Nhà có hai người

.

Khi Mai dừng xe trước quán hủ tiếu lề đường thì đồng hồ đã chỉ mười giờ đêm. Phố lác đác người trong ánh đèn vàng vọt hắt xuống lòng đường. Chị Hồng vừa nhanh tay dọn mấy cái tô trên chiếc bàn nhựa cũ mèm vừa hỏi Mai hôm nay lại tăng ca à? Mai uể oải gật đầu rồi ngồi xuống ghế. Chị Hồng vội lấy hủ tiếu trụng nước sôi, không cần hỏi chị cũng biết Mai ăn hủ tiếu thịt, loại mười ngàn một tô. Mai nói dạo này công ty ế ẩm quá, phải tằn tiện mới đủ chi tiêu.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mai nhìn chị Hồng đang cầm vá múc nước dùng nóng hổi đổ vào tô rồi quay qua nhìn ông già đang ngủ gà ngủ gật trên chiếc ghế bố được kê dưới gốc cây cạnh mấy cái bàn. Đó là ba của chị Hồng. Lần nào ghé ăn Mai cũng thấy ông khi thì nằm lúc thì ngồi trên ghế bố, vẻ mặt của ông lúc nào cũng buồn buồn nhìn ra đường. Chị Hồng theo ánh nhìn của Mai bảo ba chị lẫn rồi. Phòng trọ chị cách đây có mấy trăm mét nhưng có lần ba chị không nhớ đường về. Ông đi lạc qua con hẻm khác. Mấy con hẻm thông nhau rối rắm như mê cung, chị đi tìm cả ngày mới thấy ba ngồi run lẩy bẩy dưới một mái hiên. May sao ba chỉ lanh quanh mấy con hẻm gần, nếu chân ba ngoặc ra đường lớn thì chẳng biết làm thế nào để tìm được ba giữa thành phố rộng mênh mông này. Khóa cửa lại thì không an tâm, chị sợ phòng trọ cháy. Thôi thì mỗi bữa đẩy xe ra bán chị dắt theo, cực một chút nhưng luôn nhìn thấy ba.

Mai nhẩn nha ăn. Mấy cái bàn kê trên vỉa hè chỉ có mình Mai ngồi. Giờ này hiếm người còn ra đường, có chăng là công nhân tăng ca như Mai về muộn. Phố đã vắng người nhưng Mai lại không thích về nhà trọ sớm. Cảm giác mở cửa ra, đợi chờ mình là căn phòng trống huơ trống hoác luôn khiến Mai buồn ngơ ngẩn. Mai hay ngồi nán lại, kéo dài câu chuyện với chị Hồng.

Ông già ôm ngực rũ một tràng ho. Cái lưng còng khiến đầu ông gần chạm vào đầu gối. Chị Hồng lục tìm trong túi áo chai dầu gió màu xanh bôi vào cổ ba. Chị bảo tại mấy nay mưa hoài, ba cảm lạnh. Mai nhìn cái dáng gầy gò của ông mà bất giác nhớ ba quá chừng. Hồi Tết về Mai có lắp camera ở nhà để tiện trông chừng ba. Nhà có một mình, Mai lại đi xa lắc. Ba đâu biết cái cục tròn tròn bằng nắm tay treo trên tường kia có thể truyền hình ảnh cho con gái thấy mình mọi lúc. Bữa Mai mở camera lên xem, thấy ba đang ngồi ăn cơm với dĩa rau luộc chấm nước mắm. Vậy mà ba hồ hởi nói qua điện thoại với Mai rằng nay ba ăn cơm với thịt kho. Mai ứa nước mắt mỗi lần thấy ba ngồi thẫn thờ trong căn nhà vắng tiếng người.

***
Cả tuần nay Mai chạy xe ngang qua thấy chị Hồng không dọn quán bán. Đầu vỉa hè trống trơn, mấy chiếc bàn nhựa cũ kỹ được chằng buộc cẩn thận gửi nhờ mái hiên bên cạnh. Lá vàng rụng lả tả thành một lớp trên vỉa hè. Mai nghĩ thầm chẳng biết chị Hồng xảy ra chuyện gì. Mai cũng không có số điện thoại của chị để hỏi. Rồi hai bữa sau, Mai mừng rỡ thấy chị Hồng hì hụi trụng hủ tiếu bên nồi nước dùng nghi ngút khói. Thấy ánh mắt lo lắng của Mai chị bảo ba viêm phổi, chị phải đưa ba nhập viện. Ba về phòng trọ rồi, còn yếu lắm nhưng chị phải ra bán chứ không mất hết khách.

