Học pháp luật cùng thanh niên

.

Để mỗi thanh niên là một đại sứ về pháp luật, Thành Đoàn Đà Nẵng và các tổ chức Đoàn cơ sở tích cực triển khai các sân chơi và những mô hình phù hợp nhằm thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Mong muốn mỗi thanh niên trên địa bàn xã là một đại sứ về văn hóa pháp luật, mô hình “Cà phê thanh niên với tuyên truyền pháp luật” của Đoàn xã Hòa Bắc được các bạn trẻ hướng ứng. Ảnh: H.V
Mong muốn mỗi thanh niên trên địa bàn xã là một đại sứ về văn hóa pháp luật, mô hình “Cà phê thanh niên với tuyên truyền pháp luật” của Đoàn xã Hòa Bắc được các bạn trẻ hướng ứng. Ảnh: H.V

Tăng cường tương tác trực tuyến

Mới đây, Thành Đoàn tổ chức chương trình tương tác trực tuyến với mục đích tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu nhi trên mạng xã hội với chủ đề “Thanh thiếu nhi Đà Nẵng với pháp luật Việt Nam”. Theo đó, mỗi quý chương trình sẽ phổ biến các nội dung về Luật An ninh mạng 2018; những hình thức lừa đảo trên không gian mạng xã hội; giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy, về trật tự an toàn giao thông và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội… Đơn cử, nội dung số đầu tiên “Tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, pháp luật về an ninh mạng và ứng xử trên không gian mạng” đã ghi nhận 3.600 lượt xem, 1.500 bình luận và hàng trăm chia sẻ.

Tiếp đó, số thứ hai với chủ đề “Tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật trong thanh thiếu nhi về phòng, chống ma túy” do Đại úy Nguyễn Hồng Tâm, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Công an thành phố), trao đổi đầu tháng 6 cũng thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Chương trình nêu lên thực trạng bạn trẻ nghiện ma túy và xem nó như công cụ thể hiện đẳng cấp. Theo Đại úy Tâm, hiện nay giới trẻ thường sử dụng ma túy tổng hợp và một số loại ma túy dạng nước trái cây, bánh, kẹo...  Điều này khá nguy hiểm do lứa tuổi vị thành niên chưa hiểu rõ tác hại của những loại ma túy trên. "Cách phòng tránh tốt nhất là sinh viên cần xây dựng lối sống lành mạnh, rèn luyện sức khỏe mỗi ngày và hạn chế tiếp xúc người có liên quan ma túy cũng như tích cực tham gia hoạt động cộng đồng, phong trào tình nguyện giúp ích cho xã hội", Đại úy Tâm khuyến cáo.

Tham gia tương tác cùng chương trình, Bùi Minh Anh, sinh viên năm 2, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) vui vẻ nói: “Kiến thức pháp luật khá khô cứng nhưng chương trình triển khai trên nền tảng mạng xã hội giao lưu trực tiếp giúp em dễ dàng tương tác để hiểu rõ hơn những quy định pháp luật qua lời giải đáp của người phụ trách, chuyên gia”.

Anh Lê Công Hùng, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên thành phố cho biết, nội dung chương trình là tọa đàm trực tuyến và thi trực tuyến. Mỗi quý chương trình sẽ tổ chức tuyên truyền một nội dung khác nhau trên cơ sở mời các chuyên gia theo mỗi lĩnh vực, để bạn trẻ dễ tiếp cận. Qua hai buổi tuyên truyền, đã có hàng nghìn lượt tương tác, bình luận, chia sẻ với những câu hỏi thực tế về các lĩnh vực vi phạm pháp luật mà các bạn dễ mắc phải. Đây là chương trình hoàn toàn mới về cách thức tuyên truyền, góp phần rất lớn để giáo dục thanh thiếu niên trên địa bàn thành phố.

Lan tỏa từ cơ sở

Tại xã Hòa Bắc, mô hình “Cafe thanh niên với tuyên truyền pháp luật” cũng thu hút khá đông thanh thiếu niên tham gia. Chị Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đoàn xã cho hay, mục tiêu của chương trình là tạo điều kiện để cán bộ đoàn, đoàn viên, đặc biệt là thanh thiếu niên chưa ngoan hiểu sâu về pháp luật. “Để tránh khô cứng trong tuyên truyền pháp luật, Đoàn xã lựa chọn hình thức nói chuyện với thanh niên ở các quán cà phê có không gian thoáng đãng. Qua hai buổi tuyên truyền, mỗi buổi thu hút khoảng 30-50 bạn. Thành công của mô hình là các bạn đều nghiêm túc lắng nghe và chủ động đặt câu hỏi đối với những vấn đề chưa hiểu rõ. Là mô hình mới nên thời gian đến chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện tốt nhất và tiếp tục triển khai thực hiện vào quý 3”, chị Lan thông tin thêm.

Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã nhận định, mô hình tập trung tuyên truyền tình hình an ninh trật tự, giáo dục, việc làm, giải quyết vay vốn cho thanh thiếu niên chưa ngoan thuộc diện xã đang quản lý, công tác đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… “Chúng tôi hy vọng mỗi thanh niên trên địa bàn là một đại sứ văn hóa pháp luật. Bởi phải hiểu rõ, sống và làm việc theo pháp luật thì tương lai mới là những người trẻ có nền tảng tốt về nhiều mặt để xây dựng đời sống xã hội tốt hơn, phát triển hơn”, ông Nam bày tỏ.

HUỲNH VŨ

;
;
.
.
.
.
.