Gửi thông điệp sống động qua bích họa

.

Những bức tường cũ, rêu phong tại xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) và đường Yên Khê 1 (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) được sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẽ lên bức tranh xinh đẹp với nhiều mảng màu rực rỡ, khắc họa từ cuộc sống sinh hoạt đời thường, lễ hội, nghề biển của người dân xã đảo cho đến hình ảnh ký ức tuổi thơ, các trò chơi dân gian, từ đó lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, nguồn nước…

Bức tranh trò chơi “Rồng rắn lên mây” do Đoàn thanh niên Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng vẽ tạo không gian ký ức tuổi thơ tại đường Yên Khê 1. Ảnh: H.V
Bức tranh trò chơi “Rồng rắn lên mây” do Đoàn thanh niên Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng vẽ tạo không gian ký ức tuổi thơ tại đường Yên Khê 1. Ảnh: H.V

Khôi phục làng tranh Tam Hải

Mặc cái nóng oi ả ngày hè đang bủa vây khắp dải đất miền Trung, 35 cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học (ĐH) Bách khoa, ĐH Đà Nẵng vẫn vượt quãng đường dài gần 100km đến với xã đảo Tam Hải, nơi mệnh danh là hòn ngọc tuyệt đẹp giữa Biển Đông của tỉnh Quảng Nam với mong muốn vẽ lên những bức tranh đậm hơi thở cuộc sống miền biển tặng bà con nơi đây.

Được biết, năm 2018, dự án “Làng bích họa Tam Hải” được các sinh viên Khoa Kiến trúc thực hiện. Đến nay, đa số những bức tranh trên có dấu hiệu tróc màu, rêu phong bám mờ nên UBND xã Tam Hải cùng hội đồng hương Tam Hải tại Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn Khoa Kiến trúc giúp đỡ, khôi phục làng tranh. Bởi làng tranh đã ăn sâu vào đời sống tinh thần bà con và tạo nét độc đáo riêng của xã đảo, góp phần phát triển kinh tế, thu hút khách du lịch gần xa.

Bí thư Đoàn thanh niên Trường ĐH Bách khoa Võ Như Tùng chia sẻ: "Từ việc phác thảo ý tưởng đến thi công và hoàn thiện từng bức tranh, các tình nguyện viên đã dồn hơn 200% tâm huyết, sức lực, để mong Tam Hải khoác lên diện mạo mới nhưng vẫn giữ cái hồn cốt vốn có. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nhằm tăng cường sự gắn kết giữa sinh viên và người dân địa phương như dạy trẻ em học vẽ, học tiếng Anh. Qua dự án, cán bộ, giảng viên, sinh viên thể hiện sự cống hiến và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, khẳng định vai trò giáo dục trong gắn kết và phát triển cộng đồng. Dự án cũng tạo sân chơi bổ ích để sinh viên phát huy khả năng học hỏi từ thực tiễn".

Các tình nguyện viên trải qua 15 ngày đêm không ngại làm việc dưới nắng hè rát bỏng hay đứng trên những giàn giáo cao chơi vơi để khôi phục 28 bức tranh khắc họa đa dạng hình ảnh cuộc sống sinh hoạt của người dân như nghề cào ốc ruốc, cá chuồn Tam Hải, cá voi bơi lội giữa đại dương rộng lớn hay lễ hội cầu ngư, thuyền vươn khơi… Qua những bàn tay tài năng những bức tường cũ dần thay chiếc áo mới với hàng trăm mảng màu phủ sắc rực rỡ, thổi bừng thêm sức sống ở xã đảo Tam Hải.

Trực tiếp tham gia dự án khôi phục làng tranh, Trần Quốc Bảo (sinh viên năm 3, ngành Kiến trúc) bày tỏ, chuyến đi là kỷ niệm lớn trong đời bởi góp phần giúp xã đảo xinh đẹp hơn, tạo nét nghệ thuật riêng và cũng là cách giúp bản thân va chạm thực tế chuyên môn ngành học hiệu quả hơn.

Quay về ký ức tuổi thơ

Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng Ngô Tuấn Anh cho biết, dự án vẽ tranh tại đường Yên Khê 1 với chủ đề “Ký ức tuổi thơ” là hoạt động nằm trong chiến dịch “Sinh viên tình nguyện hè” của Đoàn trường. Để hoàn thành những bức tranh, đoàn thanh niên huy động 41 tình nguyện viên, chủ yếu là sinh viên Khoa Kiến trúc, thực hiện trong 15 ngày. “Thông qua những bức tranh, chúng tôi muốn gửi gắm hình ảnh ký ức tuổi thơ đến các thế hệ trưởng thành. Đồng thời, mong muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, bảo tồn nguồn nước và giúp các bạn sinh viên phát triển khả năng thực hành. Sau khi hoàn thành tuyến đường tranh, chúng tôi tiếp tục vẽ tranh tuyên truyền và cải tạo cảnh quan tại trường mầm non xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang”, anh Ngô Tuấn Anh chia sẻ.

Là đội trưởng nhóm vẽ tranh, đề xuất ý tưởng, sinh viên Nguyễn Trung (năm 4, ngành thiết kế nội thất) bộc bạch, với tinh thần thanh niên tiên phong và lợi thế học ngành mang tính chất nghệ thuật nên Trung muốn chung tay cùng các bạn thể hiện đa dạng ý tưởng với nhiều thông điệp khác nhau lên những bức tường cũ nhằm tạo nên tuyến đường xanh-sạch-đẹp.

Tuyến đường tranh dài hơn 110m, được phác thảo đơn lẻ 26 bức tranh với các hình ảnh hoài niệm về tuổi thơ như vui chơi trung thu, chăn trâu, tắm sông… hay các trò chơi dân gian bịt mắt bắt dê, bắn bi, thả diều, kéo co, ô ăn quan, nhảy lò cò, rồng rắn lên mây… Giữa phố thị ồn ào náo nhiệt, khoảng không gian yên bình thế giới tuổi thơ được sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng tạo nên, khiến ai đến đây đều chựng lại đôi nhịp, bất giác nở nụ cười như tưới mát khoảng không đầy nắng ngoài kia. 

HUỲNH VŨ

;
;
.
.
.
.
.