HÈ VUI

Nghỉ hè

.

Có phải trẻ em thời nay ít có thời gian vui chơi? Cũng khó để có câu trả lời rạch ròi. Vui chơi ngày nay rất khác ngày xưa, thời gian dành cho đọc sách, gần gũi thiên nhiên dường như ít đi, ngay cả việc chuyện trò sẻ chia trong gia đình cũng khác. Nhưng việc tiếp cận thành tựu khoa học, văn minh nhanh hơn, kiến thức của học sinh bây giờ lớn hơn ngày trước rất nhiều. Chân trời điện toán, ngoại ngữ, tầm tư duy làm nên thước đo năng lực của học sinh hôm nay. Hiện đại và khát vọng tìm tòi cái mới theo yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ mới lôi cuốn tất cả. Nhưng cũng có một sự thật khác, lòng trắc ẩn, sự rung động trước cái đẹp, hiểu về lịch sử của cha ông dường như ít đi. Đó không phải là lỗi của các em.

Vui chơi ngày nay rất khác ngày xưa, thời gian dành cho đọc sách, gần gũi thiên nhiên dường như ít đi, ngay cả việc chuyện trò sẻ chia trong gia đình cũng khác. Ảnh: S.T
Vui chơi ngày nay rất khác ngày xưa, thời gian dành cho đọc sách, gần gũi thiên nhiên dường như ít đi, ngay cả việc chuyện trò sẻ chia trong gia đình cũng khác. Ảnh: S.T

Học trò ai cũng có những ngày nghỉ hè, đây là khoảng thời gian vui thích nhất, khi những hàng phượng vĩ đỏ thắm sân trường, khi những chú ve bắt đầu khẽ khàng gọi nắng trên những hàng cây là lòng ta biết bao rạo rực “Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết/ Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về” (Xuân Tâm). Những năm ở quê, khi “lửa chiến chinh chưa xua mẹ khỏi làng”, vào những ngày đầu tháng Năm, lớp gần như không còn học. Vẫn đến lớp và sĩ số vẫn đủ nhưng ai cũng chạo rạo, thầy giáo hình như đang bận việc vào sổ, phê học bạ gì đó, lớp cũng theo tiếng trống trường nhưng chính là ngồi chờ tiết học cuối. Thầy giáo nói với lớp về kết quả học tập, tụi tôi gần như không còn nghe lời thầy, chỉ mong sao biết kết quả của một năm học. Trước đó mấy ngày ai được thầy giao làm “sơ-mi” cộng sổ và sắp vị thứ, đến khi được nhận phần thưởng của lớp, của trường là lòng như mở hội. Mươi cuốn vở, cây viết... với giấy màu sặc sỡ là lòng dâng trào niềm tự hào bất tận.

Ngày trước nghỉ hè là thời gian của “Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ”. Nghỉ là gần như không học chi hết, mà thay vào đó là giúp đỡ việc nhà, nông thôn là tham gia đồng áng, thành thị là giúp ba mẹ sổ sách nào đó, nhưng tất cả là được nghỉ, trừ những anh chị thi tú tài, còn lại gần như không đụng đến bài vở. Đi chơi và đọc sách là hai việc lớn nhất. Chơi ở đâu? Trong lớp có bao nhiêu bạn là bấy nhiêu địa chỉ để tụi con trai và cả con gái nữa đạp xe tới nhà của nhau chơi. Thường là năm cuối tiểu học tụi tôi hẹn nhau, dĩ nhiên là không phải tất cả các bạn trong lớp đến nhà bạn. Tới nhà là kể chuyện, chọc phá nhưng thú nhất là nói về những cuốn sách đã đọc.

Thời tôi là những truyện tàu, rồi Tự lực Văn đoàn, lên cấp 3 thì đủ thứ, nhiều bạn còn chơi cả “Buồn nôn” của J.Paul Sartre. Dĩ nhiên những “Tiếu ngạo giang hồ”, “Lộc Đỉnh Ký” và... “Buồn ơi chào mi” (F. Sagan)  nữa là những thứ cuốn hút lũ con trai tụi tôi như điếu đổ. Chỉ như vậy mà nếu nghe bạn nói về một cuốn nào đó mà mình chưa đọc, nó cứ như có sự thôi thúc. Những năm sau này khi chiến tranh lan rộng, học trò vẫn được nghỉ hè nhưng đó lại là khoảng thời gian đầy biến động. Ngày tựu trường rất có thể một ai đó trong lớp mãi mãi không đến.

