Sáng mãi gương đời

.

Đã từ lâu, nhân dân hết sức quan tâm đến sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bởi vì mỗi giờ, mỗi ngày, hoạt động của đồng chí là mỗi ngày mỗi giờ Đảng ta có một người điều hướng, một tấm gương soi; mỗi ngày, mỗi giờ thêm nhiều điều lợi dân, ích nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một chuyến công tác cơ sở.Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một chuyến công tác cơ sở. Ảnh: TTXVN

Và ai cũng biết rằng, sức khỏe của đồng chí  dần một yếu đi, ai cũng cầu mong đồng chí có đủ sức khỏe để hoàn thành những sứ mệnh thiêng liêng: Sứ mệnh chống tham nhũng, sứ mệnh chuẩn bị Đại hội XIV, Đại hội mà đồng chí làm Trưởng hai tiểu ban quan trọng là Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự. Ai sẽ là người kế tục đồng chí giữ cương vị Tổng Bí thư chèo lái con thuyền đất nước? Sự ra đi của đồng chí đã được dự báo nhưng vẫn gây ra bàng hoàng, đau xót trong toàn Đảng, toàn dân và bạn bè quốc tế.

Một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn

Trong bài viết "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân", Chủ tịch nước Tô Lâm cảm nhận:

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân”.

Lãnh đạo các nước trên thế giới, báo chí nước ngoài đều ghi nhận tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo kiệt xuất, quyền lực; nhịp cầu chân thành, thân thiện giữa Việt Nam và quốc tế; người lãnh đạo nhân dân đưa Việt Nam đến một cơ đồ, vị thế chưa từng có; người truyền cảm hứng, thức dậy những khát vọng cao đẹp của mỗi người và của cả dân tộc.

Trên nền chung, mỗi người còn có những cảm nhận riêng về con người, về nhà lãnh đạo mẫu mực, tài năng của Đảng và dân tộc Nguyễn Phú Trọng.

Tôi được biết đồng chí Nguyễn Phú Trọng từ khi ông còn công tác ở Tạp chí Cộng sản. Tôi học sau ông 9 năm ở Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, có chung thầy chủ nhiệm là GS Hà Minh Đức. Cùng lớp với ông, có những người mà tôi được coi như người em thân thiết như nhà thơ Vũ Duy Thông, Phan Cung Việt; như anh Phạm Đức Lượng, Trung Đông… ở Báo Nhân Dân, Nguyễn Huy Thông ở Quốc hội; Dương Quang Minh ở Văn phòng Chính phủ… 

Và cũng từ lâu, tôi luôn lấy những ứng xử của ông để răn mình, giữ mình khỏi những phút ngã lòng, khỏi những điều cám dỗ.

Tất cả những ai được gặp và gần gụi với đồng chí Nguyễn Phú Trọng - mà gặp là thấy tin cậy, gần gụi - thấy từ ông tỏa ra ánh sáng của một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn.

Mỗi lần họp lớp, ông đều đúng giờ, nhiệt tình tham gia các việc như những anh em khác, khi chụp ảnh không đứng vào vị trí trung tâm mà thường nhường các thầy giáo, các bạn nữ, anh chị em ở xa Hà Nội hay lớn tuổi hơn.

Có lần, bức xúc trước tiêu cực xã hội kéo dài, bạn bè nói với ông cần có tiếng nói và hành động mạnh mẽ hơn nữa, ông còn hiền quá…

Ông nhỏ nhẹ nói: “Các bạn nghĩ về mình như thế à? Mình sẽ cố gắng”. Không thanh minh, giải thích gì thêm!

Thật ra, không phải ông im lặng, càng không phải “im lặng đáng sợ để giữ mình”.

Kế thừa xuất sắc lý luận, tư tưởng Hồ Chí Minh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người cất cao tiếng nói trong Đảng, cảnh báo về những hiểm họa, nhận rõ sự phai nhạt lý tưởng, suy thoái đạo đức… từ khi còn là một nhà báo. Có thể nói, từ ngày là cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng sản tháng 5-1976, ông đã dành toàn bộ cuộc đời mình cho công tác xây dựng Đảng, trở thành một nhà lý luận hàng đầu. Ông là người không một ngày xa rời lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định với con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH). Bởi là một người gần gũi nhân dân, sống trong đời sống nhân dân, thuộc Mác ở cái tinh túy, cốt lõi nhất, rằng, thực tiễn là thước đo chân lý; rằng, như Ăng-ghen nói: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lặp lại một cách máy móc (C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, 1999, t.36, tr.796) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kế thừa xuất sắc lý luận, tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành và phát triển lý luận về một CNXH mang tinh thần Việt Nam.

Phải nói ngay rằng, khi toàn bộ CNXH Đông Âu sụp đổ vào những năm 90 của thế kỷ XX; khi các nước tư bản chủ nghĩa (TBCN) tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, công nghệ, khoa học quản lý, môi trường; thu nhập người lao động tăng cao… thành những miền đất hấp dẫn nhiều người dân trong các nước XHCN và các nước đang phát triển như nước ta; việc giữ vững định hướng XHCN, làm cho dân tin Đảng, theo Đảng đi theo CNXH, theo con đường Bác Hồ đã chọn là nhờ sự tài tình, kiên định của Đảng; nhờ sự đóng góp xuất sắc của các lãnh tụ, đặc biệt là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một tác phẩm lớn về mặt lý luận.

