Đẹp thay, những tấm lòng…

.

Đà Nẵng là một trong vài tỉnh, thành phố hiếm hoi của cả nước có Bảo tàng Mỹ thuật (cùng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế). Bước vào tuổi lên mười (2014-2024), Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng từng bước khẳng định chỗ đứng vững vàng của mình, trở thành địa chỉ văn hóa đặc sắc - điểm đến thú vị cho giới nghệ sĩ tạo hình, công chúng yêu thích nghệ thuật thị giác và du khách gần xa…

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng mở niêm phong nguồn tranh Lê Bá Đảng do vợ chồng nhà phê bình mỹ thuật Thụy Khuê hiến tặng. Ảnh: ANH ĐÀO
Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng mở niêm phong nguồn tranh Lê Bá Đảng do vợ chồng nhà phê bình mỹ thuật Thụy Khuê hiến tặng. Ảnh: ANH ĐÀO

Để Bảo tàng Mỹ thuật trở thành địa chỉ văn hóa đặc sắc, một điểm đến thú vị, hằng năm, chính quyền thành phố đều dành một khoản kinh phí nhất định để mua sắm tác phẩm nghệ thuật nhằm trưng bày phục vụ khách tham quan, học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, việc mua tác phẩm như vậy chưa thể đáp ứng yêu cầu, cả số lượng lẫn chất lượng. Trong bối cảnh đó, tình yêu nghề nghiệp của giới nghệ sĩ tạo hình, của các nghệ nhân cùng các nhà hảo tâm đã góp phần quan trọng tạo nên sự tươi mới, sinh động và hấp dẫn cho bảo tàng chuyên đề độc đáo này.

Ngay trong ngày khánh thành, Bảo tàng Mỹ thuật được họa sĩ Trần Khánh Chương, cố Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, tặng 30 bức tranh có giá trị để làm tài sản ban đầu. Kế đó, nhiều họa sĩ ở Đà Nẵng và các địa phương bạn như: Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bình Dương… vui vẻ nhận lời mời đến Đà Nẵng dự trại sáng tác rồi để lại tác phẩm có giá trị cho Bảo tàng Mỹ thuật. Các họa sĩ được công chúng biết đến nhiều như Vĩnh Phối, Trương Bé, Hồ Hữu Thủ, Dương Sen, Trần Nguyên Đán, Lê Thánh Thư, Lê Vấn, Lê Văn Duy, Nguyễn Thiện Đức… đã hiến tặng hoặc để lại tác phẩm cho Đà Nẵng bằng cả tấm lòng của mình.

Đặc biệt, Bảo tàng trân trọng tấm lòng của những người con xa xứ vốn là những nghệ sĩ tài năng. Đó là nhà điêu khắc, họa sĩ Lê Công Thành, người được mệnh danh là “vị thần cai quản phái đẹp”, bởi trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của ông, chủ đề người phụ nữ là sợi chỉ xuyên suốt. Ông là người Đà Nẵng chính hiệu, xa quê từ thuở thiếu thời, hoạt động nghệ thuật và thành danh trên đất Bắc. Quê hương luôn sống trong tâm thức ông. Những năm cuối đời, nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước tìm đến ông ngỏ ý mua nhiều tranh tượng, nhưng ông và gia đình khéo léo từ chối để ưu tiên dành tặng cho quê hương những đứa con tinh thần tiêu biểu nhất của mình. Phòng trưng bày đặc biệt dành cho họa sĩ Lê Công Thành ở Bảo tàng Mỹ thuật thể hiện quê hương nghĩa nặng tình sâu.

Một nghệ sĩ người Đà Nẵng khác là họa sĩ Vĩnh Khoa, sống và hoạt động nghệ thuật lâu năm ở châu Âu. Ông nổi tiếng với nghệ thuật truyện tranh. Tên tuổi ông được khẳng định qua nhiều giải trưởng truyện tranh lớn ở nước Bỉ và châu Âu. Ông đã về quê hương Đà Nẵng triển lãm rồi dành toàn bộ bản gốc bộ tranh tiêu biểu nhất của mình gồm 60 bức để tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật. Quý thay một tấm lòng!