Chị Hồng đặt trước mặt Mai tô hủ tiếu nóng hổi rắc mấy cọng hẹ với hành phi thơm lừng. Mai hít hà rồi bảo cả tuần không ăn Mai thèm quá chừng. Chị Hồng nói chị nấu ngon bằng một góc của ba. Hồi đó nhà chị ở Quảng Ngãi, làm có mấy sào ruộng mà mưa bão liên miên nên nghèo thấy tội. Mấy chị em của chị đứa nào cũng nheo nhóc, gầy còm như mấy cây sậy mọc trên đất cằn. Ba nhìn mấy đứa con giành nhau con cá rô chiên ba bắt được ngoài đồng mà nheo trán nghĩ ngợi. Có những đêm chị thấy ba ngồi hút thuốc không ngủ. Một ngày ba quẩy ba lô bắt xe đò vào thành phố. Không biết ba làm chi trên phố mà mỗi tháng ba gom mớ tiền lẻ xếp lại ngay ngắn, cột lại mấy bận trong lớp ni lông gửi theo xe về cho má. Tới Tết ba về, thấy bàn tay của ba nổi từng mảng chai, mấy móng tay xước đến rướm máu chị mới biết ba đi phụ hồ. Ba dị ứng với xi măng, từng mảng da đỏ ửng, ba gãi đến tróc cả da.

Qua Tết, má nắm lấy ba lô bảo ba đừng đi nữa. Ba bặm môi bước lên xe đò, không đi thì biết lấy gì nuôi con ăn học ở cái xứ thiên tai hạn hán triền miên. Vào thành phố, ba được đồng hương cùng dãy trọ thương tình chỉ cho nấu hủ tiếu gõ. Đồng hương cũng từ nghèo khổ đi lên, chỉ ba cách nấu nước dùng thêm củ cải cho ngọt, chỉ cách trụng hủ tiếu sao cho không mềm quá, chỉ cách làm hành phi, xắt lá hẹ. Ba đánh liều vét hết tiền mua một chiếc xe hủ tiếu, chiều tối đẩy xe đứng đầu con hẻm. Rồi ba về quê dắt chị lên phố phụ ba bán. Hồi đó chị đã nghỉ học ngang xương vì nhà nghèo quá.

Ba miệt mài với chiếc xe hủ tiếu đến nửa đời người. Mà bán hủ tiếu hầu như chỉ đứng nên hai đầu gối của ba lúc nào cũng mỏi nhừ, đau nhức. Những giấc ngủ đêm trong nhà trọ của chị luôn có mùi dầu cù la ba bôi lên chân cho đỡ đau. Chẳng ngày nào ba nghỉ, kể cả Tết. Ba nói Tết hàng quán nghỉ hết, mình bán mới đông khách. Khi chị lên xe về quê ăn Tết, ba vẫn ở lại cặm cụi làm, giấu ánh mắt nhớ quê vời vợi. Mấy đứa em chị nhờ đó mà được học hành, bé Út còn học lên đại học. Má mất, ba về quê ít năm lại lên thành phố. Giờ mấy đứa em đều có gia đình riêng, còn chị không có chồng nên ở với ba. Ba chỉ chị cách nấu hủ tiếu, rồi ba nghỉ, chị ra đứng bán thế ba.

***
Mai trở người không ngủ được. Mưa rào rào trên mái tôn nhà trọ. Mùi ẩm ướt len lỏi vào phòng. Mai mở điện thoại, bật camera lên xem. Giờ này ba vẫn chưa ngủ, ba ngồi ngoài hiên và hút thuốc. Mai điện về cho ba, nhắc chừng ba đừng hút thuốc và đi ngủ sớm. Ba bảo mình bỏ thuốc lâu rồi, đang ngủ thì Mai điện làm ba tỉnh giấc rồi dặn Mai đi ngủ sớm đi, đừng có lo lắng mà điện cho ba nửa đêm.

Mai tắt vội điện thoại, nước mắt ào ào chảy. Tiếng cành lá cọ ràn rạt vào mái tôn lẫn trong tiếng mưa làm Mai nhớ căn nhà của mình mùa mưa bão. Mưa lạnh cóng, gió rít từng cơn, Mai co rúm người sợ hãi. Ba vỗ vỗ vào lưng Mai bảo đừng sợ có ba đây rồi. Mai thút thít khóc vì nhớ mẹ, rồi ngủ vùi trong mùi mồ hôi nồng nồng của ba. Mẹ đi xuất khẩu lao động để thoát nghèo. Nhưng cuối cùng mẹ ở luôn bên đó. Có lẽ mẹ sợ căn nhà dột tứ bề với cái cửa sổ run lên bần bật mỗi khi mưa bão về. Ký ức về mẹ nhạt nhòa dần, căn nhà giờ chỉ có hai người nương tựa vào nhau.

