Nhớ một thời làm báo

.

Nhắc nhớ và chia sẻ một số kỷ niệm về những năm tháng làm Báo Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi Báo Quảng Nam, sau đó là Báo Đà Nẵng, tôi có chút tự hào khi mình đã một thời cống hiến với tất cả nhiệt huyết và tình yêu tuổi trẻ. Nhắc nhớ để yêu thương hơn, trân quý hơn những tháng năm làm báo với bao nhọc nhằn, gian khó nhưng cũng đong đầy tình yêu mãnh liệt, niềm tin cháy bỏng và khát khao đóng góp cho sự nghiệp báo Đảng ở mảnh đất chưa mưa đà thấm này.

Báo Quảng Nam - Đà Nẵng cuối tuần phát hành ngày 2-1-1993. Ảnh: M.T
Báo Quảng Nam - Đà Nẵng cuối tuần phát hành ngày 2-1-1993. Ảnh: M.T

Năm 1995 tôi được xét tuyển hợp đồng tại Báo Quảng Nam - Đà Nẵng, trụ sở số 25 Lê Hồng Phong, Đà Nẵng và nhận việc tại Phòng Văn hóa - Xã hội do chị Lê Thị Hòa làm Trưởng phòng. Những năm tháng đó, ngoài việc viết tin, bài, tôi còn tích cực tham gia khai thác các hợp đồng phát hành và quảng cáo cho cơ quan.

Công việc đang ổn định được gần 2 năm, thì tháng 1-1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia thành hai đơn vị hành chính mới, vì vậy Báo Quảng Nam - Đà Nẵng cũng chia thành Báo Quảng Nam và Báo Đà Nẵng. Được biết, lúc đó theo chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy (lâm thời) Quảng Nam, là ưu tiên nguồn nhân lực cho Quảng Nam nói chung, trong đó có Báo Quảng Nam. Một chiều nắng hanh vàng đầu tháng Giêng năm 1997, anh Đinh Văn Mãnh gọi tôi qua nhà anh Hồ Duy Lệ để trao đổi, bàn chuyện đi Quảng Nam. Thời điểm đó, tôi chỉ nghe tên anh Hồ Duy Lệ là Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nổi tiếng với tập bút ký Cát xanh. Và sau cuộc trao đổi, động viên của anh Hồ Duy Lệ và anh Đinh Văn Mãnh, tôi đồng ý xung phong đi Quảng Nam.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo hai tỉnh, thành phố và với tinh thần tất cả vì Quảng Nam yêu thương, tôi nhớ vào thời điểm đó, anh Ngô Quy Nhơn, Tổng Biên tập Báo Quảng Nam - Đà Nẵng và Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng khi họp bàn việc phân chia nguồn nhân lực cán bộ, phóng viên, nhân viên cũng như tài sản, trang thiết bị, máy móc... nhất quán chủ trương cái gì tốt nhất đều dành cho Báo Quảng Nam, nhất là lực lượng phóng viên trẻ, được đào tạo bài bản cũng ưu tiên dành cho Báo Quảng Nam. Vậy là, tôi, các anh chị: Phan Tấn Tu, Nguyễn Tấn, Phạm Tấn Tư, Lê Văn Nhi, Trịnh Dũng, Nguyễn Thanh Thủy, Trương Ngọc Ánh, Phan Chín, cùng nhiều đồng nghiệp khác, gồm 15 cán bộ, phóng viên và nhân viên lên đường nhận nhiệm vụ tại Báo Quảng Nam.

Báo Quảng Nam phát hành ngày 8-7-2024. Ảnh: S.T
Báo Quảng Nam phát hành ngày 8-7-2024. Ảnh: S.T

