Như hoa phong lan chờ đợi

.

Cuối tuần rỗi rãi, tôi ngồi một mình trong quán vắng, nghe tiếng nhạc du dương êm đềm. Từng câu, từng lời của bài hát "Ngày mai anh lên đường" chảy vào tim, ngọt ngào trong vắt như nước suối rừng. Lòng bồi hồi theo ký ức xuôi về miền biên viễn, tôi chìm ngập trong nỗi nhớ xa xăm, tuổi ấu thơ ngày xưa hồn nhiên bên cha, bên giàn phong lan thơm ngát hương đưa.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Sinh ra ở miền trung du nhiều nắng gió và cây rừng, từ lúc biết nhìn nhận cuộc đời, tôi đã thấy vây quanh mình là màu xanh cây lá, là tiếng chim ca ríu ran trên khắp tầng không, là ánh mặt trời trong vắt như mật ong tràn trề chảy suốt triền đồi. Căn nhà gỗ ba gian gắn bó suốt tuổi thơ tôi dựng trên một con dốc cao, khuất lấp sau tàn cây lòa xòa che bóng.

Cha tôi trước đây là người dưới đồng bằng, theo bạn bè phiêu dạt làm ăn, đến miền cao nguyên thì gặp mẹ tôi, một cô gái bản địa có nước da bánh mật và đôi mắt to tròn dưới hàng mi rậm. Cha mẹ cưới nhau, ngày qua tháng lại làm lụng vất vả, đến khi có của ăn của để mới sinh ra tôi. Từ nhỏ đến lớn, tôi sống trong vòng tay yêu thương bảo bọc của người thân, cuộc sống hằng ngày quẩn quanh bên những triền đồi, làm bạn với cây cỏ chim muông.

Cha rất yêu phong lan, buổi sớm sương mai còn ngái ngủ trên mỏm núi cao, cha đã thức dậy nấu ấm nước chè xanh, ngồi trước hiên nhà trầm ngâm ngắm những dò hoa thơm ngát. Công việc nhà nông vất vả là thế, nhưng hễ rỗi việc nương rẫy là cha vác rựa vào rừng, lặn lội đến những khe núi hiểm trở, tìm lấy từng khóm lan nhỏ xíu ban sơ. Như đứa trẻ được quà, cha cười vui thích, thận trọng đặt hoa vào chiếc gùi mây, mang về nhà chăm chút cẩn thận. Những cái rễ, cái lá khẳng khiu bé xíu dưới đôi tay chai sần của cha cựa mình lớn dần. Đến khi lan trổ nụ, cha hồi hộp đếm từng ngày từng giờ, sốt ruột đi tới đi lui, y hệt như ngày mẹ tôi sinh đứa em sau.

Cái giàn gỗ bên hông nhà, nhờ sự cần mẫn của cha mà ngày càng nhiều thêm những giống phong lan quý. Tết đến, nghinh xuân bung cánh trắng lốm đốm, mùi thơm ngọt dịu khiến khách đến chơi nhà lưu luyến mê say. Hạ sang, kiều tím nở từng chùm dài và dày, hương đưa nhẹ nhàng phảng phất trong gió, cái nắng miền Trung vì thế cũng dịu bớt đôi phần. Mùa thu mát mẻ, quế tháng Tám bung cánh xòe, màu trắng vàng phơn phớt, e ấp diễm lệ như cô gái đang độ xuân thì. Gió đông thổi về, phi điệp kiên cường trong giá lạnh, hoa tím thanh khiết cao ngạo chẳng màng thế tục.

Như con ong thợ cần mẫn, cha dồn hết tâm lực cho những chậu lan rừng. Có đêm cha thức rất khuya, cắt từng thanh gỗ nhỏ, uốn từng chiếc vòng sắt, làm thành những chiếc chậu gỗ bé xinh, tỉ mẩn đặt khóm hoa lan vào trong, treo lên trước hiên nhà, để ong bướm kéo về tìm mật. Bạn bè thân quen, thương quý lắm, đợi dịp lễ trọng, cha đem tặng một nhánh phong lan. Mối thâm giao vốn đã đậm sâu, nhờ loài hoa rừng ban sơ làm chất kết dính, lại càng thêm bền chặt.

Lớn hơn một chút, tôi biết thương cha mẹ vất vả, mỗi sáng đều dậy thật sớm, phụ mẹ quét lá, gánh nước. Cha vẫn ngồi dưới giàn hoa lan trầm ngâm, nhìn mãi về những vạt rừng ngút ngàn. Khẽ khàng, tôi đến bên cha, rót nước chè từ ấm vào chiếc bình tích, chất nước vàng trong tỏa lên sợi khói mỏng. Những lúc như vậy, cha thường nhìn tôi với đôi mắt ngập đầy nỗi buồn và những dự cảm xa xăm, dặn tôi hãy như hoa phong lan, giữ vững thiện lương, kiên cường mà sống. Giữa vùng non cao không bóng người lại qua, hay ở chốn thị thành phồn hoa đô hội, phong lan vẫn giữ một nhiệm vụ độc nhất, vĩnh cửu là tỏa hương sắc. Nó làm thiên chức ấy một cách cần mẫn, bền bỉ, không mong cầu, không đòi hỏi. Có những giống phong lan quen với khí hậu vùng miền, quen với cảnh xưa chốn cũ, đột nhiên bị bứng về trồng trong nhà kính, không chịu được mà chết dần chết mòn. Đấy là khí tiết bất khuất kiên cường, không thỏa hiệp với nghịch biến của cuộc đời. Người yêu hoa lan vì thế phải tìm hiểu kỹ càng, chăm chút tỉ mỉ. Bao nhiêu năm say đắm loài hoa này, cha luôn âm thầm học theo cách sống của nó.

Thời gian bước đi từng nhịp đều đặn, cha ngày càng lớn tuổi, đôi mắt không còn tinh tường, sức lực không còn dẻo dai, nhưng mỗi sáng cha vẫn giữ thói quen dậy sớm uống nước chè và tưới nước cho những dò hoa. Trong khi mân mê những cánh phong lan, cha thích ngâm nga bài hát "Ngày mai anh lên đường", giọng cha trầm đục như tiếng chuông rè mà thân thương đến lạ. Chị em chúng tôi nghe cha hát, tự nhiên nhớ, rồi rủ nhau hát theo. Cha già, để lại tuổi trẻ cho chúng tôi khôn lớn. Như đàn chim rừng đủ lông mao lông vũ, mấy chị em lũ lượt rời nhà, đi học đi làm xa rồi lập gia đình, định cư nơi phố thị.

"Như hoa phong lan chờ đợi/ Sương gió không phai tàn...". Tiếng nhạc vẫn dập dìu trôi chảy, lòng tôi tan theo bao hồi ức êm đềm. Những ngày hè xa tít tắp, cả nhà ngồi chỗ góc vườn nghe gió thổi vi vu trên tóc mai, uống một bát nước chè xanh, chuyện trò bên nhau, cười đùa ca hát. Không biết giờ này trên thăm thẳm cao nguyên, cha đang làm gì nhỉ? Mùa này, có loài hoa phong lan nào bung nở? Nay mai thôi, dù có bận rộn thế nào, tôi cũng sẽ gác lại tất cả, bắt một chuyến xe sớm về lại ngôi nhà xưa yêu dấu. Cha sẽ đón tôi với nụ cười hiền lành, dưới giàn phong lan, cầm tay dặn dò chuyện xử thế đối nhân...

LÊ NHUNG

;
;
.
.
.
.
.