Người yếu thế

.

Quan tâm đến người yếu thế là thước đo văn minh của một xã hội. Tinh thần “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, luôn là lời nhắc ân cần về thái độ ăn ở mỗi người. Thấy ai đói rách thì thương vốn là đạo lý ngàn đời, sự lãnh đạm, thờ ơ trước nỗi khổ của đồng loại bao giờ cũng bị lên án, bởi sẻ chia là đạo lý, thể hiện tinh thần trách nhiệm đồng loại của cộng đồng.

Tiểu thương chợ Hàn tặng quà Tết cho người tàn tật bán vé số trên địa bàn thành phố. Ảnh: T.Y
Tiểu thương chợ Hàn tặng quà Tết cho người tàn tật bán vé số trên địa bàn thành phố. Ảnh: T.Y

Người yếu thế là thành phần tự nhiên của xã hội, họ là đối tượng tập trung nhất của chính sách an sinh của mọi Nhà nước, là niềm trắc ẩn lớn nhất cho mọi tổ chức thiện nguyện, là sự sẻ chia rộng rãi của những tấm lòng nhân ái. Ở đâu, mọi thời những người nghèo khổ, tàn tật, hành khất, người thất nghiệp, nạn nhân thiên tai dịch bệnh, có nơi còn xếp gái mại dâm, tù nhân… là đối tượng thuộc nhóm người yếu thế. Ở Việt Nam, phụ nữ (phụ nữ di cư, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ dân tộc thiểu số, góa phụ, phụ nữ cao tuổi...), trẻ em bụi đời, cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, liên giới tính, chuyển giới...), người sống chung với HIV/AIDS... cùng thuộc nhóm người yếu thế. Tổng quát có ba sự quan tâm quan trọng nhất đến người yếu thế trong cuộc sống.

Thứ nhất là sự chăm lo của chính quyền. Trước hết và có ý nghĩa quyết định là thông qua hệ thống chính sách an sinh xã hội, với việc ban hành luật và các biện pháp cụ thể, nhỏ như giảm giá các dịch vụ cơ bản (giao thông, tham quan…) đến lớn như chính sách hỗ trợ trong bảo hiểm y tế, hỗ trợ người khuyết tật, người neo đơn, tuổi cao… có thể nói bản chất của chế độ thể hiện một phần quan trọng ở hệ thống an sinh xã hội, trong đó xem nhóm người yếu thế là đối tượng cần tập trung. Hiện nay, với gần hơn 8% dân số thuộc diện chính sách, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ chi ngân sách nhiều nhất cho đối tượng này.

Đối với Đà Nẵng, thời gian qua thành phố đã tổ chức thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội với nhiều chính sách vượt trội, một trong những ưu tiên hàng đầu của thành phố là lo cho hộ chính sách, hộ nghèo. Có lẽ, một trong những thành tựu lớn nhất của thành phố là chương trình “5 không 3 có”, trong đó xóa được hộ đặc biệt nghèo và nâng mức tiêu chuẩn bình quân của hộ nghèo thành phố. Hoạt động tại các Trung tâm phụng dưỡng người có công; Trung tâm dưỡng lão, mái ấm tình thương; Trung tâm bảo trợ xã hội; Trung tâm điều dưỡng người tâm thần thành phố; Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khó khăn thành phố (Làng Hy Vọng), Trung tâm Bảo trợ Trẻ em đường phố… từ lâu được đánh giá cao, thật sự là những mái ấm cho người yếu thế.

Hằng năm thành phố đã chi hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ đối tượng xã hội; phối hợp với các đơn vị, đoàn thể hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo, tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ tiếp cận tín dụng. Trong khuôn khổ Ngân hàng chính sách xã hội, 6 tháng đầu năm đã giải ngân hơn 10.000 dự án vay gần 700 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động. Qua đó, người dân có được việc làm, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của thành phố.

