DẤU ẤN ĐIÊU KHẮC

Người tạc tượng ký ức

.

Điêu khắc, hội họa và nói chung nghệ thuật đều dựa trên yêu cầu của cái đẹp, trong chiều sâu thẩm mỹ mà tác phẩm tạo ra. Mọi ý nghĩa đều phải bắt nguồn từ cái đẹp, không đẹp thì khó mà tồn tại, bởi chính “cái đẹp cứu thế giới” (F. Dostoyevsky). Nhưng cái khó là mỗi thời, mỗi người lại có cách tiếp cận và cảm nhận cái đẹp khác nhau, đó là chưa kể trường này phái nọ. Tác phẩm của nhà điêu khắc phải tái tạo đối tượng và hiện thực giống như nó đang có, nhưng chỉ như vậy thì nhiều người làm được. Làm sao tượng phải giống nhân vật, hiện tượng nhưng phải toát lên chiều sâu nội tâm, phải có thần thái, phải lấp lánh vẻ đẹp tâm hồn, phải mang thông điệp và tạo cảm xúc ngợi ca hoặc căm giận… Nghệ sĩ ở đâu và thời nào cũng là người tạo ra giá trị cho chính mình thông qua sáng tạo. Phạm Văn Hạng là một trong ít người làm được điều ấy trong thời của ông.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, đồng tác giả cầu Rồng bắc qua sông Hàn cùng với kiến trúc sư Thomas (người Mỹ). Ảnh: Tư liệu
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, đồng tác giả cầu Rồng bắc qua sông Hàn cùng với kiến trúc sư Thomas (người Mỹ). Ảnh: Tư liệu

Phạm Văn Hạng là người quen, thân nhưng rất lạ. Hầu hết những cây bút nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc đã viết về ông, ông có mặt khắp nơi và nơi nào cũng để lại dấu ấn khó phai, ông là người đã gặp một lần thì khó mà quên. Ông buộc người khác phải nhớ, nhưng cứ mỗi lần gặp lại là một sự lạ. Lạ từ cái tin nhắn cho đến bộ cánh tự thiết kế, từ cái khăn quàng cổ bất ly thân đến đôi mắt như có lửa, đầy đam mê và hút mọi ánh nhìn. Ông làm nên sự ngưỡng mộ, không chỉ trong nước và cả ở nước ngoài. Mới nhìn tưởng ông rối rắm nhân sinh nhưng khi đã gần mới thấy ở ông sự trầm mặc cây rừng.

“Chứng tích” - khát vọng hòa bình

Họa sĩ có thể không biết nhiều lắm về điêu khắc, nhưng khi muốn làm nhà điêu khắc thì nhất định phải giỏi hội họa, kiến trúc và cả… hóa học, không biết có phải vì vậy mà thế gian người vẽ thì nhiều hơn người tạc tượng? Mỹ thuật Đông Dương lừng lẫy với những Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Mai Trung Thứ, Nguyễn Gia Trí… nhưng sẽ lúng túng để tìm ra một nhà điêu khắc ngang tầm. Vì sao? Chẳng có ai đi phân tích nguyên do nhưng cảm nhận chung là con đường tạc tượng nó trần ai gian khổ. Bàn tay trên tượng đá thì các ngón không được xòe ra, còn trên đồng thì có thể, đó là hiểu biết khai tâm nhưng để làm được một bức tượng mà hình dáng cơ thể đại diện cho cả giống nòi, cho cả một thế hệ, lưu danh nhiều đời thì mấy ai làm được. Đã nhận vào mình cái việc đục chạm gò hàn để cho ra hồn phách, để cho người sau nghĩ, nhớ là một trong ít việc khó nhất ở đời.