Giữa năm 2023, một cơ duyên tuyệt vời khi có đến 253 tác phẩm và hiện vật kèm theo của danh họa, nhà điêu khắc Lê Bá Đảng, từ Pháp đã được chuyển về Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Danh họa đã trở thành người thiên cổ, nhưng người đại diện cho ông là vợ chồng ông bà Lê Tất Luyện - Thuỵ Khuê, trí thức Việt kiều ở Pháp, kết nối với PGS.TS Lâm Nhân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, xúc tiến thành công việc trao tặng đầy tình nghĩa nói trên.

Họa sĩ lão thành Vũ Trọng Thuấn cũng là Việt kiều ở Pháp, vì say lòng Đà Nẵng nên quyết định dừng chân nơi đây trong một thời gian khá dài để sáng tác. Phòng tranh của ông trên đường Trần Hưng Đạo, phía hữu ngạn sông Hàn luôn là địa chỉ tìm đến của du khách trong và ngoài nước. Khi tuổi cao, sức yếu, phải trở lại nước Pháp, ông đã dành tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng 30 bức tranh tiêu biểu, chủ yếu là tranh sơn mài, để làm kỷ niệm.

Mark Cooper là nghệ sĩ tạo hình tên tuổi, đồng thời là giảng viên mỹ thuật tại nhiều trường đại học danh tiếng ở nước Mỹ. Ông từng tổ chức triển lãm ở nhiều nước trên thế giới, nhưng khi đến Đà Nẵng, ông bị chinh phục hoàn toàn. Sau khi cùng với họa sĩ Vũ Trọng Thuấn tổ chức thành công cuộc triển lãm với chủ đề “Chiếc Cầu”, ông đã sáng tác và tặng cho Đà Nẵng bức tượng bằng đá cẩm thạch theo phong cách đương đại, nặng đến 8 tấn, với tên gọi là “Vô biên”. Bức tượng nặng tình nghĩa này hiện đang được đặt trang trọng trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật.

Còn nhà sưu tập người Nhật Toyochi Ytoh lại có một ứng xử khác, vô cùng hào phóng. Ông vốn là doanh nhân và có tâm hồn nghệ sĩ. Gần 30 năm đến làm ăn và du lịch ở Việt Nam, ông miệt mài vào Nam ra Bắc tìm mua tác phẩm mỹ thuật Việt Nam qua các thời kỳ. Bộ sưu tập tranh của ông ngày càng dày lên với 250 tác phẩm, trong đó có tranh của các danh họa thời Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên, Tú Duyên… Tuổi cao, ông đã tặng bộ sưu tập tranh quý giá nói trên lại cho quê hương của nó là Việt Nam. Và rất thú vị là Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng vinh dự được ông chọn để tặng. Hiện Bảo tàng dành riêng một không gian trưng bày tranh của ông Toyochi Ytoh hiến tặng để thể hiện sự biết ơn trước nghĩa cử rất đẹp này.

Ngoài ra, một số nhà quản lý và nghệ nhân ở các địa phương bạn, với tình cảm quý mến dành cho Đà Nẵng, đã không ngần ngại trao tặng những tác phẩm, sản phẩm mỹ thuật để góp phần làm cho bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật ngày càng đầy đặn và thêm phần hấp dẫn. Đó là tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, đã tặng đến 300 hiện vật với gần đủ các dòng tranh dân gian tiêu biểu từ Bắc chí Nam. Đó là NSND Trần Duy Mong, người làm nghề kim hoàn nổi tiếng ở cố đô Huế và miền Trung, đã hiến tặng một bộ sưu tập nghề kim hoàn cùng nhiều sản phẩm mỹ nghệ đặc sắc, tạo nên một không gian trưng bày khá ấn tượng tại Bảo tàng. Đó là NSƯT Năm Tịnh, một người nổi tiếng về lĩnh vực sơn mài ở Bình Dương, đã hiến tặng Bảo tàng một bộ sưu tập gồm 30 hiện vật đặc sắc mà ông đã cất công sưu tầm trên 40 năm nay.

Lên mười là tuổi mới qua vòng thơ bé, nhưng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng vẫn bước vào đời sống văn hóa tinh thần của thành phố bên sông Hàn này một cách tự tin, vững vàng. Ngoài sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ những người trực tiếp làm công tác văn hóa, công tác bảo tàng, còn có tấm lòng mến yêu và sự hào phóng của nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân và các nhà hảo tâm trong và ngoài nước dành cho thiết chế văn hóa quan trọng này.

NSND HUỲNH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.