"Kho báu" của cụ Phan

.

Chí sĩ Phan Châu Trinh có thói quen lưu trữ rất cẩn thận tài liệu cá nhân. Các thư từ quan trọng của mình đều được ông tự tay chép lại hoặc nhờ người khác chép. Trong chuyến từ Pháp trở về nước vào tháng 5-1925, cụ Phan mang về rất nhiều tài liệu. Đây là kho di cảo quý giá, giúp hậu thế hiểu thêm về bản lĩnh, trí tuệ và mối quan hệ sâu rộng của một nhà ái quốc vĩ đại đầu thế kỷ XX.

Chí sĩ Phan Châu Trinh (ảnh trái) và “Thư thất - điều”, trên bìa sách có in biên lai gửi bảo đảm cho vua Khải Định. Ảnh tư liệu
Chí sĩ Phan Châu Trinh (ảnh trái) và “Thư thất - điều”, trên bìa sách có in biên lai gửi bảo đảm cho vua Khải Định. Ảnh tư liệu

Ai giúp Phan Châu Trinh vận chuyển?

Tác giả Lê Thị Kinh (cháu ngoại Phan Châu Trinh) trong cuốn Phan Châu Trinh qua những tư liệu mới (NXB Đà Nẵng, 2021) cho hay: Ngày 29-5-1925, Phan Châu Trinh (cùng với Nguyễn An Ninh) xuống tàu về nước sau 14 năm hoạt động cách mạng tại chính “sào huyệt” của kẻ thù. Chuyến đi này ông mang theo một kho tư liệu quý giá gồm hơn một ngàn trang thủ bút.

Trong suốt cuộc hành trình, nhà cầm quyền thực dân đã cử người bám sát và lục soát hành lý của Phan Châu Trinh và Nguyễn An Ninh. Ông Ninh bị mất một số báo chí đem theo, song cụ Phan bảo vệ được an toàn mọi tài liệu cá nhân. Thực dân Pháp rất hậm hực vì không phát hiện được và không lấy được tài liệu nào của ông. Mật báo của Chánh Mật thám Nam Kỳ André gửi Vụ trưởng các vấn đề chính trị và an ninh chung tại Phủ Toàn quyền - Sài Gòn ngày 1-7-1925 cho biết: Phan Châu Trinh mang lên tàu “2 cái hòm, 1 lớn 1 nhỏ, cả hai nặng 76kg để trong khoang dự phòng”.

Theo yêu cầu của Lãnh sự Pháp, cảnh sát Singapore đã kiểm soát gắt gao hành lý của cụ Phan nhưng không tìm thấy tài liệu gì. Ngày 18-7-1925, Mounier, Thanh tra đặc biệt ở cảng Sài Gòn gửi mật báo cho Chánh Mật thám: “… Hồi 15 giờ 30 hôm qua 17-7 tại Kho Thương chánh (tức Hải quan - NV), Phan Châu Trinh đã đến nhận hành lý của ông ta do tàu Fontainebleau đem đến. Hai hòm lĩnh ra đựng một số giấy tờ cá nhân không có gì đáng lưu ý của Phan Châu Trinh, một số sách giáo khoa chữ Quốc ngữ và chữ Hán, đáng lưu ý là có tập sách học về sử nước Đức nguyên một tập và sử nước Nhật thành 3 tập. Đã khám kỹ các hành lý nhưng không tìm ra truyền đơn hay văn bản có tính kích động”. 

Điều này cho thấy sự tài tình của cụ Phan trong việc qua mắt toàn bộ lưới kiểm soát của kẻ thù để mang về nước cả kho di cảo của mình. Các nhà nghiên cứu  cũng đặt ra câu hỏi khá thú vị: Ai đã giúp Phan Châu Trinh vận chuyển trót lọt “kho báu” (như cách gọi của bà Lê Thị Kinh - NV) này?