Phạm Văn Hạng có tác phẩm triển lãm từ rất sớm. Bức “Chứng tích” (tên bức tranh do Trịnh Công Sơn đặt) của ông được trưng bày trong cuộc triển lãm năm 1970 tại Sài Gòn, nhưng phút cuối bị đưa khỏi không gian triển lãm. Lý do vì bức tranh ấy được làm bằng dây thép gai, xương người chết còn khô máu do bom đạn (được ngâm qua formon) mà ông lượm tại chiến trường Quảng Trị, nơi ông có mặt với tư cách người quay phim. Trong chiến tranh triệu triệu người tận mắt chứng kiến từng giờ xương thịt con người, bị đạn bom mà văng xa từng mảng, tận cùng kinh hãi nhưng không ai nghĩ tới việc đem từng mảnh con người ấy sắp đặt thành bức tranh, ta như nghe sự gào thét căm hờn và khát vọng khôn nguôi hòa bình. Có lẽ đông tây chưa có bức tranh nào giống như thế. Tuy công chúng không được xem nhưng bức tranh lại rất nổi tiếng và tên tuổi Phạm Văn Hạng được khẳng định từ dạo ấy, khi ấy ông ngoài hai mươi.

Khổ luyện với sự nhạy bén và sáng tạo

Tôi không biết chất Quảng Nam có ảnh hưởng như thế nào để có một tính cách Phạm Văn Hạng, có chút ương ngạnh, tài hoa, thông minh và rất chịu khó, dĩ nhiên là phải có việc cãi. Ở ông như có một bầu khí nóng lúc nào cũng sẵn sàng phản biện, có vẻ như ông bắt người khác phải lắng nghe mình nói, hùng biện, say sưa. Nhưng hơn tất cả là một con người luôn suy nghĩ, nung nấu một về một cái gì đó sắp làm. Mà làm cật lực, lúc nào cũng có cảm giác như một lực điền đang ngược xuôi trên cánh đồng ý tưởng, cho nên ta dễ đồng cảm điều Phạm Văn Hạng tâm niệm: Đau khổ là món quà lớn nhất dành cho người nghệ sĩ. Ông thành danh chủ yếu bằng con đường tự học, “có nhiều con đường để đi tới giấc mơ”, với ông đó là khổ luyện với một sự nhạy bén và một trực giác sáng tạo hiếm có.

Phạm Văn Hạng có 3 vườn tượng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt và Đà Nẵng. Hai cái vườn xa tôi chưa đến, nhưng cái “vườn đầu” ở Đà Nẵng tôi mấy lần được ngắm. Bao nhiêu là những cái đầu của những người nổi tiếng trong nước và thế giới được ông “thu thần” để thành sống động, những bức tượng ấy không phải để cho ta ngắm nhìn, mà chính những đôi mắt của những bức tượng kia đang tha thiết và nghiêm khắc nhìn ngắm chúng ta, đang xem, đang hỏi nhân gian về sự đúng sai, tốt xấu con người.
Tác phẩm của ông nếu tính lớn nhỏ lên cả ngàn. Các không gian học thuật như trường đại học, thư viện hoặc nơi công cộng đều có tượng những Quang Trung, Hàn Thuyên, A. de Rhodes… được dựng. Sự sáng tạo của ông làm cho không gian trở nên ấm áp, tạo điểm nhấn để nhắc nhở chúng ta cội nguồn và niềm tin con người. Cái khó của nhà điêu khắc không phải thiếu chủ đề, mà chính là thiếu cảm xúc theo ngôn ngữ của đá, của tượng. Còn một thứ cũng khó không kém là sự cảm thụ của người xem, của thủ tục và sự đồng lòng để tượng được bước ra khỏi “cái vườn” ươm vốn ngổn ngang khát vọng.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng. Ảnh: Tư liệu
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng. Ảnh: Tư liệu

