DẤU ẤN ĐIÊU KHẮC

Điêu khắc trong không gian đô thị

.

Quá trình phát triển kiến trúc đô thị, tác phẩm điêu khắc giữ vai trò quan trọng trong việc tạo dựng không gian công cộng cũng như tạo nên bản sắc văn hóa cho thành phố. Tuy nhiên, việc kết hợp này không phải lúc nào cũng dễ dàng bởi nếu làm không khéo, sẽ dễ dẫn đến xung đột cảnh quan hoặc suy giảm giá trị tác phẩm.

Đài tưởng niệm thành phố, một trong 8 công trình điêu khắc ngoài trời tại Đà Nẵng.  Ảnh: BÙI THANH LANG
Đài tưởng niệm thành phố, một trong 8 công trình điêu khắc ngoài trời tại Đà Nẵng. Ảnh: BÙI THANH LANG

Bảo đảm sự hài hòa

Đà Nẵng có 8 công trình điêu khắc ngoài trời, gồm Đài tưởng niệm thành phố, Tượng đài Mẹ Dũng sĩ, tượng danh nhân Lê Văn Hiến, Hồ Xuân Hương, tác phẩm Mẹ Âu Cơ, Đất lành chim đậu hay vườn tượng Công viên APEC, khu vực vỉa hè đường Bạch Đằng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chừng đó vẫn chưa đủ để tạo nên một Đà Nẵng ấn tượng và độc đáo về mặt mỹ thuật, điêu khắc. Đà Nẵng cần một sự thay đổi lớn nhằm mang lại sự hài hòa về không gian kiến trúc, điêu khắc cho thành phố. Trong đó đòi hỏi sự đầu tư toàn diện vào công tác quy hoạch, thiết kế lại không gian công cộng mà trước hết, cần tiến hành khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng tình trạng các công trình điêu khắc nhằm đưa ra những giải pháp cải thiện và tối ưu hóa.

Ông Hồ Đình Nam Kha, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng,  từng cho rằng, tượng, tượng đài và tranh hoành tráng là những công trình nghệ thuật có tính biểu tượng cao, được khắc họa một cách cô đọng bằng những đường nét, mảng khối, bố cục và đóng vai trò như một bảo tàng lịch sử, mỹ thuật ngoài trời mang tính thẩm mỹ, tính giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa cho cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, việc tạo ra những điểm nhấn đô thị bằng công trình tượng đài có quy mô phù hợp sẽ góp phần làm cho Đà Nẵng trở nên khác biệt so với nhiều đô thị khác. Hay nói rộng hơn là tạo ra một “thành phố của những tượng đài”.

“Nên hiểu đây là những tượng đài có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tương xứng với từng khu vực khác nhau trong đô thị chứ không hẳn tất cả đều là tượng đài đồ sộ, hoành tráng. Theo tôi, việc đặt thêm nhiều tác phẩm điêu khắc trong không gian đô thị cũng đồng thời khai thác được tiềm năng sáng tác của các nhà điêu khắc Đà Nẵng hoặc các nhà điêu khắc trong, ngoài nước thông qua trại sáng tác hoặc các cuộc thi được tổ chức hằng năm”, ông Kha cho hay.

Với đặc thù xây dựng thành phố du lịch, sự kiện, Đà Nẵng cần bảo đảm các yếu tố mỹ thuật cần thiết. Trước hết, thành phố cần có lộ trình thực hiện trên cơ sở bảo đảm hài hòa giữa các yếu tố điêu khắc - quy hoạch - kiến trúc. Nói cách khác, cần tích hợp các công trình điêu khắc vào cảnh quan đô thị một cách hài hòa và hiệu quả. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư và nghệ sĩ. Các công trình mới cần được thiết kế sao cho không chỉ tạo nên những điểm nhấn nghệ thuật mà còn phù hợp với tổng thể không gian và yếu tố thẩm mỹ cho cộng đồng.

Ông Kha nhìn nhận, Đà Nẵng trên thực tế vẫn đang thiếu không gian nghệ thuật điêu khắc đá tầm cỡ, chưa có công trình tượng đài phục vụ hoạt động văn hóa - du lịch cũng như chưa có kế hoạch làm mới các tượng đá nghệ thuật dọc hai bên sông Hàn. Để kiến trúc đô thị Đà Nẵng ngày càng ấn tượng thì việc tạo ra không gian xanh và khu vực công cộng có sự hiện diện của các tác phẩm điêu khắc là một yếu tố không thể thiếu. Những công viên, quảng trường hay khu vực ven sông có trưng bày tác phẩm nghệ thuật sẽ là nơi để người dân, du khách thư giãn, tận hưởng không gian xanh và khí hậu trong lành. Nói cách khác, sự kết hợp giữa nghệ thuật - thiên nhiên sẽ tạo ra những không gian đô thị sống động, hài hòa và đẹp mắt hơn.