Nhóm quan trọng thứ hai là “Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Thông qua doanh nghiệp và nhất là lòng hảo tâm của các mạnh thường quân, đây là nguồn lực hỗ trợ quan trọng. Hằng năm, thông qua nhiều hình thức, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ hàng ngàn tỷ đồng đến các hoàn cảnh không may, bất hạnh, bệnh hiểm nghèo. Đó là sự giúp đỡ quý báu, thiết thực nhưng còn một cách giúp khác nữa, có lẽ quan trọng hơn là các tổ chức, doanh nghiệp, những bậc đức hạnh… thông qua hoạt động của mình mà cưu mang những người yếu thế, những trẻ em bất hạnh có kế sinh nhai và khi có nghề, có việc họ sẽ lớn lên trong khả năng lao động chân chính.

Trong công tác an sinh xã hội, theo số liệu 6 tháng đầu năm, thông qua Mặt trận các cấp của thành phố đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” trên 17 tỷ đồng, chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã và đang góp phần lan tỏa tính nhân văn, nhân đạo trong cộng đồng. Có lẽ nhiều người vẫn thuộc bài hát “Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ…” hay số phận của một người mù trong “Đêm dài một đời” (Lê Tất Điều), đó là những trang thấm đẫm nỗi buồn, nhưng qua văn chương giúp ta thêm lòng trắc ẩn. Đó cũng là cách giúp cho con người tìm ra được sự giàu có tâm hồn.

Một sự hỗ trợ có lẽ là quan trọng nhất là sự hỗ trợ của chính mình. Mỗi người trong cuộc sống có những bất hạnh riêng, không ai toàn vẹn, chỉ ít hay nhiều, bi kịch hay “bình thường”, đó là những khía cạnh mà ta thường gọi là số phận. Chẳng ai sinh ra mà muốn mình rơi vào hoàn cảnh bất hạnh, nhưng bất hạnh là một phần của cuộc sống. Oán than không thay đổi được hoàn cảnh, chỉ bằng sự nỗ lực bản thân mới thay đổi được số phận. Người ta nói giúp khi ngặt chứ không giúp khi nghèo. Trừ cha mẹ còn không ai có thể lo cho ta trọn đời, tự “giúp” mình là con đường duy nhất để đạt sự cân bằng và trở nên hữu ích vững chắc.

Có rất nhiều tấm gương về sự khổ luyện, kiên trì cho một cuộc sống tốt hơn. Có những thiên tài mà cuộc đời rơi vào tận cùng bất hạnh nhưng với ý chí và nghị lực phi thường họ trở thành vĩ nhân, những tấm gương như vậy mình biết cho biết, chứ không dám so. Chỉ mong những hoàn cảnh khó khăn, những em phải nghỉ học vì cha mẹ khó nghèo, những cháu chẳng may khuyết tật… các bạn ấy không nản chí. Mưu sinh là hai từ dành cho tất cả, may thay thực tế chỉ ra rằng làm để giàu mới khó chứ làm để đủ cho một cuộc sống thì không quá khó. Vấn đề là phải luôn luôn tin rằng, trước mắt mình trong bất tận bộn bề, cạnh tranh, thua thắng… luôn có một khoảng trống để thành công, khoảng trống ấy bằng vừa vặn sự cố gắng và quyết tâm của mỗi người. Không có gì mau khô bằng nước mắt, biết vượt qua nghịch cảnh để thoát ra khỏi thân phận yếu thế bao giờ cũng là lời kêu gọi thống thiết của mỗi ai đang có trách nhiệm với cộng đồng.

Người yếu thế là một thực tế, họ không chỉ là đối tượng của lòng trắc ẩn mà qua họ là thước đo của một xã hội văn minh. “Chỉ có loài cầm thú mới quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại để làm đẹp bộ lông của mình” (K. Marx).

HUỲNH THỤC NHÂN

;
;
.
.
.
.
.