Với thành phố Đà Nẵng

Ở Đà Nẵng ông có nhiều tượng, phù điêu nhưng nhiều người hay nhắc đến “Mẹ dũng sĩ”, “Đất lành chim đậu”, đầu và đuôi rồng của cầu Rồng. Đây là những công trình quen thuộc, được du khách gần xa đón nhận. Rồng ai cũng biết nhưng chưa ai thấy, KTS Tây vẽ rồng theo cảm nhận người Tây, bảo đảm theo quy ước kỹ thuật nhưng không có thần thái của rồng. Phạm Văn Hạng là người cãi, chỉ ra cái bất hợp lý về tỷ lệ và nhất là hình tượng rồng Tây. Cuối cùng, phương án của Phạm Văn Hạng được chọn. Rồng đây là rồng Việt Nam, điển hình cung điện triều Lý, cũng là biểu tượng Thăng Long (Rồng bay). Đầu và đuôi rồng của Phạm Văn Hạng lớn gấp ba thiết kế cũ, hùng dũng nhưng gần gũi, mạnh mẽ thể hiện khát vọng của một Đà Nẵng đổi mới. Nếu ai để ý thấy ở đuôi rồng hình hai quả tim như muốn nói với dòng sông, với cuộc đời về sự nhân hậu và yêu thương.

Tượng “Đất lành chim đậu” dựng tại vòng xoay đường Bạch Đằng - Như Nguyệt (quận Hải Châu) gồm tượng các chim bồ câu xúm xít bên nhau, hài hòa và rất nhiều sức cảm. Ý tứ thì đã rõ, một bầy chim bồ câu tượng trưng cho khát vọng hòa bình, cho một Đà Nẵng mời gọi du khách muôn phương, hãy đến đây và cùng lan tỏa, cùng “giữ gìn nhau vui thuở thanh bình”.

Một tượng cũng vào loại lớn nhất nằm cửa ngõ phía tây thành phố, “Mẹ dũng sĩ” được làm bằng bảy ngàn vỏ đạn đại bác. Ta biết đạn đại bác sau khi bắn còn cái vỏ tròn, Phạm Văn Hạng cho cắt và tán bằng phẳng, trên từng ô vuông nhỏ ấy, ông đã khằn lại dựng lên một bức tượng đồng uy nghi, đôi mắt kiên nghị, mái tóc và “bàn tay mẹ chỉ về phương mặt trời”. Đây là bức tượng thể hiện lòng biết ơn một người mẹ cụ thể ở Thanh Khê, nhưng cũng là hình tượng chung của những Bà mẹ Việt Nam kiên trung và yêu nước thương nòi. Ròng rã gần cả năm trời Phạm Văn Hạng treo mình trên giàn cao, suốt ngày gò, tán… bắt những tấm đồng vốn dĩ mang chết chóc đau thương xưa giờ quay về cõi thiện. Tượng “Mẹ dũng sĩ” cũng chính là nơi neo giữ những tấm lòng của hậu thế với người xưa.

Phạm Văn Hạng không chỉ có tượng, dù đó là mảng chính cuộc đời sáng tạo của ông, ông vẽ khá nhiều, dẫu trong số đó nhiều bức còn dạng phác thảo. Tượng nghiêng về lý trí, đường nét theo quy luật hình khối… mỗi khi bất lực trước toan màu và đường khối của tượng đồng bia đá ông giải tỏa tâm trạng bằng thơ, một lĩnh vực ta có cảm giác ông dành nhiều thời gian chăm chút. Có chút gì triết lý, phảng phất mùi vị haiku, nhất là sự trăn trở nhân sinh: “Đất trời không giấu mặt/ Đời người mãi thực hư/ Để rồi đôi lúc mệt mỏi ta cất tiếng thở dài/ Tóc thành mây trắng”. Thơ rất nhiều người làm, nhưng thơ được khắc nổi trên ba mươi tấm đồng thành một quyển nặng cả chục kg có lẽ không mấy người có.

Một lần ăn sáng mì Quảng, ông dặn người bán: “Mì Quảng phải có mấy con tôm rim thấm tháp, trên bát mì phải có màu xanh của rau, màu vàng màu đỏ của nhưn, nhưng nhất định phải có dầu phụng và nén…”. Tôi im lặng lắng nghe và chợt thấy ông chưa thể ngoài bát thập (ông sinh năm 1942). Ông vẫn hồn nhiên và sôi nổi vô cùng, nghĩ về ông mà cảm thấy thấm thía “Để có một giây ngạc nhiên nhiều khi người ta phải lao động vì nó suốt đời”.

MAI LANG

;
;
.
.
.
.
.