Gìn giữ giọng nói đặc trưng làng biển

.

Ngôn ngữ đặc trưng của ngư dân làng biển không chỉ có vai trò trong giao tiếp hằng ngày khi đi biển mà còn được sử dụng trong lời ru, tiếng hát như bá trạo, bài chòi… Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã tác động mạnh mẽ đến ngôn ngữ địa phương, dẫn đến nguy cơ làm mai một bản sắc văn hóa làng biển vốn có từ lâu đời của cộng đồng cư dân ven biển. Việc nghiên cứu và gìn giữ ngôn ngữ đặc trưng của người dân vùng biển sẽ góp phần bảo tồn văn hóa địa phương.

Hiện nay, một bộ phận ngư dân đang theo nghề đánh bắt hải sản vẫn còn sử dụng những câu nói dân gian để truyền đạt những kinh nghiệm đối đầu với sóng gió khi đi biển. Ảnh: T.A
Hiện nay, một bộ phận ngư dân đang theo nghề đánh bắt hải sản vẫn còn sử dụng những câu nói dân gian để truyền đạt những kinh nghiệm đối đầu với sóng gió khi đi biển. Ảnh: T.A

Bài 1: Nét duyên từ ngữ của ngư dân ven biển

Văn hóa dân gian làng biển Đà Nẵng vừa mang đặc trưng chung của văn hóa biển xứ Quảng nhưng cũng có những đặc trưng riêng. Đặc biệt, ngôn ngữ của người dân có nét khác biệt ngay giữa các làng biển bởi dân cư mỗi làng có nguồn gốc địa phương khác nhau. Chẳng hạn, cư dân làng biển Tam Thuận (Thanh Khê), Thanh Bình (Hải Châu) chủ yếu gốc Huế; cư dân làng biển Hòa Hải (Ngũ Hành Sơn) có nguồn gốc chủ yếu là Quảng Nam… Do vậy, ngôn ngữ sử dụng của người dân ở mỗi làng biển cũng rất đa dạng và phong phú.

“Âm sắc lạ” trong ngữ điệu

Khi đến làng Nam Ô (quận Liên Chiểu) để tìm lại giọng nói xưa, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về cách dùng từ ngữ trong sinh hoạt hằng ngày của ngư dân nơi đây. Qua chia sẻ của ông Đặng Dùng (74 tuổi, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) - người kể chuyện làng Nam Ô, chúng tôi hiểu rõ hơn những nét thú vị của ngôi làng này. Người Nam Ô phát âm chuẩn nhưng mộc mạc, biển dã, quê mùa. Âm thanh phát ra khi dân làng nói chuyện sẽ ngà ngạ, rặn trong cổ họng. Ông Dùng cho biết: “Để tiếp xúc với người Nam Ô, hãy giữ tâm thế bình tĩnh bởi cách “ăn to nói lớn” của họ. Sống với biển lâu đời, phải đối mặt với thiên nhiên cuồng nộ khiến dân làng hình thành nên cách nói ấy”.

Quả thật, ở làng Nam Ô, “tài sản” quý giá nhất truyền từ đời cha đến đời con có lẽ là kinh nghiệm đối đầu với sóng gió. Họ truyền đạt cho nhau qua những câu nói dân gian. Đến nay, một bộ phận ngư dân còn theo nghề đánh bắt hải sản vẫn còn sử dụng những câu như “Đời ông cho chí đời cha/ Mây phủ Sơn Chà không gió thì mưa”, “Mây phủ sườn bắc bất chồm, mây đắp sườn nam nồm rộ, Sơn Chà đội mũ là gió đông mềm”… Tuy là những câu nói nghe tưởng chừng đơn giản nhưng lại giúp người đi biển quyết định cách làm nghề hợp lý.

