Sứ giả người Việt đầu tiên sang Hoa Kỳ

.

* Bang giao quốc tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có từ lúc nào và ai là sứ giả Việt đầu tiên sang xứ Cờ hoa? (Trần Mỹ Hoàng, quận Hải Châu, Đà Nẵng).

Bùi Viện là sứ giả Việt đầu tiên đến Mỹ. Ảnh: Tư liệu
Bùi Viện là sứ giả Việt đầu tiên đến Mỹ. Ảnh: Tư liệu

- Việt Nam và Hoa Kỳ đã có mối quan hệ bang giao gần 300 năm qua, kể từ giai đoạn đầu Hợp chúng quốc Hoa Kỳ được thành lập (năm 1776) - theo bài viết “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ: Từ chiều sâu lịch sử đến hiện tại và tương lai” đăng trên Tạp chí Cộng Sản (tapchicongsan.org.vn).

Vào những năm 1784-1789, Đại sứ Hoa Kỳ ở Pháp là Thomas Jefferson đã liên hệ với triều Nguyễn để xin giống lúa thơm xứ Nam Kỳ về trồng tại quê hương. Ông cũng là người chấp bút bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ và sau này trở thành Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ. Tiếp đó, năm 1803, thuyền trưởng John Briggs là người Mỹ đầu tiên đưa tàu mang quốc kỳ Hoa Kỳ tới Việt Nam. Năm 1832, Phái bộ Ngoại giao của Chính phủ Hoa Kỳ chính thức tới Đại Nam. Sử sách Việt Nam cũng ghi lại dấu ấn bang giao chính thức đầu tiên giữa hai nước khi vua Tự Đức cử Bùi Viện hai lần sang Hoa Kỳ thực hiện sứ mệnh ngoại giao vào giai đoạn 1873-1875...

Về sứ giả Bùi Viện (1839-1878), Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình (thaibinhtv.vn) cho biết, ông hiệu là Mạnh Dực. Ông sinh ra ở làng Trình Phố, tổng An Bồi, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là thôn Trình Nhì, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), trong một gia đình nhà nho kiêm nghề bốc thuốc. Ông được đánh giá là một nhà canh tân lỗi lạc kiêm nhà kinh tế, ngoại giao của Việt Nam cuối thế kỷ XIX.

Sau khi 6 tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp, tháng 7-1873, vua Tự Đức chính thức cử Bùi Viện ra nước ngoài tìm hiểu tình hình, hy vọng có thể dựa vào một nước có tiềm lực lớn nhằm làm đối trọng, giảm bớt áp lực của Pháp đang ráo riết thực hiện âm mưu chiếm nốt Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Cũng như một số nhà nho tiến bộ, Bùi Viện chủ trương muốn thắng Pháp phải canh tân đất nước nhưng cách làm của ông khác biệt so với những nhà nho có tư tưởng canh tân khác. Ông chủ trương dùng chính sách ngoại giao khôn khéo, giao thiệp với các nước có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhằm làm cân bằng lực lượng để chế ngự người Pháp đang gây áp lực buộc triều đình Huế đầu hàng. Ông không cầu viện các nước ở phương Đông như các nhà nho đương thời, ông có tư tưởng cầu viện Mỹ.

Bùi Viện là nhà ngoại giao đầu tiên trong lịch sử nước ta sang Mỹ và đã hai lần gặp Tổng thống Mỹ. Các cứ liệu viết về cuộc công du của Bùi Viện không nhiều. Tác phẩm duy nhất viết về sự kiện này “Bùi Viện và Chính phủ Mỹ” của nhà sử học Phan Trần Chúc in từ năm 1945. Mới đây, NXB Văn hóa Thông tin in lại với cái tên “Bùi Viện và cuộc duy tân của triều Tự Đức thế kỷ XIX”.

Sách “Bùi Viện với cuộc Duy Tân triều Tự Đức thế kỷ XIX” có chép Bùi Viện là người có công sáng lập ra cửa biển Hải Phòng mà đương thời gọi là bến Ninh Hải. Theo đó, bến Ninh Hải là một thôn nhỏ thuộc địa phận tỉnh Hải Dương, chỉ là chỗ hội họp của mấy nhà thuyền chài kiếm ăn ngoài bể hoặc trên các sông con. Bùi Viện đã đổi đống bùn lầy Ninh Hải làm một hải cảng trong có thành phố, có cơ quan Chính phủ như thương chính và nhất là những đường lối ở cả trên bộ lẫn dưới nước để làm một thương cảng kiêm quân cảng, có thể làm cửa ngõ của xứ Bắc Kỳ và là nơi giao thiệp với các nhà buôn ngoại quốc.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.