Cần “tổng công trình sư” giàu kinh nghiệm, kiến thức

Tác phẩm điêu khắc ngoài trời hay vườn tượng ở công viên… là những công trình nghệ thuật mang tính cộng đồng, tạo nên bản sắc riêng cho từng khu vực, từng thành phố. Là tác giả nhiều công trình điêu khắc có giá trị, điêu khắc gia Đinh Gia Thắng cho rằng, giải pháp liên ngành là thật sự cần thiết để bảo đảm rằng các công trình điêu khắc không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà cần phù hợp với tổng thể không gian đô thị. Việc này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chuyên gia quy hoạch đô thị, kiến trúc sư và nghệ sĩ điêu khắc. Các chuyên gia quy hoạch đô thị giúp bảo đảm rằng tác phẩm điêu khắc sẽ được tích hợp hài hòa vào cảnh quan chung. Kiến trúc sư cần thiết kế không gian trưng bày sao cho tôn lên giá trị nghệ thuật của tác phẩm và tạo nên những điểm nhấn đặc biệt trong thành phố. Ở vai trò chủ đạo, người nghệ sĩ điêu khắc cần sáng tạo tác phẩm đẹp, có ý nghĩa văn hóa, kiến trúc, đồng thời phản ánh được tinh thần và bản sắc địa phương.

Cùng với đó, để bảo đảm yếu tố phát triển bền vững, không thể thiếu sự định hướng lâu dài từ những cơ quan quản lý. “Một bảng quy hoạch tổng thể về điêu khắc trong không gian đô thị là cần thiết để định hình rõ ràng mục tiêu và xu hướng phát triển. Quy hoạch này cần xác định khu vực phù hợp đặt tác phẩm điêu khắc, đồng thời nêu rõ tiêu chí lựa chọn, bảo dưỡng tác phẩm, giúp chúng luôn được duy trì ở trạng thái tốt nhất và không bị xuống cấp theo thời gian. Muốn làm được điều này, Đà Nẵng đang cần một “công trình sư” vừa có kiến thức về điêu khắc, mỹ thuật, kiến trúc, vừa có kiến thức về văn hóa, lịch sử của thành phố để sản phẩm làm ra không bị công trình kiến trúc “nuốt chửng”. Chỉ khi đó, các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc mới có thể phát huy hết vai trò mỹ thuật trong đời sống cộng đồng”, ông Thắng ví von.

Ghi nhận vai trò của tác phẩm điêu khắc trong không gian phát triển đô thị, năm 2021, Đà Nẵng thông qua đề án “Phát triển hệ thống điêu khắc ngoài trời thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, đặt mục tiêu đến năm 2030, thành phố sẽ có một hệ thống điêu khắc ngoài trời từ quận, huyện, phường, xã có chất lượng nghệ thuật cao, có không gian phù hợp kiến trúc cảnh quan, môi trường và phát huy được các giá trị chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Các tác phẩm điêu khắc ngoài trời sẽ được quy hoạch bố trí tại các công viên, quảng trường, các trục cảnh quan, đường dạo và khu vực công cộng, những tác phẩm mang yếu tố lịch sử sẽ được bố trí tại những địa điểm đã diễn ra sự kiện liên quan.

Đến thời điểm hiện tại, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị liên quan bố trí nguồn vốn cũng như quỹ đất phù hợp để thực hiện trong thời gian tới. Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng cho biết, nghệ thuật điêu khắc không đơn thuần là công cụ làm đẹp không gian đô thị mà trở thành phương tiện truyền tải giá trị văn hóa, lịch sử và giáo dục cộng đồng. Chính vì thế, việc xây dựng hệ thống điêu khắc ngoài trời giúp cụ thể hóa hình thức tôn vinh, tưởng niệm, lưu niệm nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cũng như làm giàu di sản văn hóa dân tộc. Qua đó tạo ra không gian điêu khắc và môi trường văn hóa, nghệ thuật mang bản sắc văn hóa xứ Quảng, phục vụ đời sống tinh thần của người dân hay khách du lịch trong và ngoài nước.

Để đạt được mục tiêu này, Đà Nẵng cần tổ chức các sự kiện, hội thảo, triển lãm điêu khắc nhằm khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong hoạt động điêu khắc. Bởi chỉ khi có sự đầu tư toàn diện, thu hút sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, kiến trúc sư, nghệ sĩ và cộng đồng, Đà Nẵng mới có cơ hội trở thành một thành phố hiện đại, văn minh và giàu bản sắc văn hóa.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.