Đặc biệt nơi đây, nghề biển được cho là nghề “ăn cơm dương gian làm việc âm phủ”. Ông Dùng cũng như nhiều ngư dân khác, họ rất tin vào sự may rủi. Điều đó là do siêu nhiên, thần linh phù hộ. Với dân làng biển Nam Ô, các con vật được xem là mang lại điều xui xẻo nên họ cũng sử dụng một từ khác để né tránh như con dích (hay vích, rùa biển) sẽ gọi là con dè (hay vè), con khỉ gọi là con lanh, con trút gọi là con vảy, con đẻn (rắn biển) gọi là con dây, cá voi gọi là Ông Ngư hay Lịnh Nam Hải và Ngài. Trong làng khi có người mất thì cho là "nghỉ lưng". “Qua khảo sát và ghi chép, rất mừng là kho từ vựng nghề biển Nam Ô vẫn vậy. Vẫn giữ được ‘âm sắc khác lạ’ trong ngữ điệu, điệu tính và một lượng từ vựng tưởng đã vơi đi ít nhiều. Rồi đây, ngư dân làng Nam Ô sẽ ‘đô thị hóa’ chính mình. Người ta sẽ nói với nhau bằng ngôn ngữ đô thị, giao tiếp với nhau bằng từ vựng phổ thông. Có lẽ, âm sắc ngôn ngữ sẽ được ‘cách tân’, không còn khác lạ nữa. Từ đó, số lượng từ vựng của người biển sẽ ngày càng mai một, mất đi”, ông Đặng Dùng trăn trở.

Tính đến nay, làng biển Thanh Khê đã hình thành và phát triển gần 4 thế kỷ. Trải qua bao đổi thay, vùng đất này ngày càng thay da đổi thịt. Ông Lê Văn Lễ (80 tuổi), trưởng ban sắp xếp nghi lễ cúng bái làng Thanh Khê, quận Thanh Khê khẳng định, bản thân thuộc lớp người “ăn sóng nói gió” nên từng con cá, con tôm đến lời ăn tiếng nói của làng đã ngấm vào máu thịt của ông. “Hằng ngày, lớp thế hệ cao tuổi chúng tôi luôn trò chuyện với nhau theo đúng giọng nói từ thời ông cha. Dân làng biển thiệt tình, có chi cũng kể cho nhau nghe. Mỗi lần đi đánh cá, nếu trúng đàn cá lớn thì khi vô bờ, ngư dân chúng tôi chỉ chỗ cho anh em trong làng bằng tiếng lóng, tất cả sẽ hiểu. Kể cả việc đùa giỡn cũng rất dân dã”, ông Lễ nói.

Dẫu vậy, nghề đi biển đòi hỏi ngư dân phải có đủ sức khỏe mà nguồn thu cũng chỉ tương đối. Sự suy giảm số lượng ngư dân ra khơi đồng nghĩa với việc nhiều tiếng lóng, từ địa phương mất đi do ít được dùng. Đó là chưa kể trẻ em làng Thanh Khê học tập, vui chơi cùng bạn bè từ nhiều địa phương khác dẫn đến sự pha trộn ngôn ngữ. Vài năm trở lại đây, khi tiến hành tổ chức hát bá trạo trong lễ hội Cầu ngư, ông Lễ phải kết nối, thuê các nghệ sĩ từ Hội An (Quảng Nam) hoặc các làng biển lân cận đến làng Thanh Khê biểu diễn. “Người làng Thanh Khê sống chết từ nghề biển, nuôi con cái thành tài cũng từ biển. Nhưng rồi đến khi tìm thế hệ trẻ của làng phát âm đúng giọng nói, giọng hát ngày xưa thì không thể tìm được”, ông Lễ lo lắng.

Gắn kết cộng đồng qua lời ăn, tiếng nói địa phương

Trong đời sống thường nhật, dân làng biển Mân Thái thường nhắc đến các thành ngữ như “Thuận buồm xuôi gió”, “Xuôi chèo mát mái” mang ý niệm muốn làm việc được hiệu quả, trôi chảy. Đôi khi, những lời nói đó được thay cho lời giáo dục trong gia đình. Ngược lại, từ “dọc già” thể hiện hình ảnh voọc chà vá chân nâu (bán đảo Sơn Trà) sẽ mang nét nghĩa chỉ sự bất lợi, không thành công trong nghề đi biển.

Theo quan niệm xa xưa, trên hành trình ra khơi đánh cá, ngư dân luôn cầu mong hải sản đầy thuyền. Vì lẽ đó, buổi sáng sớm ở chợ “chồm hổm” Mân Thái, người ngư dân thường dùng tiếng lóng để nói về chuyến đi biển tối hôm trước như một lời cảm ơn mẹ thiên nhiên. Một nét thú vị thường diễn ra ở chợ “chồm hổm” là việc người dân trao đổi cá tôm với các sản phẩm có giá trị ngang hàng. Gia đình nào không đi biển sẽ mang vật phẩm của họ làm được ở đất liền để đổi vài ký cá tôm tươi sống. Đó là một phần trong nét văn hóa làng biển vẫn còn hiện hữu đến hôm nay.

