Địa danh được đặt theo tên phụ nữ

.

* Theo tôi được biết thì “Bà Rịa” trong địa danh Bà Rịa - Vũng Tàu là một phụ nữ. Xin cho hỏi, bà có hành trạng như thế nào mà được đặt tên cho tỉnh này? (Lê Ngọc Trâm, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

Mộ Bà Rịa ở xã Tam Phước, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: ST
Mộ Bà Rịa ở xã Tam Phước, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: ST

- Tên của bà Rịa được đặt cho các địa danh thành phố Bà Rịa và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay.

Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, bà Rịa (1665-1759) là người Phú Yên. Năm 15 tuổi, bà có mặt trong đoàn lưu dân từ Dinh Trấn Biên (Phú Yên) vào Nam lập nghiệp. Khi đặt chân đến vùng đầm thiêng, nước độc, nhiều thú dữ, địa hình phức tạp này, bà cùng dân chúng lao vào công cuộc khai hoang mở đất, lập làng ở vùng Đồng Xoài, nay thuộc xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa. Dần dần, bà mở rộng phạm vi khai hoang ra vùng Gò Xoài - Phước Liễu, nay thuộc xã Tam An, huyện Long Điền, rồi tiếp tục mở đất đến Láng Dài, nay thuộc huyện Đất Đỏ và hướng về vùng biển Xuyên Mộc.

Đặc biệt, vào năm Mậu Dần (1688) bà đã huy động và chỉ huy dân chúng trong vùng sửa chữa cầu cống, đường sá bị hư hại nặng sau trận bão lụt. Giúp cho quân của Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh nhanh chóng vượt qua vùng Phước Liễu hoàn thành sứ mệnh kinh lược đất, chia đông phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên.

Bà Rịa không rõ họ gì, nhưng do có công lớn trong việc khai hoang lập ấp, bà được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1752) phong tước Hàm Nghè và sắc phong ban họ chúa. Vì thế, bà có tên Nguyễn Thị Rịa.

Bà Rịa sống qua 5 đời chúa Nguyễn và mất vào năm 1759 (dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát) tại Hắc Lăng, Phước Liễu, nay là xã Tam Phước, huyện Long Điền, hưởng thọ 94 tuổi.

Về việc hình thành địa danh Bà Rịa, tác giả Nguyễn Nam trong một bài viết về nội dung này đăng trên baodulich.net.vn (Báo Du lịch - Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết thêm rằng, ở xã Tam Phước (huyện Long Điền) có mộ Bà Rịa rất rộng lớn. Bên trái là Điện thờ “Bà Rịa Tiên nữ Nương nương”. Khu mộ Bà Rịa, được tôn tạo năm 2010. Bốn góc mộ có bốn trụ xi măng, đầu trụ nào cũng được tạo hình bông sen. Một đầu mộ có bia ghi: “Mộ Bà Rịa”. Đầu mộ bên kia là tấm bia ghi bốn chữ Hán, có nghĩa “Bà Rịa tiên nương”, chữ vàng trên nền đỏ. Hai bên bia là hai câu liễn chữ đỏ nền vàng.

Bà Rịa suốt đời không chồng nên sau khi bà mất, 300 mẫu ruộng do bà khẩn hoang được sung công điền và chia cho người nghèo. Nhớ công ơn bà, nhân dân lập mộ bia, dựng miếu thờ ở xã Tam An, huyện Long Đất (nay là xã Tam Phước, huyện Long Điền).

Thời binh lửa cho tới năm 1945, khu mộ Bà Rịa bị bỏ hoang phế. Cho mãi tới năm 1972, nhân phong trào phục hưng xứ sở (xem xét lại việc thờ cúng với những người có công với nước), chính quyền sở tại cho trùng tu lần 2 khu mộ của Bà Rịa. Nhằm ghi khắc công lao của bà, nhân dân đã lập mộ thờ cúng và tôn vinh trong câu đối ghi trên bia của bà: “Bà Rịa anh linh di vạn cổ/ Nương nương hiển hách chứng thiên kim”.

Bà không phải vua chúa, cũng không phải bậc khai quốc công thần mà chỉ là một người dân bình thường. Dẫu vậy, với tố chất mạnh mẽ, quyết đoán và có tài chỉ huy cộng đồng, bà đã kiến tạo nên làng mạc trù phú. Từ công đức đó, tên Bà Rịa về sau đã được ghép thành tên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khi tỉnh này thành lập năm 1991. Năm 2012, tên bà được đặt cho thành phố trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh, đó là thành phố Bà Rịa.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.