Những tư liệu quý

Kho di cảo mà cụ Phan Châu Trinh mang về nước năm 1925 rất phong phú, có nhiều nội dung khác nhau: Đó là các bức thư (bằng chữ Quốc ngữ) của quan ba Pháp Roux thể hiện mối thâm tình với nhà cách mạng An Nam và sự phối hợp ăn ý giữa hai người trong việc dịch các điều tường trình của cụ Phan gửi lên Toàn quyền Đông Dương Sarraut cũng như việc Roux tìm mọi cách giải cứu Phan Châu Trinh thoát khỏi ngục La Santé (1914-1915). Đó là các bức thư của Phan Châu Trinh viết tại ngục La Santé gửi quan ba Caron cực lực phê phán án thái độ đối xử bất công của viên quan này đối với ông. Cạnh đó là những bức thư chan chứa tình cảm giữa hai cha con - Phan Châu Trinh và Phan Châu Dật, cùng những bài thơ cụ Phan làm trong ngục La Santé...

Đáng chú ý là di cảo Phan Châu Trinh cung cấp những thông tin thú vị về việc cụ lên án gay gắt chuyến đi của Khải Định sang Pháp dự Hội chợ Triển lãm thuộc địa Marseille (năm 1922). Trong đó, có “Thư thất điều” nổi tiếng cùng biên lai gửi bảo đảm từ Marseille đến địa chỉ Khải Định ở Paris.

Bản chép tay mang về nước còn cho biết: Ngày 18-2-1922, từ Marseille, Phan Châu Trinh viết cho Nguyễn Ái Quốc một bức thư tâm huyết khuyên nên noi gương Các Mác và Lênin quay về nước để vận động cách mạng và nhận định Nguyễn Ái Quốc “như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông” và sẽ làm được “đại sự”.

Gian nan việc bảo quản

Cũng theo sách đã dẫn, sau khi Phan Châu Trinh đột ngột tạ thế vào ngày 24-3-1926, ông Lê Ấm (rể lớn) và bà Phan Thị Châu Liên (con gái đầu) được giao trách nhiệm gìn giữ kho di cảo Phan Châu Trinh mang từ Pháp về. Từ Sài Gòn, “kho báu” ấy được chuyển về Huế, rồi Quy Nhơn - nơi ông Lê Ấm dạy học, và trở thành vật bất ly thân của gia đình. Dịp nghỉ hè hằng năm, khi gia đình ông Ấm về quê - Quế Sơn (Quảng Nam) - luôn mang theo một rương kẽm đựng toàn bộ “kho báu Phan Châu Trinh”. Điều họ lo sợ nhất vẫn là mật thám Pháp, chúng mà phát hiện là coi như xong. Từ năm 1927 đến năm 1944, đã có đến 20 lần cái rương kẽm ấy làm cuộc hành trình từ Huế, Quy Nhơn về Quế Sơn và ngược lại.

Năm 1944, sợ bom đạn của Đồng minh đánh Nhật, rương kẽm được chuyển hẳn về Quế Sơn, cất giữ suốt 10 năm trời. Để cho an toàn, “kho báu” được cho vào một cái chum to chôn cách xa nhà. Người nhà dùng gạo rang bọc vải và đậy chum bằng nhiều lớp lá chuối khô, trên úp một cái chiêng đồng, để chống ẩm và mối mọt.

Trải qua thời gian và chiến tranh, kho di cảo Phan Châu Trinh có hao hụt đi một ít: Đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, ông Huỳnh Lý - một học trò của ông Lê Ấm - được cho mượn một số bản thảo đem về sao chép nhằm biên soạn tác phẩm Phan Châu Trinh. Hè năm 1952, các tư liệu được cho mượn và cả bản thảo đầu tiên của tác phẩm viết về cụ Phan không may bị cháy mất. Cạnh đó, ông Nguyễn Đông Hải, cháu ngoại Phan Châu Trinh, từ Nam Bộ trên đường ra Việt Bắc, đã ghé Quế Sơn mang đi ba bức thư ngắn của Nguyễn Tất Thành gửi Phan Châu Trinh và gửi tặng Bảo tàng Cách mạng, sau này chuyển cho Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ. Đáng tiếc nhất là bản gốc bức thư ngày 18-2-1922 của Phan Châu Trinh gửi Nguyễn Ái Quốc có người mượn nhưng không trả, đến nay gia đình vẫn chưa tìm thấy.

Trước năm 1975, gia đình ông Lê Ấm cộng tác với một số học giả miền Nam công bố nhiều tư liệu về Phan Châu Trinh từ kho di cảo này.

VÂN TRÌNH

;
;
.
.
.
.
.