Mai thích ăn cá, mà hồi đó nhà nghèo dễ gì ba có tiền để đi chợ mua được con cá tươi. Mai nhớ mãi mùa mưa năm đó. Mưa ràn rạt, nước lớn nhanh, chẳng mấy chốc mà nước lên đồng. Ngồi trong nhà mà ba nhấp nhổm không yên, ba nói nước lớn vầy sẽ có cá bơi ngược dòng, giờ ba ra thả lưới kiểu gì cũng có mớ cá rộng trong lu để dành cho Mai ăn. Mai nghe gió rít mà lắc đầu nguầy nguậy nhưng ba cương quyết đi. Đêm đó ba suýt chết. Nước lớn nhanh quá làm chiếc ghe nhỏ của ba lật nhào. May sao có người cũng đi thả lưới thấy và cứu được. Đến nửa đêm ba mới về, người ba run lên bần bật vì lạnh nhưng đôi môi tái nhợt như của ba vẫn cố cười để Mai yên lòng. Sáng hôm đó, ba dậy sớm kho cho Mai một nồi cá đồng kho nghệ. Thì ra trong lúc lật ghe, ba vẫn cố giữ được cái giỏ cá ba vừa thả được.

Mai tằn tiện chi tiêu, tháng nào cũng gom góp gửi về một mớ, bảo ba ưng sắm sửa hay ăn uống gì ba cứ mua. Tiền lương là lý do níu Mai ở lại với phố chừng ấy năm trời. Ba thở dài qua điện thoại nói tiền Mai gửi ba không tiêu, cất đó để mai mốt cho con lấy chồng. Mai cười mình ở vậy với ba suốt đời. Cả năm rồi Mai không về, chỉ thấy ba qua chiếc màn hình nhỏ xíu. Thấy ba lặng lẽ đi lên đi xuống một mình mà lòng nặng trĩu.

***
Một bữa Mai ghé quán hủ tiếu, chị Hồng nói bán bữa nay nữa thôi, mai chị sửa soạn dắt ba về quê. Mai sững người nhìn chị. Chị Hồng nói ba nhớ nhớ quên quên, có khi nhìn chị mà hỏi con Hồng đâu rồi. Có những ngày chị nhìn ba buồn thiu ngồi ngó dòng người xuôi ngược. Giữa những lằn ranh quên nhớ ba vẫn nhắc tên làng tên xóm cũ, nhắc cô Hai, cậu Bảy. Chị chợt nhận ra lúc này ba cần một chốn bình yên, cần một bầu không khí trong lành để thở, cần hàng xóm thân tình để hàn huyên mỗi ngày. Về quê chắc chị dẹp luôn gánh hủ tiếu, về trồng rau nuôi gà, tiền chắc chẳng kiếm được bao nhiêu nhưng chị biết ba không thể tha hương thêm ngày nào nữa.

Miếng hủ tiếu bỗng trở nên trệu trạo trong miệng Mai. Chị Hồng nói chuyện của chị sao cứ như nói về Mai vậy. Mai nhìn ra ngoài đường, nhẩm tính có đến mười năm mình làm kẻ tha hương rồi. Cũng chừng ấy năm ba thui thủi. Tô hủ tiếu còn nhiều nhưng Mai không ăn được nữa, Mai lấy tiền ra trả nhưng chị Hồng bảo để chị mời. Giữa thành phố xa lạ này, được quen biết nhau cũng là cái duyên rồi.

Những tối tan ca muộn mằn, trước con hẻm không còn quán hủ tiếu xì xụp người ăn. Mai để bụng đói chạy về phòng trọ. Mai nghĩ giờ này ở quê, chắc ba chị Hồng đang ngồi trò chuyện râm ran cùng hàng xóm bên ấm trà thơm. Hoặc có lẽ ông đang nằm tòn ten trên chiếc võng mà hóng gió. Mấy khớp chân sưng vù, cái lưng đau của ông nhờ không khí dễ chịu ngoài quê mà đỡ hẳn. Mai mở cửa phòng trọ. Và hàng ngàn lần, sự trống trải ập vào lòng Mai.

Mai bật camera lên lặng lẽ nhìn ba. Ông đang ngồi dựa lưng vào tường. Dưới đất là chén cơm và một dĩa rau. Mai ứa nước mắt, bấm điện thoại gọi cho ba. Ba nói ba đang ăn cơm với cá. Mai cắn chặt môi, một lúc sau mới nói thành câu: “Mai con về với ba, con về luôn, về kho cá cho ba ăn, nhà mình rồi sẽ có hai người…”.

NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN

;
;
.
.
.
.
.