Làm nên khác biệt với đam mê vẽ truyện tranh

.

Truyện tranh có lẽ đã trở thành một phần quen thuộc và không thể thiếu đối với tuổi thơ của nhiều người. Với niềm yêu thích truyện tranh, nhóm Lính Chì (những sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa, Trường Đại học Duy Tân) đã kết nối để thỏa sức sáng tạo, vẽ nên những bộ truyện tranh “made in Việt Nam”. 

Các thành viên nhóm Lính Chì - Trường Đại học Duy Tân. Ảnh: NVCC
Các thành viên nhóm Lính Chì - Trường Đại học Duy Tân. Ảnh: NVCC

Trưởng nhóm Lính Chì Nguyễn Thị Thùy Linh (SN 2001, sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa, Trường Đại học Duy Tân) cho biết, nhóm lấy tên là Lính Chì vì đây là nhân vật truyện tranh khá quen thuộc. Hình tượng chú lính chì đại diện cho sự dũng cảm, sẵn lòng đương đầu với khó khăn. Nhóm muốn hướng đến một tập thể có thể vượt qua mọi khó khăn để đạt được mục tiêu chung. Hiện tại nhóm có gần 10 thành viên. Từng thành viên đảm nhiệm một công việc khác nhau để hình thành nên cuốn truyện tranh như: thiết kế trang bìa, phác thảo nhân vật, nghiên cứu trang phục, xác định nhân vật chính - phụ; nghiên cứu bối cảnh, nghiên cứu các phân cảnh sắc màu, xác định mốc thời gian; tóm tắt nội dung và lên kịch bản, điều chỉnh lời thoại, chọn lọc câu chuyện, bố cục trang truyện…

Đứa con tinh thần đầu tiên do nhóm Lính Chì phác thảo và hoàn thiện là bộ truyện tranh mang tên “Tương tư”, được chuyển thể dựa trên truyện dài “Cô gái đến từ hôm qua” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Trưởng nhóm Thùy Linh bộc bạch, đây là sản phẩm đầu tiên được nhóm thực hiện sau khoảng 2 tháng lên ý tưởng và bắt tay vào vẽ, là sản phẩm phi lợi nhuận. Ngay khi ra mắt, bộ truyện “Tương tư” được đăng tải lên mạng xã hội để tất cả các bạn trẻ yêu thích truyện tranh có thể đọc miễn phí, kết nối và giao lưu. Bộ truyện nhanh chóng thu hút đông đảo độc giả theo dõi. Ngoài việc chuyển thể những tác phẩm nổi tiếng qua hình thức truyện tranh, nhóm Lính Chì còn triển khai các tác phẩm mới do nhóm tự lên ý tưởng, tự viết kịch bản và vẽ. Ở lĩnh vực này, nhóm đã trình làng bộ truyện tranh có tên "Ma học đường", kể về hành trình phiêu lưu thú vị của một nhóm học sinh.

Theo chia sẻ từ các thành viên nhóm Lính Chì, có những bộ truyện tranh vẽ 2-3 tháng là xong, nhưng cũng có những bộ mất tới 7-8 tháng mới trình làng được bản ưng ý nhất. Khi thực hiện một bộ truyện tranh thường có 2 xu hướng. Truyện tranh có thể chuyển thể dựa trên tác phẩm đã có sẵn chất liệu là các bộ truyện của các nhà văn, trong đó, được nhóm yêu thích nhất là các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Điều thuận lợi khi chuyển thể truyện tranh từ những tác phẩm đã có đó là dễ có nhiều ý tưởng về lời thoại, bối cảnh và hướng xây dựng hình tượng nhân vật.

Tuy nhiên, ngược lại, đó cũng chính là khó khăn bởi đối với những tác phẩm dựa trên những ‘chất liệu’ tốt đã có sẵn, được chuyển thể từ những tác phẩm nổi tiếng thì càng đòi hỏi sự sáng tạo, tính mới lạ để tránh được sự nhàm chán trong khi vẫn phải giữ được cái ‘hồn’ và truyền tải được những thông điệp của nguyên bản cốt truyện gốc. Ở xu hướng khác, là những bộ truyện tranh được sáng tác hoàn toàn từ cảm hứng ý tưởng do các thành viên tự lên ý tưởng, tự thiết kế bản vẽ và cốt truyện. Xu hướng này đặt ra áp lực buộc nhóm phải tự hoàn thiện các công đoạn, nhất là phải bảo đảm một kịch bản hấp dẫn, duy trì được sự tò mò và yêu thích của độc giả tới những trang truyện cuối cùng. “Ma học đường” là một bộ truyện như thế.

Lê Thị Anh Thi (SN 2003, sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa), thành viên đảm nhận nhiệm vụ viết kịch bản của nhóm, chia sẻ: "Trong suốt quá trình học tập tại trường, chúng em thu nhận được nhiều kiến thức và kỹ năng là nền tảng để có thể thực hiện đam mê vẽ truyện tranh của mình"”.

Để có những nét vẽ mạnh mẽ, uyển chuyển thể hiện được chiều sâu nội tâm nhân vật và truyền tải tốt nhất mạch truyện của một tác phẩm nổi tiếng, nhóm Lính Chì đã từng nhận vẽ "storyboard" (tạo kịch bản phân cảnh) cho một số phim nước ngoài. Ngoài thực hiện những bộ truyện tranh chung của nhóm thì mỗi thành viên còn có những sản phẩm truyện tranh sáng tạo riêng hoặc nhận làm thêm những công việc liên quan tới ngành học như vẽ nhân vật, thiết kế logo, poster… và kiếm được một khoản thu nhập có ý nghĩa đối với các bạn là sinh viên.

Thầy giáo Nguyễn Tiến Việt - Giảng viên Khoa Kiến trúc & Mỹ thuật Ứng dụng, người luôn đồng hành nhóm Lính Chì bày tỏ, luôn khuyến khích các bạn sinh viên mạnh dạn hiện thực hóa những đam mê của bản thân trong cả quá trình gắn bó với bộ môn vẽ truyện tranh, nhất là vẽ truyện tranh theo nhóm. Qua đó, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để cùng học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho những ai đam mê vẽ và truyện tranh, không chỉ cho các bạn sinh viên Duy Tân mà hướng tới các bạn trẻ cùng đam mê ở Đà Nẵng.

MẪU ĐƠN

;
;
.
.
.
.
.