Có khi nào bạn tự hỏi vì sao năm học không bắt đầu từ tháng Hai và bế giảng vào tháng Mười Một mà lại từ tháng Chín đến tháng Năm năm sau? Nghe đâu cũng từng có đề xuất như vậy, để tiện trong việc xếp lịch kế hoạch, để thuận hơn trong việc lập hồ sơ sổ sách... nhưng đều không khả thi, đơn giản là vì phải có thời gian “nghỉ hè”, nghỉ trong thời gian nắng nóng nhất trong năm: từ tháng Năm đến tháng Tám. Nghỉ hè là để tránh những ngày nắng như đổ lửa ấy. Mỗi thời mỗi khác, việc nghỉ hè ngày nay về thời gian cơ bản giống như trước, vẫn gần đủ 90 ngày tránh nắng, nhưng hoạt động trong những ngày hè thì khác xưa nhiều lắm.

Nhiều người lứa tôi hay trầm ngâm tỏ ý tiếc cái thời đi học ngày xưa, ngày ấy không có việc trường chuyên lớp chọn, không có những thử thách khốc liệt như bây giờ. Hình như bây giờ mỗi ngày đi học ít còn cái không khí của một một ngày vui. Áp lực thi cử, lên lớp… khiến tất cả đều phải học, ngày hè cũng phải đến các lớp học thêm, luyện thi... từ sớm khi bước chân vào lớp cho đến 9, 10 giờ đêm mới được về nhà, thời gian biểu ngày hè ấy cũng nhem nhém như xưa. Con đi học cả nhà đến lớp.

Phát triển nhưng phải bảo đảm “đậm đà bản sắc dân tộc” là một đòi hỏi đúng đắn, nhưng có cảm giác chúng ta chưa có biện pháp hiệu quả để cụ thể hóa yêu cầu này. Ví dụ như điện ảnh, không có lĩnh vực nào cuốn hút và định hình suy nghĩ của lớp trẻ nhanh và mạnh mẽ như nghệ thuật thứ bảy, chúng ta không thiếu những nhân vật và câu chuyện lịch sử độc đáo, sâu sắc và sẽ là chất liệu hấp dẫn cho bất cứ cuốn phim nào, nhưng vì sao đến nay ta vẫn không có một bộ phim xứng tầm với chủ đề này? Vấn đề là chất lượng kịch bản và diễn viên.

Được biết để Hàn Quốc có một nền điện ảnh chinh phục cả thế giới như hiện nay, từ những năm 70 của thế kỷ trước, nước này đã đưa 3.000 diễn viên, tác giả kịch bản… đi đào tạo ở kinh đô điện ảnh Hollywood. Không có thành công nào tự dưng mà có và cũng không có việc gì quá khó mà mình làm không được. Vấn đề là cách làm. Đừng trách bạn trẻ không thích xem phim, đừng trách ngày hè các bạn ít đọc sách, chính người lớn chưa làm tròn sứ mệnh sáng tạo đủ sức lôi cuốn người trẻ.

Nghỉ hè là một quyền lợi của học sinh, hãy để cho các em được “nghỉ” một cách tích cực bằng các hình thức phù hợp, cái chính là tạo được sự chủ động và say mê nơi các em. Kỷ niệm tuổi thơ được hình thành bằng những ấn tượng đẹp bao giờ cũng quý hơn. Nghỉ và đi chơi cho biết quê hương mình rất đẹp. “Tôi lại nhìn, như đôi mắt trẻ thơ/ Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ” (Tố Hữu).

Nghỉ hè là một quyền lợi của học sinh, hãy để cho các em được “nghỉ” một cách tích cực bằng các hình thức phù hợp, cái chính là tạo được sự chủ động và say mê nơi các em. Kỷ niệm tuổi thơ được hình thành bằng những ấn tượng đẹp bao giờ cũng quý hơn. Nghỉ và đi chơi cho biết quê hương mình rất đẹp. “Tôi lại nhìn, như đôi mắt trẻ thơ/ Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ” (Tố Hữu).

HUỲNH ĐỨC MINH

;
;
.
.
.
.
.