THƠ

.

Nhà thơ H.Man tên thật là Phạm Văn Mận, sinh năm 1954 tại thôn Bảo An, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, hiện là hội viên Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng, Trưởng Văn phòng Đại diện NXB Văn học tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Làm thơ từ những năm 1972, nhà thơ H.Man thành công với thể thơ truyền thống giàu nhạc điệu. Đà Nẵng cuối tuần giới thiệu với bạn đọc chùm thơ vừa sáng tác của anh.

Chốn cũ

Về mà góp nhặt phôi pha
Gọi bình minh cũ đợi tà dương xưa
Về mà đếm hạt sao thưa
Đã xa xôi thuở hồn chưa ngấm buồn
Hỏi thăm chiếc lá đầu nguồn
Rụng về đâu giữa chiều buông nắng nhòa
Nợ người một chút sương hoa
Rồi lênh đênh với năm xa tháng gần
Về mà hỏi lại bàn chân
Có đau đá sỏi một lần đa mang
Mở xuân xanh đếm lụi tàn
Mở trang thơ cũ lời vang trong lời
Sông quê đã cạn theo đời
Neo trong ký ức tiếng ơi gọi đò…

Áo trở màu không

Bây giờ áo trở màu không
Mây mùa thu
nắng mùa đông
nhạt nhòa
Môi cười nát buổi chia xa
Vườn xưa để úa một tà trăng suông

Rượu đâu dễ chắc phai buồn
Chén trà khuya giọt sương buông lạnh lùng
Lả mình một phiến tơ rung
Tiếng chim rớt giọng đề cung nghẹn lời

Dây tình thoảng phấn hương rơi
Quán trăm năm gió thổi bời lòng nhau
Thuyền đi đâu bỏ bến này
Để sông mắc nợ một ngày lênh đênh

Mây đan khói sóng đầu ghềnh
Trời xa như thể vào quên lãng rồi
Hỏi thầm: chìm khuất chưa tôi?
Mà thương chiếc bóng mồ côi giữa chiều

Áo nào xanh thắm hương yêu
Đã phôi phai giữa bao điều thương mong
Bây giờ áo trở màu không
Bao la sương khói…
mênh mông là buồn!

An trú giữa lòng quê

Kể như an trú chốn nầy
Mây giăng ngoài ngõ cỏ dày dưới chân
Quạnh hiu chừng cũng ân cần
Gởi vài giọt nắng qua sân cuối mùa

Kể gì còn, mất, được, thua
Nghe như đầu cổng gió lùa thênh thênh
Đã qua bao thác, bao ghềnh
Áo xanh, chỉ thắm vào quên lãng rồi

Chỉ mình với bóng chung đôi
Vườn trăng lành lạnh chỗ ngồi hoang sơ
Bến xuân không hẹn không chờ
Từ khi lạc dấu thuyền mơ chẳng về

Từ khi buồn xuống cận kề
Đã nghe tình đất, tình quê nồng nàn
Con chim đập cánh bàng hoàng
Là khi lá trở vội vàng trên cây

Kể như an trú chốn nầy
Mùa em trái rụng đã đầy ngục tim...

;
;
.
.
.
.
.