"Điện ảnh mà là di sản á?"

.

Đó là tên gọi của tọa đàm vừa diễn ra tại Đà Nẵng vào tối 4-7 với sự góp mặt của các diễn giả: đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, NSND Lan Hương, NSƯT Chiều Xuân, đạo diễn Leon Lê, nhà báo Nguyệt Linh. Đà Nẵng cuối tuần có cuộc trao đổi sâu hơn về nội dung này cùng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - người tổ chức sự kiện.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp theo đuổi dự án phục chế phim nhựa kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Ảnh: NVCC
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp theo đuổi dự án phục chế phim nhựa kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Ảnh: NVCC

* “Điện ảnh mà là di sản á?” - một câu hỏi vừa thú vị lại vừa “đớn đau”, chị có thể chia sẻ thêm về tên gọi của tọa đàm?

- Đây thực ra là câu tôi hay nghe người khác đáp lại mỗi khi tôi bắt đầu nói rằng di sản điện ảnh quý giá thế nào. Tôi nghe nhiều lần quá, đến nỗi từ chỗ hơi bực bực đến chỗ thấy yêu yêu. Vì sau câu nửa hỏi nửa cảm thán này thì tôi có thêm thời gian và sự quan tâm mà người khác dành cho để mình tiếp tục trình bày rằng điện ảnh tất nhiên là di sản rồi, tại sao thế nào... Và vì mệnh đề này quá quen thuộc với tôi mấy năm nay nên khi xây dựng dự án “Bảo tồn di sản điện ảnh thông qua phục chế thí điểm phim truyện nhựa kinh điển Việt Nam” thì tôi chọn luôn câu cửa miệng mình nghe suốt ngày làm tên gọi cho chuỗi hoạt động, tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của điện ảnh với tư cách là một di sản văn hoá. Tôi dự định sẽ thực hiện chuỗi tọa đàm này thêm vài năm nữa.

* Thuật ngữ “di sản điện ảnh” hiện nay được nhìn nhận ra sao, thưa chị?

- Tôi dùng nhiều, nhiều đến nỗi network (các mối quan hệ xung quanh - PV) của tôi bị lây, họ cũng kệ cho mình dùng, rồi họ tham gia hội thảo, tọa đàm cùng mình thì dần dà họ cũng dùng theo. Network của tôi mở rộng chầm chậm nhưng không ngừng lại. Còn nói rộng ra, ở Việt Nam thì tôi phỏng đoán thuật ngữ hay khái niệm này vẫn còn chưa phổ biến, chưa thật sự đi vào lời ăn tiếng nói, nếp nghĩ thường ngày của quần chúng nhân dân. Giới làm phim và các giới khác thực ra tôi lại không thấy có nhiều khác biệt. Người làm phim cũng nhiều người không quan tâm lắm đến khía cạnh lưu trữ, bảo tồn, phục chế, bồi đắp hay nghiên cứu phim ảnh ở góc độ di sản. Ngược lại, có cộng đồng những người trẻ học di sản, nghiên cứu văn hoá nghệ thuật... thì ngày càng thoải mái và thân thuộc với di sản điện ảnh hơn.

Di sản điện ảnh - Film Heritage là khái niệm có từ lâu trên thế giới. Nhưng kể cả vậy, nó cũng không ngăn chặn được sự mai một, xói mòn, hư hại, biến dạng, biến mất của những cuốn phim, những di sản điện ảnh. Nó cũng không đảm bảo rằng điện ảnh luôn được nâng niu, bảo vệ đủ tầm mức ở mọi nơi trên thế giới. Những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho công chúng về di sản điện ảnh vẫn luôn được chú trọng ngay ở những nơi có lịch sử lâu đời về lưu trữ, bảo tồn di sản. Song song, các hoạt động phát huy giá trị di sản điện ảnh vẫn luôn được tiến hành. Nghĩa là không nên nghĩ rằng ở nước ta thì kém, ở nước tây thì tốt. Mà nên thấy đây là hành trình tây hay ta đều phải nỗ lực rất rất nhiều để tiếp tục đi cùng nhau, để tiếp tục duy trì sự sống cho di sản đặc biệt mang tên điện ảnh.

* Chị đánh giá như thế nào về công tác bảo tồn di sản điện ảnh và phục chế phim ở Việt Nam hiện nay?