Trên cơ sở thừa nhận những thành tựu của CNTB trong thế kỷ XXI, đồng chí đã phân tích một cách sâu sắc những khủng hoảng và nguy cơ diệt vong nhân loại của CNTB tạo ra: “Cùng với khủng hoảng kinh tế - tài chính là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái môi trường sinh thái,... đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội”.

Nói về CNTB không chỉ ở các nước TBCN mà ngay cả trong lòng nước ta; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những dòng viết tâm huyết như dòng máu từ trái tim đến trái tim: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội.

Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường.

Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của CNXH và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”.

Một số tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Một số tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Tư tưởng vì dân, trọng dân

Từ khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư từ năm 2011 đến nay, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ năm 2013 đến nay; ở vị trí người cầm cờ, vị trí người lãnh đạo cao nhất của Đảng, chịu trách nhiệm chính trị cao cả trước toàn Đảng, toàn dân; chịu sự soi rọi của quá khứ và thôi thúc tương lai, trước khát vọng con người, khát vọng của cả dân tộc; từ Hiến pháp 2013 đến các văn kiện của Đảng, từ “Nhân dân” luôn được viết hoa - thể hiện một tư tưởng vì dân, trọng dân mà ít nhiều có ngày đã bị quên lãng. Quên lãng, thậm chí bị phản bội, mang trong mình nỗi đau, trách nhiệm của hàng triệu đảng viên chân chính, bao nhiêu giọt nước mắt đau thương của những người dân nước xót mặn từ lâu trong trái tim Nguyễn Phú Trọng đã chảy thành giọt nước mắt rơi trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI, ngày 15-10-2012.

Máu và nước mắt con người không phải nước lã. Nỗi đau của Đảng, của Dân biến thành ý chí sắt đá của Tổng Bí thư. Với ông, một nhà lý luận, một nhà hoạt động thực tiễn, hơn ai hết, ông hiểu sâu sắc câu nói của Lê-nin: “Không có kẻ thù nào, dù là hung bạo nhất, có thể chiến thắng được những người cộng sản, ngoại trừ chính họ tự tan rã, chính những lỗi lầm của họ và họ không kịp sửa chữa”. Tại cuộc họp Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 10-4-2018 và rất nhiều lần khác, đồng chí Nguyễn Phú Trọng tuyên bố: “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm!”.

Cuộc chiến đấu chống tham nhũng, tiêu cực làm trong sạch Đảng đã có những thành công có tiếng vang trên thế giới, đặc biệt là lấy lại được lòng tin của nhân dân vào Đảng, nhưng cũng lấy đi nhiều sức lực và cả một phần tuổi thọ của ông.

Rồi nhân dân sẽ còn nhớ rất lâu cái mốc thời gian 19-7-2024, ngày mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giã từ cõi sống về với thế giới người hiền, để lại một sự nghiệp lớn còn dang dở…

Vào lúc này, tôi nhớ tới một chuyện mà đồng chí Trần Đình Đàn, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kể: Khi phân nhà ở cho cán bộ cơ quan Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã không nhận tiêu chuẩn của mình và nhỏ nhẹ nói: “Mình cảm ơn, nhưng mình ở thế đủ rồi”! Tôi lại nhớ Đỗ Phú Thọ, bạn đồng nghiệp ở Báo Quân đội Nhân dân, từng làm phóng viên tháp tùng cho đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhiều năm, được cử đi xin lẵng hoa của Tổng Bí thư cho Báo Quân đội Nhân dân nhân 70 năm ra số đầu (1950-2020). Anh Thọ truyền đạt ý kiến của Ban Biên tập, chỉ xin chủ trương của Tổng Bí thư thôi, còn hoa để báo xin lo. Tổng Bí thư nói: "Hoa của mình phải chuẩn bị và chi tiền chứ!". Ông nói vậy và làm vậy. Có thể kể hàng nghìn những câu chuyện như thế về những ứng xử cao đẹp của ông.

Tôi lại thấy bóng dáng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lồng lộng cao sang hình ảnh Bác Hồ, ở phong cách, tư tưởng, ở từng câu nói.

Bác Hồ nói “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì Nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết, ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”.

***
Sự nghiệp còn dang dở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được kế tục.

Một nhân cách sáng đẹp như ngọc, một tâm hồn bình dị, cao sang còn sáng mãi gương đời.

Khi nghe tin đồng chí Nguyễn Phú Trọng từ trần, Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam viết trong thư chia buồn: “Sự cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng cũng là một yếu tố quyết định vai trò lãnh đạo của ông. Ông là người có niềm tin kiên định vào tiềm năng của Việt Nam và làm việc không mệt mỏi để bảo đảm rằng Đảng và Chính phủ sẽ ở vị thế tốt nhất để hiện thực hóa điều đó”.

Tôi xúc động vì điều đó. Tin tưởng vì điều đó.

NGUYỄN SĨ ĐẠI

;
;
.
.
.
.
.