Phía sau tro tàn

.

Từ căn phòng mình ở tầng hai, ông Hùng nghe rõ từng lời qua tiếng lại của vợ chồng con trai trên tầng ba. Hai căn phòng chỉ cách nhau vài mét tường. Bình thường cả hai phòng đều đóng kín cửa, mở máy lạnh, nhưng dạo này trời mát mẻ hơn, ông Hùng hạn chế dùng máy lạnh để tránh những cơn đau xương khớp gây khó chịu.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lời qua tiếng lại trên căn phòng con trai ông lúc đầu chỉ vừa phải, như tiếng trò chuyện, sau đó thanh âm ngày càng vọng rõ hơn, đến đoạn cao trào, giọng của cô con dâu như hét lên: “Khi còn trẻ, ba nuôi con gái chứ đâu có nuôi con dâu, sao giờ bắt con dâu lo từng bữa ăn?”.

Choang. Tiếng mảnh vỡ trên nền nhà. Cảm giác những mảnh vỡ ấy vung vãi khắp nơi trong căn phòng 20m2. Ông Hùng đoán âm thanh vỡ vụn ấy phải từ một vật dụng to, có thể là bình hoa. Loại bình hoa cao, có cổ, mà Vũ - con trai ông dùng để chưng nhành thạch nam của khách hàng phía Bắc gửi tặng, hay mấy loại cây có cành, sống trong nước mà Vũ rất thích. Vũ nói, thiên nhiên giúp tính khí con người điềm đạm lại. Ở thành phố này, tiện ích gì cũng có, chỉ là con người thiếu đi nguồn kết nối với thiên nhiên từ bao giờ. Điều đó là một mất mát đáng kể. Nhưng chỉ những ai trong chuyên ngành như Vũ mới hiểu, chứ bình thường, người ta quan trọng cơm ăn, áo mặc, chứ thiên nhiên có là gì?

Có lần, một bà mẹ dẫn đứa con đến gặp Vũ để mong được điều trị. “Cháu 13 tuổi, ăn kém, ngủ thường xuyên mộng mị nên có những hôm thức giấc mặt mũi phờ phạc. Chị sợ cháu bị suy nhược cơ thể quá, bác sĩ”. Vũ chuyên về dinh dưỡng, nhưng anh có học qua ngành tâm lý, mà cả hai lĩnh vực này có sự liên đới mật thiết đến không ngờ. Vũ gợi ý với chị đưa cháu về vùng nông thôn trong mùa hè này, để cháu tiếp xúc với thiên nhiên, tránh xa game vì những cảm xúc thắng thua đều không tốt cho tinh thần cháu. Vũ “bắt thuốc” cho cháu bằng một lịch trình: mỗi sáng sớm đi dạo ngoài vườn cây, không chơi game, ăn, ngủ đúng giờ, tham gia môn thể thao ngoài trời nào đó. Có vậy thôi mà tình trạng của cháu cải thiện rõ rệt gây ngỡ ngàng cho người mẹ. Hóa ra, sự kết nối với thiên nhiên như một cuộc trở về cần thiết với mỗi người. Lần trở lại thăm, người mẹ đem tặng Vũ một cặp cây kiểng để trước hiên nhà.

Vậy nên, trong không gian sống của Vũ luôn có rất nhiều cây xanh. Nhìn đâu cũng thấy cây. Ấy vậy mà cũng có lúc anh không kìm được cơn nóng giận như một ngọn lửa bùng lên từ bên trong. Nhất là khi nhìn vào vẻ mặt câng lên đầy khiêu khích của Thu, khi nói về người cha mà Vũ hết mực yêu thương.

Từ trên phòng mình, ông Hùng nhói đau nơi ngực trái khi hình dung ra bối cảnh đổ vỡ trong căn phòng con trai. Ông không giận con dâu, chỉ thấy thương. Niềm thương dấy lên cho những kiếp người nhiều truân chuyên.

***
Buổi sáng, ông Hùng dậy sớm, cầm bình phun sương tưới đẫm lá với gốc mấy chậu bonsai trước nhà. Nhìn những chiếc lá non vươn mình đón nắng gió, ông thấy tâm trạng mình cũng dễ chịu hơn hẳn.

Trong lúc Vũ dắt xe đi làm, ông mở cổng, giọng rổn rảng nói với Vũ: “Bữa nay trong xóm mình mở thêm mấy quán cơm trưa. Ba ăn rồi, hợp khẩu vị lắm nên trưa ba đi bộ ra đó ăn rồi về, vừa khỏe chân, vừa ngắm phố phường cũng thích, vợ chồng con không phải lo cơm nước gì cho ba đâu”.

Vũ khựng lại trong ánh mắt, anh đủ tinh ý để đoán ra ba đã biết cuộc cãi vã hôm qua của hai vợ chồng. Anh thấy thương ba, người đàn ông cặm cụi cả tuổi trẻ để nuôi chị em Vũ lớn khôn, định hướng nghề nghiệp cho Vũ, ba làm bất cứ điều gì chỉ mong cho Vũ có tương lai tươi sáng. Vậy mà ở tuổi về hưu, Vũ chẳng thể lo được cho ba điều đơn giản nhất đó là 3 bữa cơm mỗi ngày. Vũ thấy mình quá tệ. Càng nghĩ, Vũ càng giận Thu. Nhưng đó cũng là điều Thu nói ngay từ những ngày Vũ ngỏ lời yêu cô, muốn cưới cô làm vợ. Thu là người thành phố. Lên đến đại học vẫn chưa tự cắm nồi cơm điện nấu cơm lần nào, tất cả việc nhà đã có mẹ, các chị làm thay. Vì vậy mà Thu nói với Vũ, làm gì cũng được, nhưng đừng bắt Thu vào bếp. Tuổi trẻ, Vũ nghĩ đơn giản lắm! Không biết nấu ăn ư, có hề gì, giờ hàng quán đầy đường. Khi ấy, Vũ quên mất chị gái cũng sẽ đi lấy chồng và cha già cần cơm canh nóng mỗi ngày. Tình yêu như loại men nồng khiến Vũ ngất ngây say, anh nói chỉ cần có Thu trong cuộc đời đã là món quà quý để anh trân trọng, nâng niu.

Vậy mà giờ, anh nói Thu sắp xếp đi chợ, nấu đồ ăn để sẵn cho ba. Đến bữa, ba chỉ việc hâm lại là có bữa ăn lành mạnh. Thu giãy nảy lên, Vũ không giận, nhưng đến khi Thu đưa ra ý nghĩ đầy tính toán, bảo là “ba chăm con gái thì nói con gái chăm lại ba, chứ sao lại là con dâu”, lúc đó, Vũ thấy Thu quá đáng lắm. Anh không thể sống cùng người vợ có học thức mà lại mang ý nghĩ ích kỷ như vậy với bậc sinh thành. Rồi cô ấy sẽ dạy con trai mình thành người như thế nào? Vũ không dám nghĩ tiếp.

Chạy xe ngoài đường, Vũ hình dung mỗi trưa, ba đi ra hàng quán mua cơm hộp về nhà ngồi ăn một mình. Lòng anh đau quặn thắt. Chắc chắn anh phải làm gì đó cho ba, khác bây giờ…

***
Sáng cuối tuần, mây bay lửng lơ trên nền trời. Ông Hùng hay nhìn bầu trời để đoán nắng mưa. Ấy là vì ông không dùng các thiết bị công nghệ thôi, chứ bây giờ hiện đại rồi, người ta đoán được cả hướng gió, tốc độ gió, lượng mưa, khá chính xác. Dẫu vậy, cũng chẳng ai đoán ra lòng dạ con người.

Hôm nay, Thu nói với ông Hùng sẽ về ngoại thăm cu Bi, và ở đó ít ngày vì cảm thấy trong người không khỏe. Ông Hùng nghe, đã đoán ra phần nào câu chuyện. Ông nghĩ, vợ chồng trẻ giận hờn cũng là chuyện thường tình. Đôi khi, sau những giận hờn càng thêm khắng khít với nhau hơn. Nhưng đến khi Vũ cũng xin phép ông đi ít ngày, ông đã thấy chuyện chẳng lành. Vũ nói với ba: “Con để sẵn thức ăn trong tủ, đến trưa đói bụng ba hâm lại ăn nha!”. Vũ dắt xe đi, những bước chân chậm lại đôi chút, anh nói thêm với ba: “Ba chờ con sắp xếp rồi sẽ mở phòng làm việc tại nhà, như dự định mà con đã nói với ba ngày trước, nha ba!”.

Vũ từng nói với ông Hùng sẽ đi làm vài năm nữa để có thêm kinh nghiệm, vững vàng hơn, anh sẽ mở phòng tư vấn dinh dưỡng tại nhà. Anh muốn có sự chủ động để chăm sóc ba và đón cu Bi về nhà. Chẳng phải lúc xây nhà, ông Hùng đã xây hẳn cho cu Bi một căn phòng riêng. Ông rất muốn sống cùng con cháu cho nhà cửa đông vui, ấm áp, Vũ biết ý định đó của ba. Biết đâu sau mâu thuẫn với Thu lần này, anh sẽ đưa ra quyết định sớm hơn.