- Công tác bảo tồn thì nó rộng, hiện trong luật di sản của ta cũng chưa xếp điện ảnh vào ô di sản. Sắp tới, luật sửa đổi thì điện ảnh sẽ thuộc nhóm di sản tư liệu, có lẽ sẽ có gì đó thay đổi. Còn hiện tại ở Việt Nam, có lẽ nên gọi là công tác lưu trữ, do viện phim Việt Nam đảm trách. Công tác này thì khách quan mà nói là tốt một cách đặc biệt nếu so sánh với một số quốc gia trong khu vực mà tôi từng có cơ hội tham khảo.

Điện ảnh của chúng ta được Nhà nước bao cấp trong một giai đoạn rất dài, đến nay công tác lưu trữ vẫn hoàn toàn được bao cấp - dù công tác này rất tốn kém. Các quy định ngặt nghèo của viện phim đảm bảo để phim đã vào kho là khó lòng mà hư hao mất mát... (nhưng tất nhiên không thể ngăn cuốn phim già đi).

Có lẽ trước cả khi có một sự đường hoàng công nhận về mặt khái niệm với di sản điện ảnh thì những cuốn phim tại viện phim Việt Nam thực sự được đối đãi như những tài sản văn hóa vô giá. Tôi mạnh dạn nói điều này, vì quá trình ngắn ngủi học hỏi và làm việc với các anh chị bên viện phim. Nhìn rộng ra trong khu vực, bộ sưu tập phim của điện ảnh Nhà nước đang nằm trong kho lưu trữ quốc gia là một bộ sưu tập lớn, đồ sộ, đồng bộ, khá nguyên vẹn và mang rất nhiều đặc điểm - tính chất riêng có - nhiều giá trị nổi bật xứng đáng để tiến tới ghi danh như một di sản văn hoá tầm cỡ thế giới.

* Và ai hay cần phải làm gì để thay đổi thực trạng này?

- Tôi không thể nói ai sẽ là người thay đổi thực trạng, cũng như không thể đổ trách nhiệm lên đầu cộng đồng chung chung. Nhưng sự thật là cộng đồng (bao gồm cả nhà làm phim, chuyên gia, cả nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách) rất cần được nâng cao nhận thức để ít nhất không bật ra những câu thảng thốt rằng: "Điện ảnh mà là di sản á?". Hoặc có những kết luận kiểu phim nhựa giờ không đâu chiếu và đã có bản số hoá (lem nhem, chất lượng thấp trôi nổi đâu đó rồi) nên mốc, hỏng thì cũng không phải nguy cơ gì quá lớn.

Thật sự thì Nhà nước đã gánh trách nhiệm này trước cả khi có sắc lệnh thành lập ngành. Đến nay, Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì. Nhưng có lẽ cũng cần một sự đổi mới sâu sắc, toàn diện ngay trong chính việc mà Nhà nước bấy lâu nay vẫn luôn luôn gánh vác. Có lẽ cần phải nghĩ đến hợp tác công tư, có lẽ cần phải áp dụng các mô hình, các bài học của nhiều quốc gia khác trong việc bắt tay với cộng đồng nhằm đạt tới mục đích cao nhất: các cuốn phim gốc cần được duy trì sự sống trong điều kiện đảm bảo. Các bản scan chất lượng cao từ phim gốc cần được thực hiện càng sớm càng tốt để từ đó tiến hành công tác phục chế và các hành động bảo tồn và phát huy được giá trị của di sản điện ảnh sẽ được thực thi.

* Chị có thể chia sẻ thêm về hành trình theo đuổi dự án bảo tồn di sản điện ảnh của mình?

- Lâu quá nên tôi cũng quên mất từ đầu thế nào, chỉ nhớ cách đây 3 năm, tôi thuyết phục nhà quay phim, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hữu Tuấn dắt mình đến gõ cửa viện phim để đặt vấn đề về việc nghiêm túc áp dụng một quy trình chuẩn cho số hóa và phục chế phim truyện nhựa. Chú Tuấn lúc đó vừa qua cơn tai biến, bước đi chầm chậm trên hè phố Hà Nội những ngày sát Tết. Trời thì mưa bụi, mà chuyện thì không thành. Nhưng tôi vẫn cố chấp xây dựng dự án cho bằng được. Tôi tìm cách thuyết phục quỹ đổi mới sáng tạo tập đoàn Vingroup - Vinif tài trợ nhưng trượt vì dự án mơ hồ, thiếu chắc chắn. Cảm giác như mọi việc đều khó kiểm soát để đạt được mục đích cuối cùng là thử nghiệm phục chế được 2 cuốn phim truyện nhựa.

