Miếu Hàm Trung - địa chỉ đỏ của tuổi trẻ Đà Nẵng

.

Di tích văn hóa, lịch sử Miếu Hàm Trung cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 12km về phía tây bắc, trước đây thuộc ấp Hàm Trung, làng Xuân Thiều, tổng Bình Thời Hạ, huyện Hòa Vang, nay là tổ 18, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.

Miếu Hàm Trung trở thành địa chỉ đỏ của tuổi trẻ thành phố. Ảnh: H.L
Miếu Hàm Trung trở thành địa chỉ đỏ của tuổi trẻ thành phố. Ảnh: H.L

Miếu Hàm Trung ban đầu được làm bằng tranh tre, đến năm Tự Đức thứ 13 (1860), dân làng Xuân Thiều đóng góp xây dựng miếu như ngày nay. Trong kháng chiến, Miếu Hàm Trung là nơi cơ quan cách mạng xã Tân Hiệp (sau này là xã Hòa Hiệp) đóng trụ sở trong những ngày đầu chống thực dân Pháp.

Trong những năm 1947-1954, miếu trở thành trạm dừng chân của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 96, 108 khi về hoạt động tại cánh tây bắc Hòa Vang. Có lần, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 108 Nguyễn Bá Phát (sau này là Tư lệnh Hải quân, Bộ trưởng Bộ Thủy sản) đã về đây nói chuyện, thăm hỏi nhân dân địa phương, mục đích là để nghi binh cho Trung đoàn 108 đánh trận Gò Cà thắng lợi vào năm 1950.

Ngoài ra, năm 1973, để chuẩn bị cho công cuộc giữ đất giành dân, thực hiện Hiệp định Paris, nổng cát ngay phía sau Miếu Hàm Trung trở thành địa điểm tập kết 66 tấn gạo nhằm phục cho cán bộ và nhân dân trong chiến dịch này.

Ngày nay, vào ngày 12-4 âm lịch hằng năm, người dân Xuân Thiều tổ chức cúng cầu an cầu mong thánh thần phù hộ cho dân làng bình an, xóm làng thịnh vượng.

Miếu Hàm Trung tọa lạc trên một khu đất cao, xung quanh có nhiều cây đại thụ. Miếu tuy không rộng nhưng duyên dáng, thoáng mát với chiều ngang 9m, chiều dài 12m. Miếu mang kiến trúc cổ truyền ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương. Trên nóc miếu là mô típ quen thuộc trong kiến trúc đình chùa Việt Nam với hình ảnh lưỡng long chầu nguyệt được áp nổi bằng sành sứ. Bên trong miếu chia làm hai phần: phần chính điện và phần hậu tẩm. Những năm gần đây, Miếu Hàm Trung trở thành địa chỉ đỏ của tuổi trẻ thành phố nói chung và tuổi trẻ phường Hòa Hiệp Nam nói riêng, là nơi giao thoa giữa văn hóa, lịch sử xưa và nay trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.