Buổi chiều đầu năm 2024, cơ quan Báo Đà Nẵng đón những vị khách đặc biệt. Đó là ông Trần Nùng, con trai nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh, chủ bút Báo Giải phóng Quảng Đà (tiền thân của Báo Quảng Nam, Báo Đà Nẵng ngày nay) và bà Nguyễn Thị Thu Hà, con dâu nhà báo - liệt sĩ Hoàng Kim Tùng, nguyên Phó Tổng Biên tập kiêm Bí thư Chi bộ Báo Giải phóng và Báo Cờ giải phóng Quảng Đà.
Nhà báo Trần Văn Anh và bức tâm thư gửi Ban Tổ chức Trung ương năm 1965. Ảnh: Tư liệu |
Gọi là đặc biệt, bởi ngoài mối thân tình như ruột thịt với báo nhiều năm qua, món quà xuân họ mang đến là bản sao những lá thư của cha, mẹ gửi cấp trên có nội dung tình nguyện vào chiến đấu tại chiến trường miền Nam, nơi cuộc chiến đang diễn ra ác liệt…
Chiến tranh chưa bao giờ là nơi để con người mơ mộng. Thế nhưng, trong cùng thời điểm tháng 8-1965, hai gia đình nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh và nhà báo - liệt sĩ Hoàng Kim Tùng đã gửi đi 2 bức tâm thư có nội dung tương tự nhau: tình nguyện vào chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Bà Nguyễn Thị Thu Hà kể, nhiều năm qua, gia đình bà giữ gìn cẩn thận bản sao bức tâm thư của người mẹ Phan Thị Thọ (vợ nhà báo - liệt sĩ Hoàng Kim Tùng) viết ngày 2-8-1965 gửi Đảng ủy Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bày tỏ ý kiến của người vợ về việc chồng là ông Hoàng Kim Tùng được cấp trên cử đi B. Trong thư, có đoạn bà viết: “Tôi mồ côi mẹ từ nhỏ, 1958 vì để góp phần giải phóng miền Nam, cha tôi tham gia cuộc kháng chiến lần thứ 2, không may đã rơi vào tay giặc và bị chúng giết. Từ đó tôi ngày đêm nuôi ý nghĩ phải làm gì để trả thù cho đồng bào miền Nam và gia đình tôi…
Nhất là sau khi Mặt trận dân tộc giải phóng kêu gọi, tôi thiết tha được trở về miền Nam chiến đấu. Nhưng vì điều kiện sức khỏe và con mọn, tôi chưa thực hiện được nguyện vọng của mình. Nay chồng tôi được tổ chức cử đi miền Nam, tôi rất phấn khởi vì tôi nghĩ rằng mặc dù bản thân mình không trực tiếp làm nhiệm vụ, nhưng đã có người thân được trực tiếp tham gia… Tôi cho đó là một vinh dự lớn cho gia đình chúng tôi”. Cũng trong thư, bà Thọ bày tỏ, mặc dầu thời điểm đó, sức khỏe bà khá yếu cộng con nhỏ, điều kiện công tác chưa ổn định nhưng “chúng tôi đã thống nhất với nhau cần khắc phục mọi khó khăn đặng thực hiện nguyện vọng tha thiết của mình”.
Cùng thời điểm này, ngày 15-8-1965, nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh cũng viết một bức tâm thư gửi Ban Tổ chức Trung ương, tha thiết trình bày nguyện vọng muốn được về chiến đấu, công tác cùng đồng bào, đồng chí tại quê hương Quảng Nam: “Từ mấy năm nay, tôi đã viết thư lên Ban Thống nhất, đã liên lạc với đồng hương Quảng Nam và trực tiếp đề đạt với cấp bộ Đảng cơ sở nơi tôi công tác nhưng chờ mãi mà không thấy Đảng gọi đến mình, làm cho tôi nóng lòng, không thể nào ngồi yên được”.
Trong thư, ông khẳng định, thời điểm viết lá thư này, bản thân không còn ở thời kỳ bồng bột, đã suy nghĩ rất kỹ và “nguyện vọng đó là lẽ sống, là máu thịt của mình”. Ông viết: “Tôi đã chuẩn bị kỹ đến mức nếu Đảng gọi gấp, tôi có thể đi ngay, không cần thu xếp gì nữa… Có thể nói là ngoài việc tích cực công tác và học tập cũng là vì miền Nam, tôi đã kiên trì chuẩn bị cho mình mọi điều kiện để trực tiếp trở về hoạt động, chỉ còn chờ gọi đến tên là đi được ngay”.
Lãnh đạo Báo Đà Nẵng tiếp nhận những hiện vật do gia đình Nhà báo - Liệt sĩ Trần Văn Anh và Nhà báo - Liệt sĩ Hoàng Kim Tùng hiến tặng cho phòng truyền thống. Ảnh: XUÂN SƠN |
Đọc những lá thư trên có thể thấy tấm lòng, nguyện vọng tha thiết của những người-trong-cuộc mong muốn được vào chiến trường miền Nam chiến đấu theo tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Bởi thời điểm đó, ra trận nghĩa là sẵn sàng hy sinh sức khỏe, cuộc sống gia đình cho đến tính mạng với mục tiêu cao cả là bảo vệ và giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Nhà báo Trần Thị Thu Thủy, Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng khẳng định, hai bức tâm thư là những tư liệu quý mà Báo Đà Nẵng may mắn tiếp nhận từ người nhà các nguyên lãnh đạo báo trong thời kỳ chiến tranh. Nó không chỉ là lá thư, mà giống như một văn bản lịch sử, khắc họa chân thực và sâu sắc chân dung những nhà báo chiến trường. “Nhờ những lá thư này, giá trị lịch sử của các thế hệ làm báo tại Quảng Nam, Đà Nẵng được bảo tồn, được truyền đạt và trân trọng hơn bao giờ hết”, nhà báo Trần Thị Thu Thủy xúc động nói.
Những lá thư trên đến với Báo Đà Nẵng trong thời điểm diễn ra lễ phát động phong trào hiến tặng tư liệu, hiện vật cho phòng truyền thống, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2025) thật đáng trân trọng. Phó Tổng biên tập Trần Thị Thu Thủy cho hay, phòng truyền thống sẽ là nơi giáo dục lý tưởng cách mạng cho các thế hệ làm báo Đà Nẵng. Đồng thời, trở thành địa chỉ sưu tầm, giữ gìn, giới thiệu những tài liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển Báo Đà Nẵng qua các thời kỳ. Ngoài hai lá thư trên, thời gian qua báo cũng đã tiếp nhận bức ảnh Phó Chủ tịch Quốc hội khóa X (nhiệm kỳ 1997-2002), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Mai Thúc Lân tại một buổi làm việc với Báo Đà Nẵng và một số tư liệu, hình ảnh, hiện vật khác liên quan tới hoạt động chuyên môn.
Theo sát nhiệm vụ sưu tập, trưng bày phòng truyền thống, Phó Tổng Biên tập Trần Thị Thu Thủy khẳng định những tư liệu, hiện vật quý giá này sẽ được cơ quan báo giữ gìn cẩn thận, hướng tới mục tiêu hình thành không gian lịch sử, văn hóa, truyền thống của người làm báo cách mạng tại Đà Nẵng nói riêng và xứ Quảng nói chung.
TIỂU YẾN