim Lạc đưa con thuyền bay tới bến bờ hạnh phúc, tác phẩm mang ý nghĩa giáo dục đối với những thế hệ kế tiếp ý thức về cội nguồn. Tựu chung lại, hai tác phẩm đều chung một thông điệp, khẳng định Việt Nam luôn là điểm đến bình yên, hấp dẫn và an toàn với bạn bè quốc tế. Mỗi tác phẩm là một công trình nghệ thuật được sáng tạo bằng sự tỉ mỉ, tinh tế và dành nhiều tâm huyết của tác giả.

Ngôn ngữ điêu khắc bằng bàn tay và tài hoa

Điêu khắc là nét đẹp nghệ thuật có từ lâu đời ở nước ta, những nghệ sĩ đã sáng tạo ra hàng loạt tác phẩm đặc sắc, phong phú, hiện thực và trôi chảy với màu sắc rất tinh tế và quyến rũ. Một tác phẩm điêu khắc thực sự đẹp và có giá trị, theo các nghệ sĩ, nghệ nhân, phải là tác phẩm được làm thủ công và người thợ không chỉ cần có tài năng thật sự mà còn phải mang cái tâm của mình đặt vào tác phẩm, xem nó như những đứa con tinh thần của mình.

“Đối với những nghệ sĩ, nghệ nhân điêu khắc thì niềm vui chính là được thả cái tâm, ý niệm của mình vào sản phẩm. Mình làm bằng cái tâm và hết khả năng của mình, kiên trì, say sưa chỉnh sửa lại cho đến khi được mới thôi”, nhà điêu khắc Nguyễn Quang cho biết. Thế mạnh của ông là sáng tác trên chất liệu gỗ và đá. Ở mỗi chất liệu, người nghệ sĩ, nghệ nhân sẽ có những cách khác nhau để thể hiện ý tưởng cũng như toát lên ngôn ngữ điêu khắc bằng chính bàn tay tài hoa của mình. Đơn cử, nếu chất liệu gỗ phù hợp với những tác phẩm để trong nhà thì đá lại là lựa chọn hoàn hảo đối với những công trình tượng đài ngoài trời hoành tráng. Ngôn ngữ điêu khắc, vì vậy, có sự khác nhau giữa các chất liệu.

Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng nhìn nhận, bản thân ông đang nỗ lực để vượt lên chính mình, làm mới các tác phẩm theo những phong cách, chất liệu khác nhau, không trùng lặp về ý tưởng. Ông cũng nói rằng, ngày nay, nghệ thuật điêu khắc xuất hiện khắp nơi trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân Đà Nẵng, dù thành phố vẫn chưa có những tượng đài lớn, được đặt ở một không gian rộng lớn, có nội dung chính trị, lịch sử hay huyền thoại; tầm cỡ và quy mô quốc gia hay thậm chí quốc tế.

“Bằng bàn tay tài hoa, khéo léo và cái nhìn rất riêng, giàu tính nghệ thuật của nhà điêu khắc, không khó để công chúng được chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc ở khu đô thị hay trung tâm thương mại, công viên… đó là các bức tượng danh nhân, phù điêu các dạng về hoa văn, chim thú… Mỗi tác phẩm đều mang một nét đặc trưng riêng và có giá trị thẩm mỹ, nhân văn sâu sắc. Đồng thời, đó cũng chính là điểm nhấn ấn tượng, tạo nên sự khác biệt cho không gian của mỗi công trình. Để đánh giá được một công trình điêu khắc, cần “mục sở thị” tác phẩm chứ không phải nhìn qua hình ảnh hoặc qua đánh giá của người khác”, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng bộc bạch.

Nghệ thuật điêu khắc, bằng bàn tay tài hoa của những nghệ sĩ, nghệ nhân đã khắc họa rõ nét những ý niệm nghệ thuật sâu xa, toát lên tinh thần nghệ thuật vì cuộc sống, vì niềm yêu thích thẩm mỹ của khán giả. Và dù được thể hiện bằng phong cách nào, tả thực hay trừu tượng, chất liệu gỗ hay đá thì tựu chung lại vẫn phải truyền tải tinh thần nhân văn, giáo dục, gợi lên khát vọng muôn đời về tự do, hòa bình, hạnh phúc và hướng tới góp phần xây dựng nền văn hóa, văn minh. 

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.