Ngày ấy, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng là tờ báo khổ lớn, gồm 8 trang in trắng đen, số Chủ nhật in 4 màu. Sau khi chia 2 tờ báo, măng sét Báo Đà Nẵng màu đỏ, do anh Ngô Quy Nhơn làm Tổng Biên tập, măng sét Báo Quảng Nam màu xanh, do anh Hồ Duy Lệ đang là Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy (lâm thời) Quảng Nam điều động làm Tổng Biên tập. Thời điểm ấy, Báo Quảng Nam xuất bản mỗi tuần 4 số, vào các ngày thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy và số Chủ nhật in tại Đà Nẵng, vì Xí nghiệp In báo Quảng Nam chưa di chuyển vào Tam Kỳ. Những ngày tháng đầu tiên về với Quảng Nam thật quá nhiều khó khăn; không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất, về phương tiện tác nghiệp, mà còn đó là sự xa nhà, xa vợ con, mặc dù khoảng cách giữa Đà Nẵng và Tam Kỳ chỉ 70km. Trụ sở Báo Quảng Nam tại số 20 Phan Bội Châu, Tam Kỳ vốn là cơ sở sản xuất của Công ty Nước khoáng Phú Ninh ngổn ngang nhà xưởng, chai lọ, mảnh chai chưa được bàn giao rốt ráo.

Chia sẻ những khó khăn vất vả, Ban Biên tập Báo Đà Nẵng đã dành một số phòng cho Ban Biên tập Báo Quảng Nam tạm trú ở số 42 Trần Phú để làm việc và thực hiện khâu tòa soạn, in, phát hành báo. Và sau buổi chia tay đầy lưu luyến vào ngày 21-2-1997, bộ phận phóng viên di chuyển về Quảng Nam, bộ phận văn phòng, hành chính và tòa soạn ở lại Đà Nẵng. Đến khi Báo Quảng Nam phát hành số báo đặc biệt nhân kỷ niệm Quốc khánh 2-9-1997, in tại Xí nghiệp In báo Quảng Nam tại Tam Kỳ, thì bộ phận tòa soạn Báo Quảng Nam mới chia tay anh chị em Báo Đà Nẵng, chia tay ngôi nhà chung thân yêu ở 42 Trần Phú, Đà Nẵng, vào với ngôi nhà mới ở số 20 đường Phan Bội Châu, thị xã Tam Kỳ.

Báo Đà Nẵng phát hành ngày 11-7-2024. Ảnh: S.T
Báo Đà Nẵng phát hành ngày 11-7-2024. Ảnh: S.T

Những ngày đầu về với Quảng Nam, một cảnh hai quê, khó khăn chất chồng, nhất là trong khâu gửi tin, bài về Đà Nẵng, công tác phát hành... Nhớ lại mà thấy nao nao, cứ cuối mỗi giờ chiều, phòng Phóng viên Báo Quảng Nam phải gửi tin, bài, hình ảnh về tòa soạn tại Đà Nẵng bằng xe buýt. Sáng sớm hôm sau, bộ phận hành chính - trị sự phải gửi báo theo xe buýt để phát hành tại Quảng Nam. Địa bàn Quảng Nam rộng, đội ngũ phóng viên của Báo Quảng Nam còn mỏng nhưng phải trải dài trên các vùng miền từ biên giới đến biển đảo, từ miền núi đến đồng bằng. Nhớ những ngày khô hạn nắng cháy da người, nhớ trận lũ lụt kinh hoàng vào năm 1999, từ các anh trong Ban Biên tập đến cán bộ, phóng viên, nhân viên tòa soạn, hành chính tuân thủ với chế độ “lính xa nhà”: Ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân.

Hơn một phần tư thế kỷ trôi qua, hiện nay, tuy vẫn gặp không ít khó khăn trong cơ chế tài chính, nhất là đối với báo giấy, nhưng hai cơ quan đã nỗ lực vượt lên chính mình tập trung dồn sức phát triển báo điện tử, triển khai hoàn thành việc xây dựng Đề án chuyển đối số báo chí, tòa soạn hội tụ... Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo Đà Nẵng và Báo Quảng Nam ngày càng lớn mạnh, có phẩm chất chính trị vững vàng và tinh thông nghiệp vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị được bảo đảm tốt hơn, hiện đại hơn. Hai tờ báo ngày càng không ngừng phát triển mạnh mẽ theo xu thế của báo chí hiện đại và là những tờ báo Đảng mạnh ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Thời gian như thoi đưa. Mới đó mà cũng tròn trèm mấy chục năm trôi qua. Nhắc nhớ và chia sẻ lan man một số kỷ niệm về những năm tháng làm báo Đảng để tự hào mình đã có một thời cống hiến với nhiệt huyết và tình yêu tuổi trẻ.

ĐINH VĂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.