Khi những cơn gió phơn tây nam mang theo hơi nóng thổi rát mặt cũng là lúc những chú ve sầu bắt đầu “trỗi nhạc” báo hiệu hè về. Có lẽ, với nhiều người, tiếng ve sầu là điệu nhạc buồn lâm ly gợi nhớ khung trời mộng mơ của tuổi học trò. Tuy nhiên, có một loài côn trùng khác cũng xuất hiện vào thời điểm này lại là bầu trời ký ức tuổi thơ của tôi, đó là bọ rầy nâu. Tùy mỗi vùng, mỗi địa phương mà loài bọ rầy này có mỗi tên gọi khác nhau. Ở quê tôi, để phân biệt với bọ xít, bọ hung, bọ ngựa... thì người dân hay gọi là bù rầy nâu (hay bọ rầy nâu) vì chúng có màu vàng đậm như màu cánh gián.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Bọ rầy nâu to cỡ ngón tay cái, thân ngắn, có cánh, đầu và bộ chân rất cứng nhưng thân mềm và tròn. Chúng sinh sôi nhanh vào đầu mùa hè. Trong khoảng thời gian này, khi những cơn mưa mùa hạ rơi xuống, cây cối đâm chồi nẩy lộc, loài côn trùng có tên gọi là đuông đất từ dưới lòng đất chui lên, trưởng thành và biến thành bọ rầy tìm đến các ngọn cây để sinh sống. Bọ rầy nâu thích sống trên những tán cây diệp lục như cây dương, cây tràm hoa vàng. Đặc biệt, ở quê nội tôi, dương được trồng đại trà trên những đồi cát trắng có tác dụng làm phi lao chắn gió bão và giữ cho cát khỏi bị xói lở. Nhờ vậy mà mỗi mùa hè đến, bọ rầy nâu kéo về bám đầy lá cây, chỉ cần đứng dưới gốc rung thật mạnh là có thể nhặt được chúng.
Do ăn lá cây nên bọ rầy nâu rất sạch. Không biết thời đó vì đói hay vì thịt bọ rầy ăn rất ngon mà người dân quê tôi thường bắt về chế biến thành nhiều món khác nhau. Nhưng ngon nhất vẫn là món bọ rầy nướng hoặc chiên giòn trên chảo dầu. Khi nướng lên thịt bọ rầy thơm, mùi vị khó cưỡng. Cũng như cách chế biến dế cơm, nhộng ve hoặc bò cạp, bọ rầy chỉ cần làm sạch bằng cách ngắt bỏ cánh, chân và rút ruột, sau đó rửa lại bằng nước ấm pha muối, rồi đem ướp với đường, bột ngọt, tiêu, tỏi cho thấm đều trong khoảng 20 phút, sau đó bắc chảo lên chiên cho thật giòn.
Để bắt bọ rầy vào ban ngày, người dân quê tôi có một mẹo rất hay là nhặt phân bò, phân trâu khô đốt cho khói tỏa lên trời. Một lúc sau, bọ ngửi được mùi và bay đến vần vũ trong đám khói, rồi cứ thế cầm chổi đập cho bọ rơi xuống đất và bắt bỏ vào giỏ. Còn vào ban đêm thì chỉ cần treo một chiếc đèn pin thật sáng ngay dưới gốc cây dương, nơi có bọ rầy đang quần tụ. Chỉ vài phút sau, những con bọ rầy mê ánh sáng cứ đua nhau bay quanh rồi rơi ngổn ngang trên mặt đất. Tuy là món ăn ngon của người nghèo nhưng bọ rầy có hình dáng đặc trưng nên nhìn rất “khó nuốt”.
Tôi nhớ lần đầu tiên thử món ăn này là vì tò mò khi thấy lũ bạn nướng ăn rất sành điệu. Chúng nặn hết ruột con bọ ra rồi nhét vào đó một ít gia vị gồm tiêu, muối, ớt, bột ngọt, lá chanh và nướng trên bếp than hồng. Lúc đầu tôi có cảm giác khá sợ vì trông nó có hình thù giống với bọ hung, nhưng khi đã thử thì nhớ mãi cái vị thơm ngậy, béo ngọt của thịt bọ rầy nâu hòa lẫn với mùi vị của lá chanh và các gia vị khác. Trước kia bọ rầy được coi là loại côn trùng có hại cho nhà nông vì chúng thường hay cắn phá các đọt non, nhất là ở cây xoài, cây dâu, cây điều... Nhưng gần đây, bà con đã khám phá ra nhiều cách chế biến, biến loài côn trùng này thành món ăn thơm ngon và béo bổ. Dù vậy, bọ rầy vẫn là loài côn trùng gắn với tôi nhiều kỷ niệm đẹp của tuổi thơ hơn là một món ăn.
Ngày bé, cứ đến mùa hè, bao giờ tôi cũng được bố hoặc bạn bè trong xóm bắt cho một con bọ rầy nâu. Bọ rầy rất hiền, không cắn người như một số loài côn trùng khác. Chúng tôi cột nó vào một sợi chỉ rồi xoay tròn cho nó bay lên cao và tiếng kêu phát ra từ đôi cánh nghe ù ù rất vui tai. Trò chơi cũng chỉ có thế mà kéo dài suốt mùa hè từ ngày này qua ngày khác làm cho kỳ nghỉ của lũ học trò chúng tôi bớt nhàm chán và vô vị.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG