Trong các bài nghiên cứu về Champa, một số tác giả cho rằng, Quảng Nam xưa tương ứng với “tiểu quốc” Amarāvati của Champa.
Tháp Bà Po Nagar (ảnh trái) và bản dập văn khắc C30 A2 trên trụ cửa tháp do Trường Viễn Đông Bác Cổ thực hiện. Ảnh: V.V.T và tư liệu |
Từ chữ Phạn trên văn khắc...
Trong bài viết Première étude sur les inscriptions Tchames (Nghiên cứu ban đầu về văn khắc Chăm) in trên Tập san Journal Asiatique, năm 1891, Étienne Aymonier có phiên la tinh hóa và dịch ra tiếng Pháp một bản văn khắc trên trụ cửa của Tháp Bà Po Nagar (C30A2, Nha Trang). Nội dung văn khắc này có nhắc đến danh xưng अमरावती (Amarāvati) trong ngữ cảnh như sau:
“Đức vua Harivarmadeva, tức hoàng thân Śivānandana, viên ngọc quý của đất, chiến thắng lẫy lừng, con của đức vua Rudravarmadeva, chúa tể của thế giới, người đã đánh đuổi tất cả các kẻ thù người Cambodia, người Việt ở Vijaya, các vùng ở phía bắc xa tận Amarāvati, các vùng ở phía nam gồm Pāndurānga và cả các vùng phía tây gồm Rade, Mada và những người man di, bởi vì đấng chúa tể thế gian luôn luôn chiến thắng. Vì vậy, ngài dâng hiến vô số của cải, đất đai cho vị nữ thần của vương quốc, vào năm Saka 1082”.
Năm 1903, trong một bài viết trên tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ, Louis Finot xem xét ngữ cảnh trên và phân tích một văn khắc khác ở Mỹ Sơn (Quảng Nam) nói đến vị vua Jaya Indravarmandeva, sau khi đánh đuổi quân thù, đã về vùng Amarāvati xây dựng lại các đền tháp; từ đó Louis Finot xác định vùng Amarāvati tương ứng với tỉnh Quảng Nam, bao trùm khu vực Mỹ Sơn, là nơi nhà vua xây dựng đền tháp. Trong bài viết tiếp theo, L. Finot (1904) tiếp tục đưa ra giả thuyết về bốn “tỉnh lớn” (grandes provinces) của Champa gồm Amaravāti ở phía bắc và ba tỉnh khác ở phía nam là Vijaya, Kauthāra và Pānduranga. Suy luận của L. Finot đã được những nhà nghiên cứu Champa sau đó kế thừa, sử dụng.
… Đến chữ Hán trong sử liệu
Cuối thế kỷ XX, trong trào lưu phản biện các quan điểm cũ về một Champa thống nhất, xuất hiện giả thuyết về một Champa rời rạc, là tập hợp nhiều “tiểu quốc”, trong đó Amarāvati được xác định là một tiểu quốc. Cùng với việc phân tích đặc điểm địa hình của miền Trung Việt Nam, các nhà nghiên cứu dẫn ra các danh xưng liên quan trong thư tịch Trung Hoa. Minh Sử có nói đến vùng đất 阿本喇補 (âm Hán: A-mu-la-bu, gần tương ứng với âm Amaravati) ở phía bắc Chiêm Thành. Chư Phiên Chí nói đến 舊州 (Cựu Châu, được hiểu là kinh đô cũ của Chiêm Thành ở Quảng Nam ngày nay), phân biệt với 新州(Tân Châu, là kinh đô mới của Chiêm Thành ở Bình Định ngày nay), đồng thời cũng gọi Cựu Châu là một “thuộc quốc” (nước phụ thuộc) của Chiêm Thành. Đặc biệt, Nguyên Sử ghi nhận vào năm 1284 có một vị 占城舊州主(Chiêm Thành Cựu Châu Chủ - Chúa của Cựu Châu thuộc Chiêm Thành) dâng biểu quy phục.
Phó Vương của Champa và Trại Chủ Câu Chiêm trong sử Việt
Ở di tích Chăm tại Mỹ Sơn (Quảng Nam) có các văn khắc ghi lại việc xây dựng các đền tháp thờ thần, hầu hết đều nhân danh vị vua tối cao của Champa (pu pō tana rayā rājādhirāja); nhưng cũng có một ít trường hợp nhân danh vị phó vương, hoặc người sắp kế vị vua (yuvarāja). Liệu các vị “phó vương” đó có phải là tiểu vương của tiểu quốc Amarāvati?
Xét ghi chép trong sử Đại Việt, năm 1312, vua nhà Trần đưa quân đánh Chiêm Thành, khi đến Câu Chiêm thì dừng lại, sai người liên lạc với “Câu Chiêm trại chủ” (俱占寨主, Chúa của Trại Câu Chiêm) để chiêu dụ vua Chiêm. Vị Chúa Trại Câu Chiêm đã liên lạc với vua Chiêm Thành bấy giờ là Chế Chí. Vua Chế Chí nghe theo, đem gia thuộc đi đường biển tới hàng nhà Trần.
Câu Chiêm (俱占) là vùng đất phía nam đèo Hải Vân, có thể bao gồm cả Quảng Nam ngày nay. Trong nhận thức của sử gia Đại Việt, Câu Chiêm là một “trại” của Chiêm Thành; nhưng một vị Chúa Trại có uy tín lớn với vua Chiêm như vậy phải chăng là một vị “tiểu vương” của “tiểu quốc” Câu Chiêm? Có điều đến năm 1402, Hồ Hán Thương đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm thua trận, phải giao đất Chiêm Động và Cổ Lũy cho Đại Việt. Chiêm Động và Cổ Lũy là vùng đất Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay, tương ứng với Amarāvati trong văn khắc Chăm; nhưng lại không thấy sử Đại Việt nhắc đến vai trò của tiểu quốc hay một “trại chủ” ở vùng này.
Và dù Amarāvati là một tiểu quốc, một trại hay chỉ là một “tỉnh lớn” của Champa, hiện không tìm thấy dữ liệu để xác định phạm vi lãnh thổ của Amarāvati một cách rõ ràng. Vấn đề cần đặt ra là, về phía bắc của Amarāvati còn có vùng đất Ulik (Ô Lý); được vua Chế Mân của Chiêm Thành giao cho Đại Việt trong đám cưới công chúa Huyền Trân năm 1306. Kết nối các ghi chép trong sử Đại Việt, chúng ta biết đất Ô Lý được đổi thành Thuận Hóa; và Thuận Hóa (trước 1604) có huyện Điện Bàn từ nam đèo Hải Vân đến khoảng sông Thu Bồn. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí biên soạn vào triều Nguyễn cũng viết “Điện Bàn nguyên là đất châu Lý của Chiêm Thành. Đời Trần thuộc châu Hóa”. Theo cách diễn giải đó thì vùng đất Điện Bàn và Đà Nẵng ngày nay thuộc về Ulik (Ô Lý) đúng hơn là thuộc về Amarāvati (Chiêm Động) thời Champa?
Hy vọng sẽ có thêm các dữ liệu mới được phát hiện để làm sáng tỏ hơn về vấn đề các tiểu quốc Amarāvati, Ulik và sự liên quan giữa Amarāvati, Ulik thời Champa và vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng ngày nay.
VÕ VĂN THẮNG