Trưa đó, trong căn nhà quạnh quẽ chỉ có một mình, ông Hùng đi loanh quanh cho khuây khỏa. Đi ngang căn phòng của con trai, ông nảy lên ý nghĩ vào phòng con. Ông liền lục tìm lại chìa khóa, cũng may, nó nằm đúng vị trí ban đầu, khi ông trao cho Vũ và giữ lại một chìa. Vào phòng con trai, ông có chút tò mò, xem thử bình hoa mà Vũ rất thích có còn nguyên vẹn? Nhưng ánh mắt ông Hùng bị thu hút bởi một tờ giấy thẳng thớm để trên bàn: Đơn xin ly hôn. Bên dưới là chữ ký với những nét đều đặn của Vũ. Ông Hùng lặng người đi.

Ông đứng bên cửa sổ phóng tầm mắt ra ngoài, mà chẳng nhằm vào đâu, tâm trí ông rất mông lung. Ông nhớ lại những đêm nhạt lòng thấy thời gian như vô tận, khi vợ ông đột ngột bỏ lại cha con trong một tai nạn. Nếu không có chị em Vũ, ông đã không thiết sống nữa. Nhưng rồi, con cái dù có khăng khít bao nhiêu vẫn chẳng lấp đầy khoảng trống từ người bạn đời đầu ấp tay gối mỗi ngày. Cho đến bây giờ, những đêm trắng nhìn vào khoảng không, ông vẫn bị nỗi cô đơn nuốt trọn. Ông thương Vũ, không thể để cho Vũ trở thành bóng hình của mình ngày xưa được. Vũ cần có một cuộc sống cân bằng với trọn vẹn yêu thương, cu Bi - cháu nội của ông cần sống trong mái ấm đủ cha và mẹ.

***
Giữa tuần, Thu mới trở về nhà. Vũ vẫn chưa về. Anh gọi cho ông Hùng, nói có việc đột xuất cần giải quyết nên anh ở lại ít hôm cho xong hẳn. Vũ còn nói: “Khi về, con có chuyện muốn thưa cùng ba”. Ông Hùng đoán ngay ra tờ đơn ly hôn của Vũ.

Ông Hùng thoáng thấy nét mặt của Thu nhẹ nhàng hơn hẳn so với hôm đi. Con dâu xách theo túi nặng, vào gian bếp dỡ ra từng món, hộp lớn hộp nhỏ, toàn là đồ ăn đã chế biến. Thu nói: “Không phải con nấu đâu, là mẹ con nấu. Mẹ nói mang sang cho ba ăn liền kẻo nguội”. Nghe cách nói chuyện thật thà của cô con dâu, ông Hùng thấy thương.

Vũ trở về trong một buổi sáng đẹp trời. Vừa lúc Thu đón cu Bi về nhà chơi với ông nội. Thằng bé gặp được ba, liến thoắng nhảy xuống xe của mẹ, chạy ào đến Vũ. Vũ có chút gượng và cả bất ngờ với vẻ mặt tươi vui của Thu. Anh thấy thắc mắc, với tính khí của Thu, trở về gặp tờ đơn ly hôn của Vũ, không biết cô ấy nổi điên tới mức nào. Vậy nên nhìn nụ cười tươi tắn như không hề có chuyện gì của Thu, anh thấy ngạc nhiên. Liền khi ấy, anh nhìn qua ông Hùng, nhưng ông Hùng đoán ra nên đã tránh ánh mắt của Vũ. Ông quay đi, tủm tỉm cười một mình.

Sáng Chủ nhật, ông Hùng lục tìm tờ đơn ly hôn hôm trước nhét vội vào tờ báo, đem vo tròn rồi đốt cùng mớ lá cây rơi rụng chiều qua. Nhìn tro tàn theo gió tung bay thênh thang, ông Hùng tin những điều mới mẻ sẽ tiếp diễn.

Vũ thức giấc, sau một đêm ngủ ngon, nhìn anh bớt hốc hác hơn. Anh xuống sân vườn định nói gì đó với ba, nhưng vừa lúc Thu dắt xe ra, cô dừng lại hỏi ông Hùng: “Nay nhà mình ăn canh chua cá lóc nha ba? Mẹ con mới chỉ cho con cách nấu. Mà thấy hơi lâu đó ba, hôm nay con rảnh ở nhà nên mới nấu được”. Ông Hùng gật đầu, cười tươi. Vũ cũng bị “đứng hình” trước hình ảnh Thu dắt xe đi chợ.

Thu đi rồi, Vũ vội chạy lên phòng, tìm kiếm thứ gì đó. Ông Hùng gom sạch mớ tro đen vào túi rác, thì thầm: “Ở đây chứ đâu mà kiếm tìm”.

Hôm ấy, nền trời trong veo báo hiệu thời tiết rất đẹp!

LA THỊ ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.