Đứng trước thực tế đời sống xã hội phát triển, một số ngành nghề mới đã thu hút lớp trẻ các làng biển như Mân Thái, Nam Ô thay đổi công việc. Nghề vươn khơi đánh cá ít được lớp thanh niên tiếp nối nên giọng miền biển và tiếng lóng cũng bị mai một dần. Là người sưu tầm văn hóa ở làng chài Mân Thái, ông Huỳnh Văn Mười, (56 tuổi, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) luôn trăn trở trong việc tập hợp, xác minh, ghi chép bộ từ ngữ và tiếng lóng của làng. Thế hệ cao niên là nhóm người nắm giữ văn hóa biển đã dần vắng bóng theo thời gian. Khi người dân không còn bám trụ với nghề biển thì ngôn ngữ bản địa sẽ mất đi. Dấu chấm hỏi trong việc bảo tồn, phát huy giá trị ngôn ngữ xưa ngày càng khó trả lời.

Vài chục năm trước, hát bả trạo, hát tuồng, hò khoan được tổ chức thường xuyên. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn hát bả trạo tồn tại ở mức cầm chừng, ít người theo đuổi, phục dựng. Giai đoạn những năm sau khi đất nước giải phóng, đời sống văn nghệ của ngư dân làng Mân Thái thú vị ở chỗ phải có phần hội hát bá trạo hay hò khoan thì một buổi lễ cúng ở bãi biển mới thành công trọn vẹn. Việc mất đi một số phần hội đó là điều đáng tiếc. Ông Mười cho rằng, chúng ta có các nghệ sĩ hát tuồng trẻ tuổi đủ năng lực, giọng hát. Tư liệu về hát bá trạo Mân Thái có đủ hai bản chữ Hán - Nôm và chữ Quốc ngữ. Đây là yếu tố thuận lợi cho việc chuyển tiếp giá trị xưa cho người thời nay.  

Việc trình diễn 17 ca khúc viết về làng Mân Thái trong chương trình “Mân Thái một miền thương” diễn ra vào cuối tháng Sáu năm nay, ông Mười đặt vấn đề giọng hát đúng chuẩn địa phương lên trên hết. Những ca từ trong bài hát bả trạo mang linh hồn làng biển nên cần người ca sĩ hiểu và phát âm nguyên vẹn từng âm điệu, từng cách nói mộc mạc nhất. Không gian thuyền đánh cá, ngư cụ, dây nghề, mành vạng hay từng cơn sóng được tái hiện, đưa người xem trở lại thuở cha ông vươn khơi, rẽ sóng.

Mỗi một ngư dân khi dành cả đời “ăn sóng nói gió”, họ rất dễ cảm nhận sự rung động thông qua lời hát bả trạo. Bản thân người cha quá cố của ông Mười là một ngư dân nổi tiếng trong vùng. Những lời khuyên răn về điều hay lẽ phải, cái nhọc nhằn của nghề biển càng sâu sắc hơn khi ông Mười được cha dạy bảo. Đặc biệt, vào ngày 23 tháng 7 âm lịch hằng năm, làng Mân Thái tổ chức ngày cúng kỵ Ông (tức Đức ngư Ông), tính cộng đồng được gắn kết ở lời mời gọi ngư dân trong vùng về dự. Khi âm điệu hát bả trạo cất lên, không gian làng biển như thu hẹp hơn bởi sự gắn bó mật thiết của tình người, tình biển. 

"Trong quá trình bao thế hệ gắn bó, lớn lên ở vùng biển Mân Thái, nhiều giá trị văn hóa ra đời và suy giảm theo thời gian. Những câu chuyện, hình ảnh tôi đang tìm tòi, phục dựng nhằm hướng đến mục đích giúp lớp trẻ biết về thời sơ khai của làng mình. Nếu không thực hiện sớm việc lưu giữ thì lớp con cháu sẽ không hình dung ra được cuộc sống thời ông bà ngày xưa. Ví dụ như ngư dân xưa đã dùng các loại ngư cụ trong nghề đánh cá như lưới gai. Loại lưới này đã có từ năm 1740, khi làng Mân Thái mới thành lập. Đó là một phần rất khó nghiên cứu nếu không có sách vở, tư liệu”. Ông Huỳnh Văn Mười, người sưu tầm văn hóa ở làng chài Mân Thái, quận Sơn Trà

(Xem tiếp kỳ 2, số báo ngày 4-8)
ĐOÀN LƯƠNG - TRƯỜNG AN

;
;
.
.
.
.
.