Tôi đi học thạc sĩ di sản học, quyết tâm hiểu rõ ngọn nguồn ở hướng học thuật thay vì chỉ áp dụng quy trình trong sản xuất phim mà mình đã thuộc nằm lòng. Rồi vụ 300 cuốn phim xảy ra, tôi viết lá thư rất dài gửi tới Vinif và xin nộp lại dự án của mình. Đến lần này, sau nhiều vòng thử thách, cuối cùng Vinif đồng ý tài trợ cho nghiên cứu và thử nghiệm của tôi. Lúc nhận tin, tôi lo lắng đến nỗi quên cả vui mừng. Vì sâu thẳm tôi rất mong có người giúp đỡ - nhất là khi sự giúp đỡ ấy đến từ một quỹ bảo trợ khoa học và uy tín. Nhưng tôi biết dự án này mạo hiểm và khó khăn. Tôi một mặt không thể không làm vì mình không làm thì ai sẽ làm? Nhưng làm thì... cứ luôn phải nói với bản thân rằng tôi ơi đừng tuyệt vọng.

* Hành trình này hẳn nhiều trắc trở nhưng cũng lắm niềm vui?

- Niềm vui là lần nào làm sự kiện cũng rất đông vui và thành công, niềm vui nữa là năm nay lần đầu tiên dự án đến Đà Nẵng, sau đó sẽ là Huế và Thành phố Hồ Chí Minh. Ở mỗi nơi dự án đi qua, chúng tôi đều có thêm cộng sự - thêm những tình nguyện viên - thêm những người yêu phim - yêu di sản điện ảnh. Niềm vui là dự án khá đặc thù này nhưng được rất nhiều nhà tài trợ giúp đỡ, thậm chí ngay cả các thương hiệu tưởng không liên quan, nhưng họ lại nhìn dự án như một sự nỗ lực đáng quý trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Nghĩa là dự án thực sự trở thành một dạng thức chung tay và có độ lan tỏa xã hội tốt - điều tôi luôn muốn thực hành khi triển khai tất cả các kế hoạch của mình.

* Với tọa đàm “Điện ảnh mà là di sản á?”, chị mong muốn điều gì?

- Tôi mong cộng đồng cùng nâng cao nhận thức về giá trị của điện ảnh với tư cách là một di sản văn hóa rất đặc biệt; từ đó sẽ hành động hoặc tham gia vào các hành động thiết thực nhằm bảo tồn di sản và phát huy giá trị của di sản. Tôi cũng muốn nhắc mọi người rằng, Việt Nam đang sở hữu một khối tài sản quý báu mà nếu mất đi thì sẽ một đi không trở lại - sự mất đi ấy sẽ kéo theo những mất mát không thể tưởng tượng được về nhiều mặt. Nhắc mọi người rằng, những cuốn phim nhựa thực sự đang già đi, vụ án 300 cuốn phim chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm, còn rất nhiều những cuốn phim quý giá đã đang và sẽ tiếp tục cần được "cứu" và duy trì sự sống. Mà trong khi đó, nhân sự trực tiếp làm công việc này ngày một ít đi.

Tôi chỉ có một điều ước, rằng cánh cửa của cơ chế sớm rộng mở, rằng cơ hội hợp tác công tư sớm thành hiện thực để những dự án như dự án của tôi có nhiều hơn và thuận lợi hơn. Tôi cũng ước có nhiều đơn vị như quỹ Vinif hơn để chắp cánh cho các dự án bảo tồn di sản văn hóa lịch sử.

* Cảm ơn những chia sẻ chân thành của chị.

"Cảm xúc ban đầu khi biết 300 cuốn phim hư hỏng nặng tại Hãng phim truyện Việt Nam thì tôi quên rồi. Sau đó hơn một năm, tôi quay trở lại, cửa kho vẫn khóa kín, những gì là di sản của một thời đã hoai mục và nay tiếp tục hoai mục trong lúc các bên bối rối chưa biết ứng xử làm sao. Đã hơn năm rồi, sự bối rối vẫn ở đó. Quên đi thì không được, mà nhớ đến thì cũng chẳng biết phải làm sao, tình thế lưỡng nan cho tất cả các bên chỉ vì vào lúc rất cần một sự dứt khoát - quyết đoán - phân xử rõ ràng - thì chúng ta đã hoàn toàn không có” - Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

TRÂM ANH thực hiện

;
;
.
.
.
.
.